Thứ 6, 27/12/2024, 05:22[GMT+7]

Dân số già - thách thức và giải pháp (Kỳ 1)

Thứ 2, 16/10/2017 | 11:03:32
1,251 lượt xem
Thái Bình là tỉnh đang trong giai đoạn dân số già và có tốc độ già hóa tăng nhanh. Bên cạnh lợi thế, dân số già cũng đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức tác động đến kinh tế - xã hội, trong đó có thách thức đối với ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe đòi hỏi cần có sự chủ động ứng phó.

Tham gia hoạt động văn nghệ, người cao tuổi được nâng cao đời sống tinh thần.

Kỳ 1: Dân số già và những lợi thế, thách thức

Thực trạng già hóa tăng nhanh

Những năm gần đây, Thái Bình là tỉnh đạt nhiều thành công trong công tác dân số - KHHGĐ, trong đó kết quả nổi bật là tuổi thọ trung bình của người dân tăng cao, số trẻ em sinh ra và số người chết giảm. Như vậy, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) trong tổng dân số tăng lên rõ rệt theo từng năm. 

Theo thống kê của ngành dân số, Thái Bình hiện có hơn 320.000 NCT và là tỉnh sớm qua giai đoạn già hóa dân số, bước sang giai đoạn dân số già. Điều đáng ngại, tốc độ già hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng nhanh. Nếu như năm 2012, tỷ lệ người trên 60 tuổi trên tổng số dân toàn tỉnh là 13,8% thì năm 2014 đã tăng lên 14,5%, năm 2016 tăng lên 16,3%. Cá biệt, ở một số xã, tỷ lệ người già tăng lên đến 30% tổng số dân số sinh sống tại địa phương. Thống kê 6 tháng đầu năm 2017, riêng số NCT từ 80 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là 79.206 cụ... Những gia đình “tứ đại đồng đường”, trong đó có 2 thế hệ với từ 4 người bậc cụ, kỵ, ông bà đều đã là NCT, cùng chung sống dưới một mái nhà không còn là hiếm...

Lợi thế “vốn quý của xã hội”

Thực tế xã hội có nhiều NCT cũng là một lợi thế, bởi NCT với bản lĩnh chính trị vững vàng, có nhiều kinh nghiệm sống, hiểu biết xã hội phong phú, có uy tín, sống mẫu mực... luôn là vốn quý của xã hội. 

Theo ông Nguyễn Thái Hùng, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh: Toàn tỉnh hiện có hơn 21.000 NCT vẫn tham gia công tác xã hội và giữ nhiều trọng trách quan trọng tại cơ sở. Ngoài ra, NCT còn là nòng cốt trong các phong trào khuyến học, khuyến tài, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa; giám sát, phản biện, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, góp phần đắc lực xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, toàn tỉnh có hơn 1.500 NCT hiện đang là chủ doanh nghiệp, trang trại, trong đó có hơn 800 NCT sản xuất, kinh doanh giỏi. Với tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm, họ không ngừng phát huy và sáng tạo, lãnh đạo đơn vị phát triển với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, giúp giải quyết việc làm, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Tiêu biểu như nghệ nhân Trần Văn Sen, Anh hùng Lao động, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen; ông Đào Trọng Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sao Mai; ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình; ông Đào Viết Thoàn, xã An Quý (Quỳnh Phụ); bà Phạm Thị Ngắn, chủ cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Tây Giang (Tiền Hải)...

Đối mặt nhiều thách thức

Bên cạnh một số lợi thế, thực trạng dân số già và việc già hóa dân số tăng nhanh cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, cần sớm được giải quyết. Đặc biệt, với Thái Bình vốn là tỉnh nông nghiệp, có gần 90% dân số sống ở nông thôn, NCT hầu hết đều là nông dân, mức sống thấp do họ không có thu nhập thường xuyên và ổn định. Tỷ lệ NCT có lương hưu hoặc trợ cấp xã hội rất thấp, những người đã được hưởng trợ cấp xã hội thì mức trợ cấp còn hạn chế, không đủ trang trải nhu cầu chi tiêu. 

Theo thống kê từ Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, hiện toàn tỉnh có 4.060 NCT thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng chăm sóc; 51.129 NCT đủ 80 tuổi trở lên không hưởng lương hưu, trợ cấp; 5.848 NCT tàn tật. Hầu hết NCT sinh sống ở nông thôn phải tự tạo việc làm bằng cách tham gia sản xuất nông nghiệp, phải sống dựa vào con cháu, vì vậy ít có điều kiện chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc điểm này làm cho thách thức từ thực trạng dân số già và già hóa tăng nhanh ở Thái Bình cao hơn hẳn so với nhiều tỉnh, thành phố.

Do mặt trái của kinh tế thị trường, số NCT sống cô đơn, thiếu người thân chia sẻ, chăm sóc tăng đáng kể; tỷ lệ gia đình có NCT sống cùng con cháu ngày càng giảm, hiện chỉ có khoảng 62%. Nhiều gia đình người trẻ đi lao động xa quê, để lại việc đồng áng và con cái cho bố mẹ già chăm lo làm cho nhiều người già vốn không được chăm sóc, thảnh thơi lại thêm gánh nặng. Bên cạnh tuổi cao sức yếu làm giảm chất lượng sống, tình hình phức tạp của bệnh tật và hệ lụy từ các bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng cao ở người già. Trong khi an sinh xã hội chưa đầy đủ, năng lực, hệ thống y tế chăm sóc cho NCT chưa hoàn thiện, điều đó càng làm cho cuộc sống của đa số NCT khó khăn càng gặp nhiều khó khăn hơn.



Ông Nguyễn Thái Hùng, Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

Người già ở bất cứ thời đại nào cũng cần có 3 yếu tố: sống vui vầy với con cháu trong cảnh gia đình ấm cúng, hạnh phúc; được tạo điều kiện sống khỏe, được chăm sóc tốt khi ốm đau; được hòa nhập và phát huy vai trò NCT, đóng góp cho gia đình và phát triển xã hội.

Cụ Phí Thị Lụt, xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng

Tôi năm nay đã 96 tuổi, có 5 cháu gọi bằng cụ, 1 cháu gọi bằng kỵ. Thời ngày xưa tuổi cao như tôi là hiếm song bây giờ số NCT từ 80 trở lên ở quê tôi rất nhiều. Được sống trong gia đình “tứ đại đồng đường” tôi luôn thấy vui vẻ, hạnh phúc song nhìn xung quanh còn nhiều NCT cuộc sống gặp nhiều khó khăn cần được giúp đỡ.


Bác sĩ Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế

Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh mãn tính không lây nhiễm tăng cao, trong đó chủ yếu là NCT mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... Tình trạng bệnh tật vừa làm giảm chất lượng cuộc sống của NCT vừa là gánh nặng của bảo hiểm y tế vừa là thách thức lớn đối với ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Hà Dung

(còn nữa)