Doanh nhân cựu chiến binh Đỗ Cao Tuyển
Năm 1974, như bao chàng trai thời chiến, Đỗ Cao Tuyển lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Sau thời gian huấn luyện, ông được tăng cường cho Lữ đoàn 239, Bộ Tư lệnh Công binh, phục vụ chiến đấu tại mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng với nhiệm vụ mở đường, làm cầu, ghép phà cho bộ đội hành quân và đưa phương tiện vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam. CCB Đỗ Cao Tuyển chia sẻ: Cuối năm 1974, đầu năm 1975, Mỹ, ngụy điên cuồng đánh phá các tuyến đường chi viện của ta cho chiến trường miền Nam nên lực lượng công binh phải vắt sức vá đường, đội mưa bom bão đạn để bắc cầu, ghép phà, sẵn sàng hy sinh để đường thông suốt, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Sau giải phóng miền Nam, Đỗ Cao Tuyển ở lại đơn vị công tác đến năm 1990 thì nghỉ chế độ bệnh binh. Trở về địa phương trong hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, dù sức khỏe có hạn nhưng ông lao ngay vào phát triển kinh tế với mong muốn xóa đói, thoát nghèo và chăm lo cho con cái ăn học. Thấy nghị lực và quyết tâm của ông, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê 300m2 đất để làm xưởng mộc và buôn bán tre luồng, gỗ. Nhờ cần cù, chịu khó và làm ăn có uy tín, việc sản xuất, kinh doanh từng bước phát triển vững chắc.
Năm 2003, nhận thấy cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh khi địa phương quy hoạch cụm công nghiệp Đông La, CCB Đỗ Cao Tuyển đã mạnh dạn thuê 5.500m2 đất trong cụm công nghiệp, đầu tư máy móc, làm nhà xưởng sản xuất. Ông cho biết: Sau 13 năm làm lụng tích góp được chút vốn, đầu tư vào cơ sở mới nhưng không còn tiền để tổ chức sản xuất. Vay vốn ngân hàng ở thời điểm đó quá khó khăn vì chưa có tài sản thế chấp nên tôi phải đi vận động anh em, bạn bè cho vay vốn để mua gỗ sản xuất. Cùng với đó, tôi chủ động liên kết với 7 doanh nghiệp xây dựng trong huyện nhận thi công phần mộc cho các công trình.
Do đặc thù của ngành xây dựng, nhiều lúc cơ sở của CCB Đỗ Cao Tuyển làm không hết việc, có lúc công nhân lại không có việc làm nên bên cạnh duy trì nghề làm khung, cửa, cầu thang, sàn, trần gỗ, ông quyết định mở thêm nghề mộc, sản xuất bàn, ghế, giường, tủ... Nhờ đó, cơ sở luôn bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 9 lao động trực tiếp và 20 lao động thời vụ, chủ yếu là con em thương bệnh binh và cựu chiến binh trong xã. Anh Phạm Hoàng Quân chia sẻ: Có việc làm thường xuyên, mỗi tháng tôi và các công nhân luôn đạt mức thu nhập 9 triệu đồng/người. Phần lớn công nhân ở đây khi mới vào làm đều chưa biết nghề nhưng được bác Tuyển hướng dẫn, dạy bảo, truyền nghề rất tỉ mỉ và luôn quan tâm, động viên phát triển tay nghề.
Không chỉ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, CCB Đỗ Cao Tuyển còn là Giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Đông La (Đông Hưng). Chia sẻ về con đường đến với dịch vụ tín dụng, ông bộc bạch: Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tôi thấy nguồn vốn nhàn rỗi trong dân rất lớn mà bà con chưa biết phát huy; trong khi đó, nhiều gia đình, cá nhân muốn phát triển sản xuất, kinh doanh lại thiếu vốn đầu tư. Từ thực tế đó, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước, sau khi học hỏi kinh nghiệm hoạt động tín dụng của một số quỹ TDND ở các địa phương trong tỉnh, năm 2009 tôi quyết định đăng ký, thành lập Quỹ TDND Đông La.
Khi mới thành lập, Quỹ TDND Đông La có 19 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng; đến nay Quỹ đã phát triển lên 1.127 thành viên, vốn điều lệ 5 tỷ đồng, tổng vốn huy động đạt 116 tỷ đồng, giải quyết cho 192 thành viên vay vốn với tổng dư nợ 90 tỷ đồng. Các thành viên ngoài được vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh còn được ông Tuyển hướng dẫn sử dụng vốn vay đúng mục đích, tư vấn kiến thức đầu tư để làm ăn có hiệu quả. Ông Nguyễn Đình Ngọc, thôn Bảo Châu, xã Đông La cho biết: Từ nguồn vốn vay của Quỹ TDND Đông La, tôi đã đầu tư mô hình chăn nuôi tổng hợp: trâu, bò, thỏ, cá, mỗi năm cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng, trừ mọi chi phí còn lãi 70 - 80 triệu đồng.
Từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ gỗ và dịch vụ tài chính, mỗi năm ông Tuyển có mức thu nhập gần 300 triệu đồng. Điều mà người dân xã Đông La, các công nhân ở cơ sở sản xuất, kinh doanh đỗ gỗ và cộng đồng doanh nhân của huyện Đông Hưng luôn trân trọng, nể phục ông chính là nghị lực vượt khó, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế và luôn quan tâm, chia sẻ với cộng đồng. Ông Phạm Văn Chiến, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Đông Hưng cho biết: Doanh nhân CCB Đỗ Cao Tuyển là người rất tâm huyết, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tổ chức hội và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp hội viên cùng thành công.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Nghị lực vươn lên của cô gái một chân 24.08.2023 | 09:38 AM
- Người thương binh hơn 30 năm canh giấc ngủ cho đồng đội 20.07.2023 | 09:14 AM
- Những người “làm dâu trăm họ” ngành y 30.06.2023 | 10:09 AM
- Người truyền lửa đam mê phong trào bóng bàn 05.06.2023 | 10:52 AM
- Hai thầy giáo trao trả hơn 10 triệu đồng và 5.000 yên Nhật cho người đánh rơi 08.11.2022 | 02:28 AM
- Nỗ lực vì sức khỏe người dân 25.04.2022 | 15:01 PM
- Thành viên tổ công tác liên ngành chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhặt được của rơi trả lại người mất 15.09.2021 | 23:48 PM
- Biến ruộng thành ao, thu tiền tỷ 13.09.2021 | 08:29 AM
- Vươn lên từ vùng đất trũng 19.07.2021 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng