Thứ 3, 21/05/2024, 04:44[GMT+7]

7 ngày trên đất Nhật Bản

Thứ 3, 13/02/2018 | 09:59:37
460 lượt xem
Những ấn tượng và cảm nhận sâu sắc nhất của chúng tôi trong những ngày trên đất Nhật Bản đó là: một đất nước có hệ thống giao thông hiện đại bậc nhất thế giới với những đường tàu điện ngầm sâu dưới lòng đất hàng trăm mét và ở trên cao vài ba chục mét, những con tàu chạy bằng điện từ có tốc độ tới 300km/giờ, thời gian chính xác từng phút và mạng lưới đường tàu khắp đất nước; người dân tham gia giao thông chủ yếu bằng tàu điện và đi bộ.

Du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đón đoàn tại công viên Tokyo.

Báo Asahi là tờ báo lâu đời và lớn nhất của Nhật Bản. Hội Khuyến học của Báo mỗi năm cấp hàng trăm suất học bổng Báo Asahi cho học sinh Việt Nam. Du học sinh Việt Nam được nhận học bổng của Báo những năm đầu, được trang trải tiền chỗ ở phòng riêng, có đủ tiện nghi cần thiết và trả học phí học Nhật ngữ. Ngoài ra, tòa soạn Báo còn tạo việc làm thêm cho du học sinh bằng cách đi phát báo hàng ngày để có tiền ăn học trong những năm tiếp theo tại Nhật Bản. 

Trong những năm qua, Thái Bình đã tiến cử gần 200 học sinh giỏi, có ý chí và nghị lực, đã tốt nghiệp THPT cho các Trường Nhật ngữ Đông Du và Trường Nhật ngữ Minh Việt - Thành phố Hồ Chí Minh đào tạo để đưa đi du học Nhật Bản, theo chương trình vừa học vừa làm. Năm 2017, Hội Khuyến học Báo Asahi thông qua Trường Nhật ngữ Minh Việt - Thành phố Hồ Chí Minh mời đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình sang thăm Nhật Bản và tìm hiểu tình hình học tập, lao động của du học sinh Việt Nam và Thái Bình trong 7 ngày.

Đoàn chúng tôi sang Nhật Bản lần này có 4 người đó là thầy giáo Nguyễn Thanh Cầm, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, thầy giáo Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thầy giáo Trần Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ Minh Việt và tôi. Thầy giáo Vinh và thầy giáo Trung đã có 20 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, rất giỏi tiếng Nhật, hiểu biết sâu sắc đất nước, con người Nhật Bản. Sau 7 giờ bay, chúng tôi đã tới sân bay quốc tế Tokyo, cách thủ đô trên 200km. Khi làm thủ tục nhập cảnh chúng tôi được chứng kiến những tình nguyện viên là người cao tuổi, đã nghỉ hưu, tự nguyện đến sân bay giúp các cơ quan hàng không chỉ dẫn hành khách xếp hàng, hướng dẫn đường đi để làm các thủ tục xuất nhập cảnh mà không cần có thù lao gì. Đó là điều không thấy ở các nước Đông Nam Á mà tôi đã đi. Cảnh tượng đầu tiên của chúng tôi là được thấy một sân bay quốc tế rộng lớn, hiện đại, nhộn nhịp nhưng rất trật tự, bình yên. Đoàn của chúng tôi là khách mời của Báo nên sau khi làm thủ tục nhập cảnh được mua mỗi người một vé tàu điện 300 đô la Mỹ để đi khắp nước Nhật trong 1 tuần trên các loại tàu, tàu thường 80km/giờ và tàu cao tốc từ 200 - 300km/giờ (giá bình thường khoảng 1.700 đô la Mỹ). Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là công viên thủ đô Tokyo, đoàn chúng tôi đã được các du học sinh Việt Nam tại khu vực thủ đô tập trung từ rất sớm để đón với những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười hồn nhiên, những tình cảm thân thiết của những người con xa quê hương. Các em đã chuẩn bị những món ăn của Nhật Bản, cùng với quà Trung thu của đoàn mang sang tổ chức vui tết Trung thu tại công viên thật vui vẻ, đầm ấm, thắm đượm tình quê hương.

Nhật Bản những ngày đầu thu tiết trời hơi se lạnh. Những ngày đầu trên đất Nhật Bản, đoàn chúng tôi được Hội Khuyến học Báo Asahi cho đi thăm các tỉnh, thành ở phía Nam và phía Bắc nước Nhật. Xuống phía Nam đoàn được thăm thành phố Kyoto, cố đô Kyoto, thành phố cảng Yokohama. Đi lên phía Bắc, chúng tôi đến tỉnh Fukushima có nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần năm 2011, chỉ sau 6 năm được cả nước hỗ trợ đến nay đã xây dựng lại to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Đoàn chúng tôi dành thời gian đi thăm các du học sinh ở Tokyo và Yokohama, cùng ăn, cùng ở với các em, xem các em đi học, đi phát báo. Đến nhà ở của em Nguyễn Thái Sơn chúng tôi đã ở lại đây ăn bữa cơm do các em tự nấu và nghỉ đêm tại phòng nghỉ của em. Căn nhà rộng khoảng 20m2 với đầy đủ tiện nghi, được sắp xếp rất gọn ràng, ngăn nắp. Thái Sơn cho biết, em sang đây được gần 2 năm, ngoài giờ học Nhật ngữ ở trường em còn đi phát báo, mỗi ngày phát khoảng 300 - 350 tờ cho các gia đình (ở Nhật gia đình nào cũng mua báo), thời gian phát mất khoảng trên dưới 2 giờ, mỗi tháng được Báo trả cho 1.000 đô la Mỹ, chi phí ăn, đi lại... hết một nửa, tiết kiệm được một nửa.

Em Nguyễn Việt Anh quê Quỳnh Phụ, em Trần Hoàng Phi quê Quảng Ngãi sang được 1 năm cũng cho biết tương tự như vậy. Nhìn chung, các em đã hòa nhập được với nhịp sống của một đất nước công nghiệp hàng đầu thế giới, các em đều yên tâm, phấn khởi học tập, làm việc tại Nhật Bản.

Làm việc với tòa soạn Báo Asahi, chúng tôi được đến thăm tòa soạn Báo ở trung tâm Tokyo, có tòa nhà làm việc cao tầng đồ sộ với các phương tiện hiện đại. Tòa soạn có trung tâm thương mại, nhà hàng ăn uống riêng, có đội ngũ cán bộ, phóng viên khoảng hơn 6.000 người và có nhiều tiệm báo ở Tokyo.

Hội Khuyến học Báo Asahi đã tổ chức buổi gặp mặt đoàn, ông Hon Ma, Trưởng phòng Khuyến học của Báo đón tiếp và làm việc với đoàn. Gặp gỡ ông Hikawa, tổng phụ trách chương trình du học của Báo cho người Việt Nam tại Nhật Bản, ông là đảng viên Đảng Cộng sản Nhật Bản đã có 50 năm tuổi đảng, là người đã quan tâm, tạo mọi điều kiện cho đoàn trong cả chuyến đi. Ông đã dành một buổi tối tiếp và mời cơm đoàn tại nhà riêng, tâm sự, chụp ảnh với từng thành viên. Ngày cuối cùng đoàn chúng tôi trở về Việt Nam, ông đã tự lái xe chở đoàn và hành lý ra tận ga tàu để đi sân bay và chia tay đoàn.

Những ấn tượng và cảm nhận sâu sắc nhất của chúng tôi trong những ngày trên đất Nhật Bản đó là: một đất nước có hệ thống giao thông hiện đại bậc nhất thế giới với những đường tàu điện ngầm sâu dưới lòng đất hàng trăm mét và ở trên cao vài ba chục mét, những con tàu chạy bằng điện từ có tốc độ tới 300km/giờ, thời gian chính xác từng phút và mạng lưới đường tàu khắp đất nước; người dân tham gia giao thông chủ yếu bằng tàu điện và đi bộ. Người Nhật từ trẻ đến già đi bộ rất giỏi, rất nhanh. Trẻ em học tiểu học biết đi bộ từ nhà ra ga tàu để đến trường, cha mẹ không phải đưa đón. Ở các sân ga có đường đi màu vàng dành cho người khiếm thị, có các phương tiện di chuyển cho người khuyết tật. Cảm nhận thứ hai của chúng tôi đó là một đất nước bình yên, trật tự, kỷ cương, ý thức thực hiện pháp luật của người dân rất cao. Thủ đô Tokyo có khoảng 20 triệu dân song ai cũng có việc làm, ai cũng hối hả làm việc. Xếp hàng khi đi tàu, khi mua hàng, ăn, ở ngăn nắp, gọn gàng là thói quen của người Nhật. Không nói chuyện cười đùa, không gọi điện thoại ở nơi công cộng, tận dụng mọi thời gian để đọc báo là cách sống của người Nhật. Cảm nhận thứ ba là đất nước có môi trường sống trong sạch. Từ thủ đô Tokyo tới các tỉnh, thành xa xôi đều sạch, đẹp. Từ mỗi nhà ra đường phố, đến toa tàu điện, nhà vệ sinh công cộng nơi nào cũng sạch, đẹp. Rác thải sinh hoạt được phân loại từ gia đình, đến cộng đồng, được tận dụng tái chế thành hàng hóa có giá trị. Nhật Bản cũng là đất nước có nền nông nghiệp sạch hàng đầu thế giới, có mạng lưới rộng khắp các cửa hàng tiện lợi phục vụ người dân. Điều cảm nhận cuối cùng của chúng tôi là mọi thành quả của nước Nhật hôm nay đều do chính con người tạo ra, người dân Nhật có ý thức tự cường, có ý chí và nghị lực rất cao, có nếp sống văn minh, luôn lấy việc học để giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. Học sinh Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng được đi du học Nhật Bản theo chương trình vừa học vừa làm, được tiếp cận với một nền công nghiệp hiện đại, một đất nước giàu có, văn minh, được Báo Asahi chăm lo đầy đủ, đó là niềm hạnh phúc cho các em và cho các gia đình.

Đặng Văn Cao

(Hội Khuyến học tỉnh)