Thứ 2, 01/07/2024, 02:30[GMT+7]

Nhiều diện tích lúa mùa có nguy cơ mất trắng do bệnh lùn sọc đen

Thứ 4, 30/08/2017 | 09:03:41
5,927 lượt xem
Vụ mùa năm nay, bệnh lùn sọc đen (LSĐ) đã xuất hiện trở lại và gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều diện tích lúa của các địa phương. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh, ngày 25/8, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 2281/QĐ-UBND công bố dịch bệnh LSĐ hại lúa vụ mùa 2017 tại ba huyện: Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy.

Tuyệt đối không được dùng các loại phân bón qua lá và các chất kích thích sinh trưởng phun ở những diện tích lúa đã bị bệnh.

Cuối tháng 7 đầu tháng 8, trên lúa mùa của tỉnh rầy lưng trắng phát sinh với mật độ cao bất thường so với cùng kỳ nhiều năm, cá biệt có nơi lên đến hàng vạn con/m2. Đây chính là nguồn lây truyền vi rút bệnh LSĐ trên diện rộng cho lúa mùa. Khoảng thời gian bệnh LSĐ biểu hiện triệu chứng nhanh nhất trên đồng ruộng từ ngày 15/8 đến nay. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến ngày 25/8, tổng diện tích nhiễm bệnh LSĐ toàn tỉnh là 9.764,05ha, trong đó nhiễm rải rác đến dưới 5% là 8.815,8ha, nhiễm nhẹ từ 5 - 10% là 339,45ha, nhiễm trung bình từ 10 - 20% là 293,7ha, nhiễm nặng trên 20% là 269,4ha, diện tích mất trắng trên 70% là 47,7ha, tập trung ở ba huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương.

Gieo cấy 1,7 mẫu ruộng, đến nay, bà Nguyễn Thị Thuận, thôn Nghĩa Môn, xã Quang Hưng (Kiến Xương) đã phát hiện bệnh LSĐ xuất hiện trên mảnh ruộng 7 sào của gia đình mình trong giai đoạn lúa làm đòng. Bà Thuận cho biết: Từ đầu vụ mùa đến giờ tôi đã phun thuốc phòng, trừ sâu bệnh cho toàn bộ diện tích lúa của gia đình 3 lần, tập trung vào các đối tượng: rầy lưng trắng và sâu đục thân hai chấm. Khi phát hiện ruộng lúa có các biểu hiện giống với biểu hiện của bệnh LSĐ như cây lúa nhiễm bệnh lùn hơn những cây còn lại, màu lá xanh đậm, thân cứng, rễ đen… tôi đã tiến hành nhổ và tiêu hủy ngay. Đồng thời, tích cực kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và phun trừ rầy theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và chính quyền địa phương.

Là một trong những xã có diện tích lúa nhiễm bệnh LSĐ lớn, đến nay, qua tổng hợp, điều tra của các thôn, Thái Thọ (Thái Thụy) có 70ha lúa mùa nhiễm bệnh, trong đó 30ha nhiễm nặng, khả năng thiệt hại lớn về năng suất. Ông Phạm Văn Cao, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Bệnh LSĐ xuất hiện trên tất cả các giống lúa, trà lúa. HTX đã tuyên truyền tới người dân tuyệt đối không được dùng các loại phân bón qua lá và các chất kích thích sinh trưởng phun ở những diện tích nhiễm bệnh, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tiến hành tiêu hủy; diện tích nhiễm nhẹ cần tiếp tục theo dõi để có phương án xử lý kịp thời.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh yêu cầu ba huyện: Kiến Xương, Tiền Hải, Thái Thụy tổ chức thực hiện công tác phòng, trừ dịch bệnh LSĐ hại lúa tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn trên tinh thần huy động sự tham gia của nông dân, ngành Nông nghiệp, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp. Tổ chức tuyên truyền cho nông dân về tác hại của bệnh LSĐ và các biện pháp phòng, trừ, đồng thời thường xuyên báo cáo tình hình dịch tại địa phương, kết quả công tác phòng, trừ dịch. Ngành Nông nghiệp cũng đã phân công cán bộ tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra thực tế đồng ruộng, phát hiện kịp thời các diện tích nhiễm bệnh, theo dõi diễn biến dịch để đưa ra các biện pháp khoanh vùng, phòng, trừ phù hợp.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 20.000ha lúa nhiễm rầy, cùng với đó, lúa ở giai đoạn này còn non vì vậy khả năng truyền vi rút bệnh LSĐ là rất lớn. Đặc biệt, ở những nơi có tỷ lệ nhiễm bệnh trên 5% thì khả năng thiệt hại về năng suất rất lớn. Do vậy, không chỉ tại ba huyện công bố dịch, các địa phương cần khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các ruộng có biểu hiện bệnh LSĐ để có biện pháp xử lý kịp thời.

Lưu Ngần

Biểu hiện của bệnh lùn sọc đen:
- Cây lúa bị bệnh LSĐ có biểu hiện lùn, lá xanh đậm hơn bình thường, xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, gân lá ở mặt sau bị sưng lên.
- Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có đốt, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định (rễ mọc ngược), các đốt ngắn lại và cứng. Trên bẹ và đốt thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen.

Biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen:
- Khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm các ruộng lúa có biểu hiện bệnh LSĐ cần thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn biết để đánh giá, phân loại, thống kê diện tích lúa bị bệnh kịp thời.
- Những diện tích lúa bị bệnh không còn khả năng cho thu hoạch cần tuyên truyền, vận động nhân dân nhổ bỏ, tiêu hủy nguồn bệnh tránh lây lan ra diện rộng.
- Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 trên đồng ruộng có đợt rầy lứa 6 nở rộ, vì vậy khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện rầy, đặc biệt trên những diện tích chưa bị bệnh, những nơi có mật độ rầy trên 800 con/m2, khuyến cáo nông dân dùng các loại thuốc đặc hiệu như: Penalty 40WP, Chess 50WG, Midan 10WP, Oshin 20WP, Sutin 5EC, Chatot 600WG… để diệt trừ môi giới truyền bệnh.
- Tuyệt đối không được dùng các loại phân bón qua lá và các chất kích thích sinh trưởng phun ở những diện tích lúa đã bị bệnh bởi hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để phòng, trừ bệnh LSĐ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày