Thứ 4, 24/07/2024, 13:40[GMT+7]

Cánh chim xa xứ

Thứ 2, 15/01/2018 | 09:07:06
2,016 lượt xem
"Nguyễn Đức Cảnh đã sớm nhận ra rằng cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi tiên phong ngay trên đất nước, quê hương mình."

Ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh ở thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy.

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy trong một gia đình nho giáo có truyền thống yêu nước. Bản tính thông minh từ bé, Nguyễn Đức Cảnh được mẹ đưa về làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng theo học Trường Hương sư (tiểu học nay). Tốt nghiệp, Nguyễn Đức Cảnh học tiếp ở Trường Thành Chung, tỉnh Nam Định sau đó lên Hà Nội làm thư ký cho hiệu ảnh Hưng Ký rồi làm giáo viên trường tư thục Côn Ích. Do truyền bá tư tưởng yêu nước, bất đồng quan điểm với hiệu trưởng nên ông bỏ việc tìm đến lớp huấn luyện của Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Qua các bài giảng và cuốn “Đường kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đức Cảnh nhận thấy chỉ có con đường cứu nước mới giải phóng được dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân và đã tự nguyện gia nhập tổ chức.

Cách đây gần mười năm, tôi đến Quảng Châu, tìm về ngôi nhà số 250 phố Văn Minh thuộc thành phố thương mại sầm uất hàng đầu Trung Quốc để thăm nơi ở, làm việc, rèn luyện, học tập của nhóm thanh niên ưu tú từ Việt Nam sang trong đó có Nguyễn Đức Cảnh - người con quê hương Diêm Điền (Thái Thụy) dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy để chuẩn bị lực lượng cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngắm nhìn căn phòng nhỏ không có đồ trang trí cầu kỳ nhưng ấm cúng trên gác hai của ngôi nhà thật khó có thể tưởng tượng nổi đây chính là nơi đã “sản sinh” ra tư tưởng vĩ đại, nhân cách lớn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Mấy chiếc giường gỗ cá nhân đơn giản, những chiếc chiếu cói đã ngả màu thời gian nhưng nhìn kỹ có cảm giác như vẫn còn hơi ấm. Đầu giường, trên chiếc gối vải cũ kỹ là chiếc quạt nan nhỏ, vật dụng xua đi nỗi mệt nhọc và oi bức của những ngày nóng nực đối lập với chiếc chăn len mỏng giúp Nguyễn Đức Cảnh và mấy anh em ủ ấm trong những đêm đông giá lạnh xứ người.

Ngược dòng lịch sử, năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Matxcơva (theo sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản) tìm về Quảng Châu lập ra tổ chức cách mạng theo khuynh hướng mác-xít. Trước đó, tại thành phố Quảng Châu mùa hè năm 1923, một nhóm thanh niên cấp tiến trong tổ chức cách mạng của cụ Phan Bội Châu đã bí mật tách ra khỏi Việt Nam Quang phục hội để thành lập tổ chức Tâm tâm xã gồm 7 người. Theo những tài liệu còn lưu giữ ở Quảng Châu thì Tâm tâm xã còn có tên gọi khác là Tân Việt thanh niên đoàn với tôn chỉ hoạt động nhằm “liên hiệp những người có trí lực trong toàn dân Việt Nam không phân biệt ranh giới đảng phái, miễn là có quyết tâm hy sinh tất cả tư ý và quyền lợi cá nhân, đem hết sức mình tiến hành mọi việc để khôi phục quyền làm người của người Việt Nam”. Trong tổ chức mới mẻ này, Phạm Hồng Thái và Lê Hồng Phong đã hoạt động nhiệt huyết, chiến đấu đến cùng và sẵn sàng hy sinh, đặc biệt sự kiện “tiếng bom Sa Diện” của Phạm Hồng Thái khi ám sát hụt tên toàn quyền Đông Dương Merlin ngày 19/6/1924 đã làm chấn động dư luận thế giới. Từ Matxcơva, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu nhanh chóng “nắm” lấy tổ chức Tâm tâm xã và hướng tổ chức này đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin.

Thời điểm mang tính lịch sử ấy, Nguyễn Đức Cảnh đang là giáo viên dạy học ở trường tư thục Côn Ích, nhìn đất nước chìm trong đêm đen nô lệ, chứng kiến cảnh ngay chốn đô thành người dân bị u mê bởi chính sách ngu dân của thực dân Pháp, ông đã tích cực tranh thủ giảng đường truyền bá tư tưởng độc lập dân tộc, yêu nước thương nòi cho học sinh. Biết chuyện, vị hiệu trưởng trường này rất lo sợ thực dân Pháp đàn áp, đóng cửa trường do hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước cho học sinh nên đã yêu cầu Nguyễn Đức Cảnh chỉ được dạy đúng nội dung sách giáo khoa do nhà nước bảo hộ Pháp quy định. Không chịu chấp lời, Nguyễn Đức Cảnh bỏ dạy học vào làm thợ ở nhà in Mạc Đình Tư cũng nhằm mục đích tuyên truyền, vận động công nhân đi theo tư tưởng yêu nước, độc lập dân tộc, gieo mầm mống cách mạng. Cùng lúc, ở Hà Nội xuất hiện nhóm Nam Đồng thư xã do Phạm Tuấn Tài (Nam Định) tổ chức đã ấn hành một số tác phẩm tiến bộ truyền bá tinh thần yêu nước. Ngày 25/12/1927, Đảng Việt Nam quốc dân được thành lập do Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu làm thủ lĩnh nhưng nhóm Nam Đồng thư xã đóng vai trò chủ chốt. Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia tổ chức này và trở thành cán bộ xuất sắc. Tháng 2/1925, ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc dựa trên Tâm tâm xã lập ra Việt Nam thanh niên cộng sản đoàn gồm 9 hội viên, hoạt động bí mật. Trong 9 hội viên có 5 người là đảng viên dự bị Đảng Cộng sản. Tháng 6/1925, trên cơ sở tổ chức Tâm tâm xã, Nguyễn Ái Quốc lập ra tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội nhằm tập hợp thanh niên yêu nước Việt Nam có xu hướng cộng sản chủ nghĩa, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Biết tin này, Nguyễn Đức Cảnh vô cùng háo hức, đã vượt vòng vây của thực dân Pháp bí mật đến Quảng Châu dự lớp huấn luyện. Được gặp Nguyễn Ái Quốc và được Nguyễn Ái Quốc truyền bá tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, Nguyễn Đức Cảnh đã xác định rõ tư tưởng: “Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo”. Trong phong trào cộng sản quốc tế lúc bấy giờ đã từng tồn tại quan điểm xem thắng lợi của cách mạng thuộc địa phụ thuộc trực tiếp vào thắng lợi của cách mạng vô sản chính quốc, chính vì thế mà “cánh chim xa xứ” Nguyễn Đức Cảnh sau khóa huấn luyện ở Quảng Châu đã quyết tâm vượt biển về nước hoạt động cách mạng.

Về nước, Nguyễn Đức Cảnh hoạt động trong đội ngũ công nhân sau đó được Xứ ủy Bắc Kỳ cử vào Nghệ An tham gia Xứ ủy Trung Kỳ xây dựng tổ chức. Được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy lý luận, do nhận thức được thuộc địa là một khâu yếu trong hệ thống của chủ nghĩa đế quốc, do đánh giá đúng đắn sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc, Nguyễn Đức Cảnh đã sớm nhận ra rằng cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc mà có thể giành thắng lợi tiên phong ngay trên đất nước, quê hương mình.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Viên Tiểu Luân, Đại học Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Ngôi nhà số 250 phố Văn Minh, thành phố Quảng Châu vốn là của một người dân bản địa do tổ chức Tâm tâm xã thuê làm trụ sở. Vị trí của ngôi nhà án ngữ mặt tiền trên phố Văn Minh tấp nập người qua lại, hiện giờ được chính quyền Quảng Châu cho niêm phong, bảo quản cẩn thận. Trên gác hai, nhà chức trách địa phương trưng dụng làm phòng trưng bày những hình ảnh và hiện vật ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong đó có Nguyễn Đức Cảnh thời kỳ 1924 - 1930. Trong tủ kính trưng bày trên gác hai vẫn còn nguyên bút tích những bài viết của Nguyễn Ái Quốc về chủ nghĩa Mác - Lênin như: “Lênin và phương Đông”; “Những vấn đề châu Á”; “Lối cai trị của người Anh”...
Ông Lê Công Hưng, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tôi chuyển công tác từ Hà Nội về Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Tỉnh ủy Thái Bình, được phân công đi các tỉnh nơi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã từng hoạt động cách mạng, sưu tầm tài liệu để viết cuốn “Nguyễn Đức Cảnh cuộc đời và sự nghiệp”. Trong quá trình thu thập tài liệu, tôi nhận thấy đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thực sự là một đảng viên cộng sản kiên trung. Đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ cử vào Nghệ An hoạt động, trong thời gian ngắn đồng chí đã đi đến tận những nơi xa nhất của Nghệ An để vận động quần chúng từ tỉnh xuống huyện đến cấp xã, ở nơi đâu cũng ghi dấu bút tích của đồng chí trên những trang báo.

Ông Vũ Mạnh Quang, nguyên chuyên viên Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng, nguyên Giám đốc Thư viện khoa học tổng hợp tỉnh


Năm 1982, tôi được cố trưởng ban Nguyễn Thanh Vân cử đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nghệ An để sưu tầm tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Thông qua chuyến đi tôi nhận thấy dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, phong trào đấu tranh của công nhân, thủy thủ, nông dân, thanh niên... Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An... diễn ra sôi nổi, giành nhiều thắng lợi. Bất chấp mọi nguy hiểm, gian lao, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh cùng cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ nỗ lực giữ vững tinh thần quần chúng, chắp nối cơ sở để bảo toàn lực lượng, bảo vệ nhân dân.

Quang Viện

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày