Thứ 4, 15/05/2024, 06:49[GMT+7]

Đông Hưng Hiệu quả từ đồng vốn vay theo Nghị định 41 của chính phủ

Thứ 4, 27/11/2013 | 08:20:22
870 lượt xem
Thực hiện chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ, hơn 3 năm qua Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hưng đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận nguồn vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.

Chăm sóc đàn gà tại gia trại của anh Đức Minh Tịnh (khu chăn nuôi tập trung xã Đông Cường). Ảnh: Thành Tâm

Theo chân cán bộ tín dụng tới thăm một số trang trại, gia trại trong vùng chăn nuôi thủy sản tập trung ở thôn Tào Xá, xã Đông Cường, chúng tôi được biết tất cả các hộ chăn nuôi ở đây đều được ngân hàng tiếp sức vốn ngay từ thời kỳ khởi đầu. Tiếp chúng tôi trên gia trại rộng hơn 6 mẫu, bác Lưu Tiến Định phấn khởi nói: “Tôi chuyển ra vùng này 11 năm trước, khi nơi đây còn là vùng trũng không ai muốn cấy, tôi đã mạnh dạn chuyển ra để làm gia trại.

Lúc đó khó khăn lắm, tiền mua con giống còn chẳng có chỉ ao ước có vài trăm triệu đồng để trang trải mọi việc. Sau đó ngân hàng đã cho vay 30 triệu đồng, kết hợp với nguồn vốn của người thân, tôi đã đầu tư vào đào ao, mua con giống, xây dựng chuồng trại. Càng làm càng có thêm kinh nghiệm chăn nuôi, do đó tôi tiếp tục vay thêm ngân hàng 50 triệu đồng, rồi 100 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi”. Ông Định khẳng định thêm: Thành công của gia trại có sự tiếp sức không nhỏ của Ngân hàng Nông nghiệp huyện, nhờ có đồng vốn vay đến nay kinh tế của gia đình đã khấm khá, mọi việc làm ăn trôi chảy.

Đã hơn 10 năm trôi qua ông duy trì chăn nuôi tổng hợp theo hướng bán công nghiệp, thường xuyên nuôi hơn chục con lợn thịt, 4 lợn nái, 1.200 con gà thịt, trên 300 con ngan và gần đây  nuôi thêm ếch Thái Lan. Trung bình mỗi năm ông xuất 1,5 tấn lợn, 7 - 8 tấn gà, trên 8 tấn cá, 1,5 tấn ếch cho lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/năm. Số lãi này đã không những giúp gia đình trả được cả nợ gốc, lãi ngân hàng sòng phẳng mà còn trang trải cuộc sống gia đình, chăm lo cho các con học đại học, có thêm vốn đầu tư vào chăn nuôi quy mô lớn.

Tới gia trại của anh Đức Minh Tịnh, chúng tôi thấy nhiều công trình đang được đầu tư xây mới bằng nguồn lợi nhuận từ chăn nuôi, anh cho biết: “Khi chuyển ra vùng chăn nuôi tập trung, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, cả vùng đất trống chưa có vốn để đầu tư, chỉ dựng tạm túp lều để làm. Tới khi nhận được “phao cứu sinh’’ là 30 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT tôi đã đầu tư 20 triệu đồng đào hơn 7 sào ao, số còn lại mua cá và vịt về nuôi. May mắn đến với gia đình ngay năm đầu tiên đã thu lãi hơn hai cây vàng từ nuôi cá. Do đó chỉ ngay năm sau tôi đã trả cả gốc và lãi cho ngân hàng.

Tuy nhiên nhu cầu chăn nuôi ngày càng mở rộng nên từ năm 2007 đến nay tôi đã vay ngân hàng 150 triệu đồng để đầu tư nuôi thêm ngan, gà, đào thêm ao nuôi cá. Từ đó tới nay tôi duy trì thường xuyên nuôi 3 ao cá, 500 con ngan, 4.000 con gà, 200 con vịt đẻ, mỗi năm xuất trên 10 tấn cá, trên 1 tấn ngan, 4 tấn gà, hàng nghìn quả trứng vịt, thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi lại tiếp tục vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi quy mô lớn hơn bằng việc mở rộng diện tích ao nuôi cá và nuôi thêm 6 con bò sinh sản”.

Không chỉ giúp các hộ mở rộng phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hưng còn tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh ngành nghề như nghề dũa xã Mê Linh, dệt chiếu Đông Hà, làm nón ở Phú Lương, chế biến lương thực - thực phẩm ở Nguyên Xá. Theo đánh giá của bà Trần Thị Liên, Trưởng phòng Kinh doanh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện Đông Hưng thì từ khi Nghị định 41 của Chính phủ ra đời đã khơi thông nguồn vốn tạo điều kiện cho hộ nông dân phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.

Thông qua việc đầu tư vốn của Ngân hàng, các chương trình kinh tế của huyện được triển khai có hiệu quả như xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới. Ngoài ra, Ngân hàng còn thực hiện hỗ trợ lãi suất tiền vay theo chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đối với hộ sản xuất kinh doanh, hộ chăn nuôi tập trung, hộ mua máy móc phục vụ cho việc làm đất, máy gặt đập liên hợp giúp người dân vừa tiết kiệm chi phí lại vừa làm việc năng suất, chất lượng cao hơn. Ngân hàng đã duy trì hoạt động tổ vay vốn theo thôn của các hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ với 239 tổ vay vốn, đồng thời coi đây là kênh dẫn vốn quan trọng chuyển tải nguồn vốn đến tay nông dân kịp thời, hiệu quả.

Do vậy hàng năm dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng luôn chiếm trên 90% tổng dư nợ. Đến hết tháng 10/2013, tổng nguồn vốn của Ngân hàng là 826,144 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 637 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ngành nông nghiệp chiếm cao nhất 307,961 tỷ đồng, thương mại dịch vụ 236,410 triệu đồng, ngành công nghiệp chiếm 71,772 tỷ đồng, các ngành khác 20 tỷ đồng. Ngay trong tháng 10 vừa qua, Ngân hàng đã cho 220 hộ vay trên 15 tỷ đồng để phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, trong đó cho vay chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên 10 tỷ đồng, cho vay làng nghề 5 tỷ đồng.

Để tiếp tục đưa nguồn vốn tín dụng theo Nghị định 41 của Chính phủ về vùng nông thôn, thời gian tới Ngân hàng đẩy mạnh tuyên truyền nội dung của Nghị định trên hệ thống phát thanh từ huyện tới xã, lồng ghép trong các cuộc họp ở các ban, ngành, đoàn thể. Ngoài ra, còn tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính cũng như công tác triển khai lập dự án, phương án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trang trại, hộ sản xuất để vay vốn. 

           Thu Thủy

  • Từ khóa