Thứ 2, 01/07/2024, 02:27[GMT+7]

Biết bụng biết dạ để phòng bệnh tật

Chủ nhật, 30/06/2024 | 23:00:33
455 lượt xem

Ảnh minh họa.

I/ Biết bụng biết dạ 

Tất cả các bạn ai cũng có cái bụng, trong bụng ai cũng có một cái dạ dày, tuy nhiên chưa hẳn là ai cũng hiểu biết hết về cái dạ dày của mình nó như thế nào? Vậy thì chúng ta cùng tìm hiểu từ những điều đơn giản nhất để phòng bệnh.

1. Dạ dày

 Dạ dày của người (còn gọi là bao tử, đông y gọi là phủ vị).  

- Vị trí dạ dày: nằm ở vùng bụng trên, dưới xương ức, phía phải cận kề với gan, phía trái cạnh lá lách (vùng dưới hõm ức, vùng này gọi là vùng thượng vị - chính vì vậy khi đau dạ dày thường hay đau ở vùng thượng vị). 

- Dạ dày có liên kết phức tạp với các bộ phận khác trong khoang bụng như gan, mật, tụy, lách, ruột... 

- Dạ dày là đoạn phình ra của ống tiêu hóa giống hình chữ J, phía trên dạ dày nối với thực quản qua lỗ tâm vị, phía dưới nối với tá tràng qua lỗ môn vị, rồi đổ xuống ruột non. 

- Dạ dày được cấu tạo bởi các lớp cơ chắc chắn và liên kết chặt chẽ nên có khả năng co bóp mạnh, giúp nghiền nát và nhào nhuyễn thức ăn. 

- Dạ dày có chức năng dự trữ thức ăn, nghiền thức ăn, tiết ra dịch vị, phân hủy thức ăn nhờ hệ enzyme tiêu hóa dịch vị với độ pH phù hợp ở lớp niêm mạc. 

- Khả năng của dạ dày có thể chứa trung bình từ 1,5 - 2 lít nước cùng thức ăn. Việc ăn quá no sẽ khiến cho dạ dày bị căng phồng, nhu động ruột chậm lại, dịch tiêu hóa tiết ra không đủ và từ đó dẫn đến việc thức ăn không thể tiêu hóa hết (thức ăn dư bị đẩy nhanh xuống ruột non, qua ruột già rồi theo phân ra ngoài - hiện tượng này gọi là sống phân). 

2. Dịch vị là gì? 

- Dịch vị là một hỗn hợp các chất do các tuyến vị ở dạ dày tiết ra. Trung bình dạ dày bài tiết từ 1 - 2,5 lít dịch vị mỗi ngày.

- Dịch vị là một chất lỏng trong suốt không màu, hơi sánh với 2 thành phần chính là acid clohydric (HCl) và enzym pepsin.

 Acid clohydric tồn tại trong dịch vị dưới 2 dạng là dạng tự do và dạng kết hợp cùng protein với nồng độ cao (khoảng 150 mmol/lít, độ pH = 1,5 - 2,5). 

- Nhờ có enzym pepsin, dịch vị giúp chuyển hóa thức ăn có protein thành các chuỗi liên kết peptide dài, liên tục và không phân nhánh (polypeptide) giúp cho dễ tiêu hóa hơn. 

- Chất nhầy có trong dịch vị sẽ bao bọc quanh thức ăn giúp quá trình vận chuyển thức ăn trong các cơ quan tiêu hóa dễ dàng hơn. Ngoài ra, chất nhầy còn có tác dụng bao phủ bề mặt dạ dày, ngăn cản sự xâm hại của axit và vi khuẩn lên thành dạ dày. 

3. Dạ dày là một cơ quan dễ mắc bệnh và hay tái phát

- Dạ dày làm việc liên tục không ngừng nghỉ, trung bình mỗi ngày dạ dày phải co bóp từ 4.000 - 5.000 lần (cứ 1 phút dạ dày co bóp từ 2 - 4 lần), vì vậy dạ dày cũng dễ bị tổn thương.  

- Môi trường dạ dày khá khắc nghiệt và phức tạp: nồng độ axit cao, luôn nạp vào các chất chua, cay, mặn, ngọt, xơ dai, rượu, bia cùng chất kích thích, vi khuẩn theo vào hoạt động... (đặc biệt là vi khuẩn HP - Helicobacter Pylori dễ nhiễm, dễ tái phát; vì vậy mà dạ dày hay bị kích thích, viêm loét). 

II/ Phòng bệnh dạ dày

Không có gì phòng bệnh dạ dày tốt bằng thực hiện các cách sau đây:

1) Ăn chậm, nhai kỹ, ăn lượng vừa phải, không ăn quá no, không ăn quá nhiều đồ chua, cay, đắng, chát, mặn, ngọt... Điều này tưởng rất đơn giản nhưng khó thực hiện (cần phải lưu ý). 

2) Đừng để cho dạ dày đói quá lâu, lúc này trong dạ dày chỉ chứa toàn dịch vị và axit, sẽ rất hại cho niêm mạc thành dạ dày. Bạn cần duy trì ăn đúng bữa, nếu phải nhịn quá bữa nên có chút đồ ăn phụ để bảo vệ dạ dày. 

3) Thận trọng khi uống rượu, bia, nước có ga và các chất kích thích như chè, cafe... nếu bạn đưa vào dạ dày quá nhiều đồ uống nói trên sẽ làm cho môi trường trong lòng dạ dày càng thêm khắc nghiệt, tăng áp lực cho dạ dày và dễ phát sinh các bệnh về dạ dày. 

4) Đối với những người phải dùng các loại thuốc tây y, đông y kéo dài: 

- Có khá nhiều loại thuốc đông y và tây y, nếu dùng kéo dài dễ gây hại cho dạ dày. Trong đó đặc biệt lưu ý các nhóm thuốc giảm đau, thuốc coticoit, thuốc chống đông, thuốc mỡ máu... 

+ Cần tuân thủ tư vấn của bác sĩ kê đơn điều trị. 

+ Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng. 

+ Cần dùng bổ sung kèm theo các thuốc bảo vệ dạ dày, khi phải uống các thuốc chữa bệnh mãn tính khác (theo sự chỉ dẫn của bác sĩ). 

5) Tạo thói quen xoa day bụng: 

Ở vùng thượng vị có 1 huyệt tên là huyệt trung quản. Huyệt trung quản có một số tác dụng nổi bật như: điều hòa và tăng cường chức năng của dạ dày, trị đầy hơi, khó tiêu, trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, tá tràng... Ngoài ra, một tác dụng được quan tâm hiện nay đó chính là hỗ trợ điều trị béo phì.  

- Xoa bụng: dùng cả lòng bàn tay áp vào vùng thượng vị (vùng bụng phía trên rốn, dưới hõm ức), xoa tròn theo chiều kim đồng hồ 20 - 30 lần, sau đó xoa ngược chiều kim đồng hồ 20 - 30 lần). Xoa vào lúc sau ăn 2 tiếng (tầm 9 giờ sáng và 3 giờ chiều). Kiên trì xoa hàng ngày sẽ rất tốt cho phòng và chữa các bệnh về dạ dày.

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc