Thứ 6, 26/04/2024, 00:39[GMT+7]

Nỗi niềm những người làm truyền thanh cơ sở

Thứ 3, 22/06/2021 | 08:15:31
4,424 lượt xem

Chị Đỗ Thị Nhinh, Trưởng đài Truyền thanh xã An Quý (Quỳnh Phụ) gắn bó với công việc truyền thanh cơ sở bởi tình yêu, trách nhiệm với công việc.

Đều đặn hơn 20 năm nay, chị Phạm Thu Phương, Trưởng đài Truyền thanh xã Xuân Hòa (Vũ Thư) quen với việc thức giấc từ hơn 4 giờ sáng, sẵn sàng cho công việc tiếp âm các chương trình phát thanh của đài tỉnh, đài huyện, phát sóng chương trình của đài xã trên hệ thống truyền thanh, phục vụ nhu cầu thông tin của các tầng lớp nhân dân. Không quản ngại mưa bão hay những ngày lễ, tết, công việc của chị Phương cũng như những người làm truyền thanh cơ sở vẫn luôn âm thầm, bền bỉ để mang “tiếng sóng” đến với mọi nhà.

Chị Phạm Thu Phương là nữ trưởng đài truyền thanh xã duy nhất của huyện Vũ Thư hiện nay. Gắn bó với việc trực phát sóng trên đài truyền thanh xã từ năm 1999, chị Phương chia sẻ: Nhiều khi chị cũng thấy công việc này phù hợp với đàn ông hơn phụ nữ nhưng đã gắn bó với nghề nên tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Nếu như trước đây, công việc của đài truyền thanh chia đều cho 3 nhân viên đảm nhận, thì nay một mình tôi làm việc của 3 người. Từ dự các cuộc họp của xã để nắm bắt thông tin tới chuẩn bị nội dung các chương trình phát sóng trong ngày, đọc các bản tin, chỉnh sửa loa máy và trực phát sóng. Chị tự nhận mình may mắn vì luôn có sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên Đài TTTH Vũ Thư những khi hệ thống loa máy gặp sự cố. Tuy nhiên, khó khăn, vất vả là công việc gắn bó với truyền thanh cơ sở ngày nào cũng phải thức khuya, dậy sớm và luôn phải bảo đảm đưa đến người dân thông tin kịp thời nhất vào các khung giờ phát sóng trong ngày. Ngoài ra, theo chị Phương, người làm truyền thanh cơ sở cũng phải luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ thính giả để có những điều chỉnh hợp lý trong việc đưa thông tin đến với các tầng lớp nhân dân sao cho gần gũi, dễ nhớ, hiệu quả nhất.

Còn đối với chị Đỗ Thị Nhinh, Trưởng đài Truyền thanh xã An Quý (Quỳnh Phụ), chị gắn bó với truyền thanh cơ sở đã hơn 10 năm nay. Chị hay nói đùa: Công việc của mình là đi làm khi mọi người được nghỉ ngơi và càng những ngày mưa bão cần tránh trú thì mình càng phải ra khỏi nhà để làm việc. Ngay cả trong những bữa cơm sum vầy của ngày tết, gia đình cũng đã quen với việc thiếu vắng sự hiện diện của chị. Đến với truyền thanh cơ sở qua việc thử đọc các bản tin, chị Nhinh cũng chẳng biết tự bao giờ mình đã gắn bó với công việc này. Chị luôn hăng say với nghề và mong mỏi mỗi người dân nông thôn có thể được tiếp nhận thông tin thiết yếu như: lịch cấy, biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyên dương người tốt, việc tốt, các phong trào, các cuộc vận động... kịp thời và đầy đủ. Hơn một năm qua, trong những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành, chị cũng chủ động trong việc tìm hiểu thông tin về dịch bệnh qua các kênh thông tin chính thống để kịp thời tuyên truyền đến người dân. Từ đó, góp phần để mọi người không chủ quan nhưng cũng không hoang mang, lo lắng trước dịch bệnh.

Nếu như đã từng có thời điểm, một bộ phận giới trẻ cho rằng việc tuyên truyền qua hệ thống loa phường, loa xã không còn phù hợp trong thời đại công nghệ số như hiện nay thì vẫn còn đó, những người trẻ rời thành phố lớn với tấm bằng đại học, quyết tâm trở về xây dựng quê hương qua việc gắn bó với tiếng loa truyền thanh cơ sở. 

Anh Vũ Xuân Mạnh, Trưởng đài Truyền thanh thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương) là một người trẻ như vậy. Anh Mạnh chia sẻ: Khi quyết định gắn bó với công việc truyền thanh cơ sở, bản thân tôi cũng rất trăn trở bởi phụ cấp ít ỏi, khó có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Nhưng tuổi thơ lớn lên cùng tiếng loa phát thanh, tôi tự nhủ hãy cống hiến cho quê hương bằng những việc làm thiết thực trong khả năng của mình. Đã tốt nghiệp đại học, tôi có lợi thế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, bên cạnh đó, lại có kiến thức chuyên ngành được học về nông nghiệp nên cũng tự tin sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tuyên truyền những vấn đề gắn liền với đời sống của bà con nông dân. Bắt tay vào công việc, vất vả nhất là trên địa bàn thị trấn Kiến Xương hiện nay có tới 135 loa tại 65 cột loa truyền thanh. Song mỗi khi một chiếc loa bị hỏng, không quản ngại nắng mưa, giá rét, anh Mạnh vẫn sẵn sàng leo lên cột điện để trực tiếp sửa chữa, không để vắng tiếng loa truyền thanh mỗi ngày trong đời sống bà con.

Những người như chị Phương, chị Nhinh, anh Mạnh cùng với hàng trăm cán bộ đài truyền thanh cơ sở tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh dù với phụ cấp ít ỏi nhưng luôn bền bỉ, miệt mài cần mẫn với công việc. Tình yêu, trách nhiệm với công việc của họ đã giúp mọi thông tin về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến gần hơn với nhân dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương.   

Tú Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày