Thứ 2, 12/08/2024, 22:13[GMT+7]

Phát huy thế mạnh nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”

Thứ 2, 26/12/2016 | 14:40:36
1,590 lượt xem
Việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” đã tạo chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm tỏi Thái Thụy. Tuy nhiên, để tỏi Thái Thụy thực sự nâng cao được giá trị, tăng thu nhập cho người nông dân khi đã có nhãn hiệu cần có chính sách quản lý, phát triển quảng bá, mở rộng thị trường và khai thác thương mại hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu tỏi

Là huyện ven biển, Thái Thụy có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển cây tỏi. Hàng năm, toàn huyện luôn duy trì trồng khoảng 500ha cây hành, tỏi, tập trung ở một số xã như Thụy An, Thụy Tân, Thụy Trường, Thái Nguyên..., chiếm khoảng 10% diện tích cây màu vụ đông toàn huyện. Ở những địa phương trên, tỏi là cây vụ đông chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân.

Là xã có truyền thống trồng hành, tỏi của huyện, vụ đông này, Thụy An trồng khoảng 160ha hành, tỏi. Gia đình ông Mai Công Quy ở thôn Trung có nhiều năm trồng tỏi cho biết: Ở địa phương chúng tôi hầu như gia đình nào cũng trồng tỏi. Hộ trồng ít từ 2 - 3 sào, hộ trồng nhiều lên đến hơn một mẫu. Riêng gia đình tôi luôn duy trì trồng hơn 1 mẫu tỏi. Trung bình một sào tỏi cho thu hoạch 4 - 5 tạ, có năm giá bán cao cho thu nhập gần 10 triệu đồng/sào, năm nào giá bán thấp cũng được 5 - 6 triệu đồng/sào.

Theo ông Mai Ðức Nhường, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Thụy An: Ðặc điểm đất canh tác của địa phương là đất ven biển chua mặn, chân ruộng cao nên ít khi bị ngập úng, rất phù hợp để trồng tỏi. Tỏi được trồng từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, cho thu hoạch từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2 năm sau. Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp nên tỏi được trồng ở địa phương mang nét đặc trưng riêng, phân biệt với tỏi sản xuất ở nơi khác như: lá tỏi dày, cứng, màu lá xanh nhạt, củ chắc, dọc thân gần củ có màu tía. Củ thương phẩm thu hoạch sau khi trồng từ 130 - 140 ngày, lúc lá đã già gần khô. Củ màu tía, kích thước từ 2 - 3,5cm, tép tỏi đều, khoảng từ 10 - 12 tép/củ. Khi dùng, tỏi của địa phương có mùi thơm đặc trưng, vị cay nồng, không gắt như tỏi trồng ở những nơi khác...

Mặc dù có hương vị đặc biệt nhưng hiện nay tỏi Thái Thụy vẫn phải tiêu thụ bấp bênh, trôi nổi trên thị trường và gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các đầu mối thương lái. Trong khi đó, người tiêu dùng không biết đâu là “Tỏi Thái Thụy” hoặc không biết địa chỉ nào để mua tỏi Thái Thụy. Ðây là sự thiệt thòi lớn về lợi ích cho cả người trồng lẫn người tiêu dùng khi “Tỏi Thái Thụy” chưa có tên tuổi, địa chỉ, đặc tính sản phẩm hay hệ thống quảng bá... trên thị trường.

Nông dân Thụy An (Thái Thụy) chăm sóc cây tỏi.

Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”

Ðể tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trồng tỏi ở Thái Thụy cũng như phát triển sản xuất theo quy mô hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”, tỉnh Thái Bình vào danh mục Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015. Ông Nguyễn Ðình Chung, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thái Thụy cho biết: Ðược sự đồng ý của tỉnh, huyện, Hội Nông dân huyện được chọn là đơn vị làm chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”. Hội đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip thực hiện quy trình tạo lập dự án như: thiết kế, thống nhất lựa chọn mẫu nhãn hiệu tập thể, lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gồm bản đồ quy hoạch vùng sản xuất, danh sách hội viên, giấy phép sử dụng tên địa danh Thái Thụy, xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, điều lệ hoạt động của Hội Tỏi Thái Thụy, ban hành quy định về cấp và sử dụng tem nhãn “Tỏi Thái Thụy”, xây dựng mô hình quản lý, hệ thống phương tiện, điều kiện quảng bá, khai thác giá trị nhãn hiệu tập thể... Sau gần 2 năm thực hiện dự án, tháng 2/2016, Hội Nông dân huyện Thái Thụy đã chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là chủ sở hữu với nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”. Phát huy vai trò quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể, Hội đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” cho 29 hộ hội viên nông dân 5 xã: Thái Ðô, Thái Nguyên, Thụy Tân, Thụy An, Thụy Dũng.

Ông Ðoàn Trọng Ðàng ở xã Thụy An phấn khởi cho biết: Tỏi là cây truyền thống nên nông dân địa phương rất giàu kinh nghiệm sản xuất. Thông qua dự án Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”, tỉnh Thái Bình, bà con nông dân được các kỹ sư của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thêm các quy trình sản xuất mới trong canh tác và thu hoạch, các yêu cầu kỹ thuật cụ thể cần tuân thủ đối với từng khâu công việc, biện pháp kiểm soát để tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao... Tôi và nhiều hộ dân ở địa phương rất vui mừng, phấn khởi vì sản phẩm tỏi của huyện nhà đã được bảo hộ thương hiệu, qua đó sẽ nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho người nông dân.

Việc quản lý, sử dụng và bảo hộ thương hiệu hàng hóa nông sản, đặc biệt là nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” có ý nghĩa rất quan trọng, giúp mặt hàng tỏi tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngành chức năng trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, các hộ sản xuất cần tích cực áp dụng tiến bộ mới vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng tỏi...

Trần Tuấn

  • Từ khóa