Thứ 6, 29/03/2024, 07:00[GMT+7]

Vượt lên nỗi đau làm kinh tế giỏi

Thứ 2, 09/08/2021 | 09:19:32
1,113 lượt xem
Chiến tranh đã qua gần nửa thế kỷ nhưng nỗi đau da cam vẫn còn hiện hữu và đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình. Thế nhưng, thay vì chấp nhận số phận, hoàn cảnh, nhiều nạn nhân CĐDC đã nỗ lực vươn lên, tích cực phát triển kinh tế, trở thành gương sáng cho gia đình và xã hội. Ông Nhâm Văn Hoa, thôn Thái Hòa 2, xã Đông Hoàng (Đông Hưng) là một điển hình như thế.

Mô hình VAC của ông Nhâm Văn Hoa (người ngoài cùng bên trái), xã Đông Hoàng (Đông Hưng) cho doanh thu gần 100 triệu đồng/năm.

Tháng 8/1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Hoa xung phong lên đường nhập ngũ tại Sư đoàn 316 Quân khu 2, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Lào, Campuchia. Trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt, năm 1971 ông trở về quê hương, lập gia đình, sinh con. Dù là thương binh, sức khỏe hạn chế nhưng ông chăm chỉ làm ăn, quyết tâm phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương mình. Những tưởng niềm vui trọn vẹn khi 4 người con lần lượt ra đời nhưng đến khi phát hiện người con cả có biểu hiện bệnh thần kinh và người con thứ hai bị teo nửa người, ông mới biết mình bị nhiễm CĐDC. Ông Hoa chia sẻ: Lúc đầu tôi không biết mình bị nhiễm CĐDC. Chỉ đến khi thấy cơ thể của các con ngày càng yếu, tâm trí không bình thường và xuất hiện dị tật, gia đình tôi mới cho các cháu đi khám và biết các con bị ảnh hưởng bởi CĐDC từ tôi.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi vợ ông cũng thường xuyên đau ốm. Bệnh tật đeo bám, ông bà phải thường xuyên vay mượn để lấy tiền chạy chữa, thuốc thang. Không chịu khuất phục số phận, ông luôn trăn trở tìm cách vươn lên để thoát nghèo. Với 10.000m2 đất sẵn có của gia đình, ông vay mượn anh em họ hàng, đấu thầu gần 10.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả của xã để làm mô hình VAC. Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, ông quyết định trồng mít ta là cây chủ lực với hơn 400 gốc và gần 100 gốc ổi. Ngoài ra, ông đào ao, xây chuồng trại chăn nuôi cá, gà, ngan, vịt, lợn...  Đầu ra sản phẩm chủ yếu ở trong tỉnh và các tỉnh, thành phố như Quảng Ninh, Hà Nội..., doanh thu một năm gần 100 triệu đồng. 

Ông Hoa cho biết: Trước khi phát triển kinh tế VAC, tôi đã làm rất nhiều nghề từ buôn bán vải vóc cho đến lái xe công nông. Nhận thấy mô hình VAC phù hợp với sức khỏe của bản thân, không phải đi đâu xa mà vẫn có thể làm giàu ngay trên mảnh đất của mình nên tôi quyết định phát triển kinh tế theo hướng này. Với mô hình VAC, tôi thực hiện phương châm “Lấy nó nuôi nó”, tức là sẽ tận dụng chất thải gia súc, gia cầm để bón cho cây trồng, từ đó giảm bớt được nhiều chi phí sản xuất. Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư nuôi thử nghiệm con tôm để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Thành quả lao động đã giúp gia đình ông Hoa thoát khỏi nghèo khó và có cuộc sống ổn định hơn, có điều kiện để xây mới nhà cửa, chăm sóc con cái. Là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin huyện Đông Hưng, ông Hoa không chỉ vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế mà còn là một công dân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông luôn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh khó khăn, động viên họ vươn lên trong cuộc sống. 

Ông Phạm Công Luận, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng cho biết: Ông Nhâm Văn Hoa là tấm gương nạn nhân CĐDC vượt lên chính mình, làm kinh tế giỏi ở địa phương. Mô hình VAC của ông đem lại hiệu quả kinh tế cao, xứng đáng để mọi người học tập. Thời gian tới, ngoài sự quan tâm của địa phương, chúng tôi mong các tổ chức, nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, giúp đỡ các nạn nhân CĐDC nâng cao chất lượng cuộc sống.  

Mô hình VAC của ông Nhâm Văn Hoa (người ngoài cùng bên trái), xã Đông Hoàng (Đông Hưng) cho doanh thu gần 100 triệu đồng/năm.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày