Thứ 3, 23/07/2024, 01:18[GMT+7]

Vang mãi bài ca mở đất (Kỳ 5)

Thứ 2, 06/11/2017 | 09:52:51
1,044 lượt xem
Từ những thành tựu to lớn trong công cuộc khai hoang lấn biển, Đảng bộ và nhân dân huyện Tiền Hải luôn xác định phải tiếp tục vươn lên, xây dựng quê hương phát triển bền vững, xứng đáng với truyền thống cha ông.

Xây dựng vành đai chắn sóng, lấn biển trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển tại xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Kỳ 5: Viết tiếp bài ca mở đất

Tới thăm xã Nam Thịnh, vùng đất trù phú ven biển đầy tiềm năng của huyện Tiền Hải, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay rõ rệt của vùng quê nơi đây. 

Ông Trần Đặng Đoàng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh cho biết: Xác định phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng nông thôn mới… phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Trong đó tập trung khai thác những tiềm năng, thế mạnh ngành kinh tế mũi nhọn đó là phát triển kinh tế biển, thực hiện hiệu quả hai lĩnh vực trọng điểm là khai thác và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, tổng số phương tiện tàu, thuyền trong xã là 285 phương tiện cho sản lượng đánh bắt bình quân hàng năm đạt khoảng 5.500 tấn, thu nhập đạt gần 60 tỷ đồng. Nghề nuôi trồng thủy hải sản tiếp tục phát triển, trong đó chủ lực là nuôi ngao với diện tích 1.152ha. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năm 2016, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 70,2%; thương mại, dịch vụ chiếm 17,83%. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt hơn 33 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 3,54%.

Không chỉ xã Nam Thịnh, với ưu thế bờ biển dài hơn 23km, những năm qua, Tiền Hải luôn chú trọng đầu tư phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy hải sản; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo. Khuyến khích người dân nuôi các con đặc sản có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản sang các thị trường trên thế giới. Đến nay, diện tích nuôi trồng trên địa bàn huyện bình quân đạt 4.855ha/năm; giá trị sản xuất tăng bình quân 13,2%/năm; sản lượng khai thác đạt 56.000 tấn/năm. 

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.786,7ha (tăng 193,2ha so với cùng kỳ). Sản lượng nuôi trồng ước đạt 28.039 tấn (tăng 5% so với cùng kỳ), riêng sản lượng ngao đạt 25.725 tấn (tăng 5% so với cùng kỳ). Sản lượng đánh bắt ước đạt 12.802 tấn (tăng 5,02% so với cùng kỳ). Giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 978,3 tỷ đồng (tăng 8,94% so với cùng kỳ). Hiện nay, nhiều hộ gia đình không chỉ mở rộng diện tích nuôi ngao, tôm mà còn đa dạng hóa con nuôi cho giá trị kinh tế cao như cá vược, cá song, cá tra... Nhờ đó mà đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ giàu, khá tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện theo chuẩn đa chiều giảm còn 4,29%.

Ngư dân Tiền Hải đầu tư đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Theo ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện, thời gian tới Tiền Hải chú trọng xúc tiến việc lập quy hoạch và kêu gọi đầu tư khu kinh tế biển, xác định đây là khâu đột phá trong phát triển kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới tàu đánh cá tầm trung và xa bờ, đa dạng hóa phương tiện đánh bắt, tăng nhanh sản lượng khai thác và gắn khai thác với bảo đảm quốc phòng, an ninh ven biển. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trồng, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng ngập mặn; xây dựng và củng cố, bảo vệ hệ thống đê điều. Quy hoạch và sử dụng vùng bãi triều ven biển hiệu quả, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản kết hợp với trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái. Tất cả những việc đã làm, sẽ làm sẽ giúp cho lớp người Tiền Hải hôm nay viết tiếp bài ca mở đất mà Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ và lớp lớp cha ông đã dựng xây.


Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2005 - 2010, đặc biệt tại Nghị quyết số 05-NQ/ĐH ngày 25/9/2015 của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã khẳng định, phát triển kinh tế khu vực ven biển thành trọng điểm kinh tế, khai thác mạnh tiềm năng kinh tế biển. Thực hiện chủ trương trên, hàng nghìn hộ dân và doanh nghiệp ở huyện Tiền Hải đã mở hướng lấn biển làm giàu, hình thành các đầm nuôi trồng thủy hải sản cho thu nhập cao và mở ra nhiều điểm du lịch sinh thái ven biển mới. Theo kế hoạch quai đê lấn biển, phát triển quỹ đất giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030 tỉnh Thái Bình, trên địa bàn huyện Tiền Hải dự kiến sẽ xây dựng tuyến đê biển số 5 các xã Nam Thịnh, Nam Hưng, Nam Phú (vùng 3); xây dựng mới một tuyến đê và các công trình phụ trợ nhằm nắn tuyến đê biển số 6 xã Đông Long, Đông Hoàng (vùng 4).

Cụ Trần Quang Tứ, thôn Hợp Châu, xã Nam Thịnh (Tiền Hải)

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, bản thân tôi được chứng kiến quá trình hình thành, phát triển của mảnh đất và con người nơi đây. Chúng tôi mong muốn nhà nước quan tâm hơn nữa đối với việc đầu tư, xây dựng, tu bổ, nâng cấp hệ thống đê ven biển, đồng thời quan tâm đầu tư, hỗ trợ các phương tiện giúp người dân yên tâm vươn khơi bám biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biển.

Ông Nguyễn Đức Lung, xã Nam Phú (Tiền Hải)

Trong công cuộc khẩn hoang và cải tạo tự nhiên, tôi đã cùng với các thế hệ đắp đê để chắn sóng biển, ngăn mặn và làm đường giao thông đi lại. Tuy nhiên, những con đê được đắp lên không đủ sức chống chọi với các cơn bão biển nên nạn vỡ đê luôn xảy ra làm chết người, thất bát mùa màng. Những năm gân đây, không chỉ xây dựng hệ thống đê vững chắc mà các cấp, các ngành còn tăng cường hệ thống rừng phòng hộ, đặc dụng khiến nhân dân chúng tôi yên tâm sinh sống, phát triển sản xuất.


Nhóm phóng viên



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày