Thứ 6, 22/11/2024, 16:29[GMT+7]

Trường Sa - Khát vọng trường tồn (Kỳ 5)

Thứ 5, 31/05/2018 | 09:15:59
1,543 lượt xem
Làm nhiệm vụ ở Trường Sa với bao khó khăn, thử thách, những người con quê hương Thái Bình vẫn cùng đồng đội kiên cường bám đảo, đoàn kết vượt khó vươn lên, quyết tâm bảo vệ vùng trời, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Báo Thái Bình với chiến sĩ đảo Trường Sa Đông.

Kỳ 5: người Thái Bình ở Trường Sa

Biển, đảo là nhà

Trong hải trình đến với Trường Sa, tôi may mắn được đồng hành cùng anh Đoàn Văn Duân, quê xã Bình Nguyên (Kiến Xương), Bí thư Đảng ủy tàu KN-490. Những ngày đầu lên tàu, anh thường xuyên chia sẻ thông tin về tàu, về các đảo, điểm đảo mà đoàn chúng tôi đi, nhờ đó tôi khá thuận lợi khi tác nghiệp. 

Mỗi năm lênh đênh trên biển 6 - 7 tháng, thường xuyên tiếp tế hàng hóa, nhu yếu phẩm cho các đảo nên anh gặp gỡ nhiều đồng hương Thái Bình công tác ngoài đảo. Ngoài hành lý của mình, trong các chuyến đi biển, anh Duân còn mang theo nhiều đồ dùng, quà tặng gửi gắm từ gia đình cán bộ, chiến sĩ. 

Anh Duân chia sẻ: Hiện trên quần đảo Trường Sa có khá đông cán bộ, chiến sĩ người Thái Bình đang làm nhiệm vụ. Ở đảo xa, tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng anh em rất gắn bó, thường xuyên liên lạc, thăm hỏi, động viên nhau dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc lên hàng đầu.

Anh Đoàn Văn Duân, Bí thư Đảng ủy tàu KN-490, quê xã Bình Nguyên (Kiến Xương) động viên anh em thủy thủ tàu kiểm ngư KN490.

Nhờ sự chia sẻ của anh Duân, tôi được biết thêm một điều rất đáng tự hào về người Thái Bình ở Trường Sa. Hầu hết các đảo, điểm đảo tuyến phía Nam mà đoàn chúng tôi đi qua, chính trị viên hoặc chỉ huy đảo đều là người Thái Bình.

Trường Sa là đảo có số lượng đông nhất cán bộ, chiến sĩ người Thái Bình đang làm nhiệm vụ với hơn 20 người. Mặc dù được lưu lại đảo gần trọn một ngày nhưng do đặc thù công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nên thời gian gặp gỡ khá gấp gáp. 

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, Trung tá Đỗ Hải Đăng, quê xã Hòa Bình (Kiến Xương), Chính trị viên đảo Trường Sa mới có thời gian rảnh gặp tôi để trò chuyện. Đã nhiều năm công tác tại các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đây là năm thứ tư liên tiếp anh Đăng nhận nhiệm vụ tại đảo Trường Sa. 

Sau một hồi trò chuyện, tôi tặng anh món quà bất ngờ. Hướng chiếc điện thoại của mình về phía anh, trong đó là những hình ảnh quen thuộc ở quê nhà: sân nhà, ao cá và mảnh vườn nhỏ; đặc biệt là lời hỏi thăm, nhắn nhủ của bố mẹ anh gửi tới người con trai đang công tác nơi đảo xa. 

Người chỉ huy bất ngờ và xúc động, nghẹn ngào: “Hai năm rồi mình chưa về thăm nhà. Hôm trước ông cụ mới gọi điện ra hỏi han tình hình anh em chiến sĩ ngoài đảo sau bão số 16 và khoe ở nhà mới xây bờ ao, cải tạo lại vườn tược. Được tận mắt thấy các cụ khỏe mạnh, cuộc sống an yên, mình mừng lắm”. 

Khi được hỏi về cảm nhận cuộc sống trên đảo và nhắn nhủ với gia đình, Trung tá Đỗ Hải Đăng trả lời đầy lạc quan: “Cán bộ, chiến sĩ ngoài này được hít khí trời trong lành, được ăn rau sạch, thịt, cá sạch đúng nghĩa, được rèn luyện sức khỏe hàng ngày nên khỏe văm. Vì vậy, gia đình và đất liền hãy cứ yên tâm”.

Phóng viên Báo Thái Bình thông tin tình hình thời sự trong tỉnh tới cán bộ, chiến sĩ quê hương Thái Bình công tác tại đảo Trường Sa Đông.

Đại úy Phạm Đình Khải, Chính trị viên đảo Đá Tây điểm A, quê xã Minh Lãng (Vũ Thư) chia sẻ: Anh em chúng tôi trên đảo ai cũng thuộc lòng những câu: “Ở đây biển, đảo là nhà/Đồng chí, đồng đội cùng là anh em” và “Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập”. Bởi chỉ có coi đảo như nhà của mình, biển cả là quê hương, anh em chiến sĩ tình như ruột thịt thì mới tạo nên sức mạnh để cùng nhau công tác, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

Điểm tựa hậu phương

Tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Xuân Hòa, quê xã Thụy Hải (Thái Thụy) trên đảo Đá Đông điểm A khi anh đang chuẩn bị đồ đạc để theo tàu về đất liền. Gương mặt anh lộ rõ vẻ mặt hồ hởi khi sắp được về đất liền, được gặp cậu con trai 8 tháng tuổi. Anh Hòa nhập ngũ năm 1989, thuộc biên chế Lữ đoàn 125, đã đặt chân lên hầu hết các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Thế nhưng, 2017 mới là năm đầu tiên anh đón tết trên đảo cùng anh em chiến sĩ khi được điều động ra đảo Đá Đông điểm A công tác. Nhiều năm công tác xa nhà, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm nhưng bù lại luôn có “hậu phương” biết chia sẻ, cảm thông. Đây là điểm tựa vững chắc để cán bộ, chiến sĩ yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

Chị Vũ Thị Huế (vợ Thiếu tá Nguyễn Xuân Hòa) hiện là giáo viên tiểu học. Chị chia sẻ, anh chị cứ như vợ chồng ngâu bởi hết đi công tác ngoài biển anh lại về đơn vị trong cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Mỗi năm anh chỉ nghỉ phép 1 - 2 lần, có lần vì nhiệm vụ nên 2 năm liền anh ở ngoài đảo không về khiến cả nhà nhớ mong. Chị Huế tâm sự: Không có chồng ở bên thấy vất vả và thiếu thốn tình cảm lắm chứ. Nhưng cứ nghĩ anh ấy ngoài đảo xa xôi với nhiều khó khăn lại càng thương. Bản thân tôi tự nhủ phải cố gắng làm việc và chăm sóc các con thật tốt để anh yên tâm công tác.

Được đến với Trường Sa là vinh dự lớn lao với mỗi người dân đất Việt. Với tôi, được gặp gỡ đồng hương ở nơi đầu sóng ngọn gió lại càng tự hào hơn. Có lẽ tôi là người “bị ghen tị” nhất đoàn công tác bởi “đi đến đâu cũng gặp đồng hương Thái Bình”.

(còn nữa)

Nguyễn Thơi

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày