Thứ 6, 29/03/2024, 20:06[GMT+7]

Cái tâm của nhà báo già

Thứ 2, 14/12/2020 | 10:05:55
1,920 lượt xem
Miền Trung bão chồng lên bão, lũ chồng lên lũ, chỉ trong một thời gian ngắn hàng nghìn gia đình đã mất nhà cửa, biết bao người dân phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Hướng về miền Trung đã trở thành phương châm hành động của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Trong phong trào chung đó, ngọn lửa nhiệt tình lại trỗi dậy trong ông - nhà báo Nguyễn Công Liêm với việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa.

Tăng ni, Phật tử chùa Từ Xuyên, thành phố Thái Bình trao quà hỗ trợ cho người dân xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Từ câu chuyện miền Trung…

Sáng sớm, nhà báo Nguyễn Công Liêm đã tìm đến nhà bà Lân Phương “từ thiện”. Câu chuyện của hai người chỉ xoay quanh chủ đề về lũ, bão đang bao phủ miền Trung và làm thế nào để mỗi người dân miền Trung đỡ khổ. Với bề dày kinh nghiệm của một người đã có gần 30 năm làm từ thiện bà Lân Phương liền đề xuất cách làm rồi hai người nhanh chóng lên đường. Điểm đến của họ chính là chùa Từ Xuyên - nơi thượng tọa Thích Thanh Định, Phó Chủ tịch Hội Phật giáo Thái Bình đang trụ trì. Các cụ xưa đã tổng kết: “Chí lớn thường gặp nhau tại một điểm”, trong trường hợp này cũng không phải ngoại lệ. Câu chuyện của bà Lân Phương và nhà báo Công Liêm đã được thượng tọa Thích Thanh Định nhiệt tình hưởng ứng. Thượng tọa bảo, ủng hộ miền Trung chính là phong trào mà các con nhang, Phật tử ở các chùa trong toàn tỉnh đang sôi nổi thực hiện, với đạo lý của người Việt Nam “Lá lành đùm lá rách” nên ngay sau khi phát động đã được các chùa và hàng nghìn Phật tử ủng hộ. Nếu phong trào ủng hộ miền Trung mà được các cơ quan báo chí, các nhà báo cùng vào cuộc thì chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn rất nhiều. Và đúng như nhận định của ông, một tuần sau đoàn từ thiện hơn 40 người thuộc bốn cơ quan là Hội Phật giáo tỉnh, Hội Nhà báo, Báo Thái Bình và Đài PTTH Thái Bình với 5 tấn gạo và 250 triệu đồng của các tăng ni, Phật tử, đặc biệt là các mạnh thường quân đóng góp đã được đóng gói cẩn thận thành 500 suất quà để kịp lên đường vào Quảng Trị. Nhờ có sự cộng tác nhiệt tình của các cộng sự ở Hội Nhà báo và Báo Quảng Trị nên điểm đến trao quà của đoàn đã được chuẩn bị khá chu đáo gồm những cựu chiến binh đã chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, các em học sinh ở Trường THPT Thành Cổ cùng những hộ gia đình đặc biệt khó khăn ở thị xã Quảng Trị và huyện Gio Linh.

Nhớ về những việc đã làm

Về hưu, cái tâm của người lính đã có gần 15 năm trong quân ngũ hoà trộn với cái tâm của một nhà báo có bề dày 30 năm cầm bút đã “nhào nặn” nên một nhà báo Nguyễn Công Liêm bình dị nhưng gai góc, hiền lành nhưng chính trực, thẳng thắn. Hơn 30 năm công tác, về hưu cũng là quãng thời gian ông nối dài nghiệp viết của mình nhưng chỉ với một mảng để tài duy nhất là hậu chiến tranh và công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Trong quãng thời gian đó 72 tác phẩm gồm các phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký, bài phản ánh, gương người tốt việc tốt đã được các báo, tạp chí ở Thái Bình, Quân khu 3 và các cơ quan báo chí trung ương đăng tải. Không ít bài viết đã mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho biết bao gia đình, bao con người và cả những tiếng thơm cho đời. Phóng sự điều tra “Bao giờ quân nhân Vũ Trọng Thu được cấp bằng Tổ quốc ghi công”, sau hai năm đăng trên Báo Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ đã cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Vũ Trọng Thu ở phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình. Bài viết “Nỗi day dứt hơn nửa thế kỷ” đã kết nối thông tin, tạo điều kiện cho nữ thanh niên xung phong Hoàng Thị Ngọc Điệp ở thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam ra Thái Bình tìm gặp gia đình người yêu là liệt sĩ Vũ Văn Thợi ở xã An Ấp, huyện Quỳnh phụ. Phóng sự “Không gục ngã trước nỗi đau da cam”  kể về gia đình bà Lê Thị Liên, 64 tuổi ở thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư là vợ cựu chiến binh Lê Văn Bính bị nhiễm chất độc da cam, với 10 lần sinh nở thì  6 đứa con dị dạng và 4 đứa con thiểu năng trí tuệ. Ngay sau khi bài viết được đăng trên Báo Thái Bình chị Liên đã nhận được số tiền hỗ trợ là 5 triệu đồng từ một nhà hảo tâm... Cùng với thời gian, tuổi tác sẽ ngày càng cao và đồng nghĩa với sức khỏe sẽ ngày càng suy giảm nhưng trên mặt bàn của nhà báo Nguyễn Công Liêm những tập tài liệu vẫn dày lên, nhiều chuyện vẫn đang làm ông trăn trở day dứt. Cái tâm của nhà báo già chắc chắn vẫn đeo đẳng theo ông cùng nghiệp viết đi tiếp quãng đời còn lại.

Tuấn Dung 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày