Thứ 6, 17/05/2024, 10:10[GMT+7]

Hỗ trợ 70% kinh phí mua thuốc trừ rầy cho 3 huyện Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương

Thứ 4, 22/08/2018 | 14:50:00
1,835 lượt xem
Đó là một trong những thông tin đưa ra tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức sáng ngày 22/8 nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả phòng chống và cơ chế, chính sách hỗ trợ do bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ mùa năm 2018.

Đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Vụ mùa năm 2018, bệnh lùn sọc đen đã phát sinh rải rác trên đồng ruộng từ giữa tháng 7, điểm đầu tiên xuất hiện tại xã Vũ Đoài (Vũ Thư). Đến nay, toàn tỉnh có 134 xã có lúa bị nhiễm bệnh, trong đó tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Tiền Hải (35/35 xã), Thái Thụy (45/47 xã), Kiến Xương (37/37 xã). Bệnh có xu hướng tăng nhanh trên các vùng phòng trừ rầy môi giới không tốt và trên trà lúa mùa bị ảnh hưởng của mưa úng và gieo cấy sau ngày 20/7.

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh lùn sọc đen, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ 70% kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật phun trừ rầy môi giới truyền bệnh cho 3 huyện có diện tích lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nhiều là Tiền Hải, Thái Thụy, Kiến Xương. 30% kinh phí còn lại do UBND huyện hỗ trợ để nông dân phòng trừ, dập dịch rầy lưng trắng kết hợp phun trừ sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ từ ngày 23/8 - 1/9 như khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

Nông dân huyện Hưng Hà phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa.

Tại cuộc họp, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đã tập trung thảo luận các giải pháp triển khai hiệu quả chiến dịch phun trừ sâu bệnh cũng như phòng, tránh không để bệnh lùn sọc đen lây lan ra diện rộng.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Xuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo chặt chẽ, sâu sát, cụ thể và quyết liệt công tác phòng trừ sâu bệnh; đối với những diện tích đang ở giai đoạn đẻ nhánh, phân hóa đòng cần áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen. Các địa phương có nguồn sâu đục thân cao phải chủ động phòng trừ theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp tránh chủ quan gây thiệt hại đến năng suất lúa mùa. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền bằng mọi hình thức để nông dân nhận thức và thực hiện có hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huy động tối đa lực lượng kỹ thuật xuống các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật phun trừ; phối hợp với các cơ quan tuyên truyền xây dựng chương trình tuyên truyền các giải pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại; tiếp tục theo dõi diễn biến sâu bệnh cuối vụ, đề xuất giải pháp phòng trừ phù hợp với từng địa phương, từng trà lúa. Thực hiện cơ chế hỗ trợ kinh phí mua thuốc trừ rầy, các huyện được hỗ trợ chủ động lựa chọn loại thuốc phù hợp theo định mức hỗ trợ, chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc.

Lưu Ngần 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày