Thứ 5, 21/11/2024, 20:03[GMT+7]

Chị Họa biến đất hoang thành trang trại

Thứ 3, 05/10/2021 | 08:49:44
3,117 lượt xem
Từ một vùng đất trồng lúa kém hiệu quả, với quyết tâm không để đất hoang hóa, chị Phạm Thị Họa, thôn Bương Hạ Tây, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) chủ động thuê đất, xin chuyển đổi để trồng cây ăn quả. Vùng đất hoang hóa trước đây giờ đã là một trang trại tươi tốt, giúp chị hiện thực hóa ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Từ sản xuất nông nghiệp, gia đình chị Phạm Thị Họa có thu nhập khoảng 200 triệu đồng mỗi năm.

Năm 2013, xã Quỳnh Ngọc có chủ trương chuyển đổi diện tích đất hoang hóa, canh tác kém hiệu quả sang xây dựng trang trại, gia trại tập trung. Nhận thấy cơ hội, chị Họa vay vốn đấu thầu hơn 3ha để phát triển kinh tế. Chị tâm sự, khi địa phương thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới, thấy bà con bỏ ruộng hoang, chị đã mạnh dạn xin thuê 3 mẫu đất giữa 2 bãi rác, chuột trú ngụ, phá hoại nhiều không cho thu hoạch của 17 hộ dân để canh tác. Những ngày đầu khởi nghiệp, việc chuyển đổi gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật. Được sự quan tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật và tìm hiểu các loại phân bón chuyên dùng trong sản xuất, đồng thời chịu khó học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, chị cải tạo đất vừa cấy vừa trồng xen các loại cây ngắn ngày như ngô ngọt, đậu tương, khoai lang, đỗ đen, ớt... Đất không phụ công người, những năm đầu thu hoạch từ các loại cây trồng cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Trừ chi phí, phân bón, nhân công, mỗi năm chị thu về khoảng 50 triệu đồng.

Từ những kinh nghiệm có được, năm 2016 chị Họa mạnh dạn thuê thêm 7 mẫu từ những diện tích cấy lúa kém hiệu quả của các hộ dân để mở rộng quy mô sản xuất. Nhận được sự ủng hộ của địa phương, chị đã quyết định chuyển đổi trên 10 mẫu diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. 

Chị Họa chia sẻ: Việc trồng cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Không có kinh nghiệm về trồng cây ăn quả, tôi lại mày mò tìm hiểu trên mạng, tìm những mô hình cây ăn quả trong khu vực, đến các địa chỉ có uy tín tham quan học hỏi, khảo sát nhu cầu thị trường, tìm những giống cây trồng phù hợp với đặc điểm canh tác của đất đai đưa về thâm canh. Lắng nghe ý kiến tư vấn của các chuyên gia để xác định mật độ, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ. Trong quá trình canh tác, tôi thường xuyên nghiên cứu và chọn các loại phân hữu cơ như hạt đậu tương ngâm, phân gia cầm hoai mục đã qua ủ và xử lý bằng vôi bột để chăm sóc cho cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tôi chủ động trong việc lai tạo các cây ăn quả trái vụ nên giá thành cao hơn 1,5 lần so với cây ăn quả chính vụ.

Hiện nay, trên 10 mẫu đất trước đây là khu vực xen giữa bãi rác của thôn Bương Hạ Tây và thôn Quỳnh Lang, chị trồng 400 trụ thanh long tím, 1.000 gốc ổi Đài Loan, 700 gốc mít Thái, 700 cây bưởi da xanh, 300 cây bưởi diễn, 300 cây cam Vinh, trên 200 cây na cùng 100 cây xoài và nhiều cây ăn quả khác. Sau 4 năm (2016 - 2020), cây đã cho thu hoạch, trừ chi phí và thuê nhân công, mỗi năm cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Hàng năm, sản xuất nông nghiệp đã mang lại cho gia đình chị khoảng 200 triệu đồng. 

Nói về chị Họa, ông Phạm Văn Tập, Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Ngọc cho biết: Mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả kinh tế cao của chị Phạm Thị Họa là hướng đi mới mà nhiều nông dân địa phương cần học hỏi. Bởi đất đai có, nếu mỗi người dân chịu khó học hỏi, tìm tòi sẽ tự làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Từ mô hình của chị Họa, trong thời gian tới địa phương tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng thêm các mô hình khác theo hình thức đa cây và đa con nhằm hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày