Thứ 2, 01/07/2024, 02:29[GMT+7]

Để hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm

Thứ 5, 04/05/2017 | 09:21:16
1,013 lượt xem
Theo báo cáo của Sở Y tế, trong 3 tháng đầu năm 2017, các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về an toàn thực phẩm trong tỉnh kiểm tra 4.111 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả đã phát hiện 531 cơ sở vi phạm điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó có 118 cơ sở vi phạm bị xử lý.

Thức ăn vỉa hè tiện dụng song cần bảo đảm tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện có những cơ sở kinh doanh hàng giả, nhà hàng sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ, không xuất trình được hợp đồng mua nguyên liệu, phụ gia thực phẩm... Hiện tại đang là thời điểm giao mùa xuân - hè, khí hậu nóng ẩm thuận lợi cho nấm mốc, ruồi nhặng, vi khuẩn chứa mầm bệnh sinh sôi, phát triển. Đó là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, để giảm thiểu ngộ độc thực phẩm đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn thực phẩm cần được thực hiện chủ động, tích cực.

Theo bà Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban Chỉ đạo đã triển khai kế hoạch tháng hành động vì an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn tỉnh với chủ đề: “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn”; “Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”. Thời gian thực hiện trong 1 tháng, từ ngày 15/4 - 15/5. Đây cũng là đợt cao điểm phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng an toàn thực phẩm. Đồng thời là dịp để các ngành, các cấp thể hiện vai trò trách nhiệm, tích cực, chủ động tham gia hưởng ứng các hoạt động thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng nâng cao ý thức chấp hành chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng thực phẩm không an toàn nói chung, do sử dụng rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống nói riêng...

Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh, ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế cho biết ngành Y tế tích cực phối hợp với ngành Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành giám sát việc sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm rượu, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống như rau, thịt, thủy sản. Riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý. Hiện tại, các đoàn kiểm tra của Chi cục đang tiến hành kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể thuộc khu công nghiệp, các trường học và một số cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn.

Thực hiện kế hoạch tháng hành động an toàn thực phẩm, các địa phương trong tỉnh đã, đang tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức lễ phát động, đánh giá kết quả thực hiện an toàn thực phẩm và triển khai kế hoạch của tháng hành động. 

Ông Phạm Công Diện, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết: Triển khai tháng hành động an toàn thực phẩm, huyện Vũ Thư thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chế biến rau, thịt, nông, lâm, thủy, hải sản trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của tháng hành động, trong đó chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; chăn nuôi, giết mổ; các gia trại, trang trại nuôi trồng rau, gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đặc biệt, để nâng cao nhận thức của người dân, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn. Nâng cao vai trò trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định bảo đảm an toàn trong sản xuất rau, thịt; quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau; sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, tuyên truyền để tuyệt đối không sử dụng tạp chất, cồn công nghiệp pha chế, chế biến rượu, không kinh doanh những loại rượu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Để hạn chế tối đa vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp, mỗi người dân, người tiêu dùng cũng cần trau dồi kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến rượu, thực phẩm. Mỗi người tiêu dùng cần trang bị kiến thức để trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Hà Dung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày