Thứ 2, 25/11/2024, 02:04[GMT+7]

Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm

Thứ 6, 01/02/2013 | 09:57:20
1,856 lượt xem
Ở huyện Quỳnh Phụ, nhiều người biết đến cơ sở thu mua nông sản thực phẩm của anh Phạm Văn Đề - hội viên Chi hội Nông dân thôn Tư Cương, xã An Cầu bởi là đầu mối thu mua giúp bà con nông dân trong vùng tiêu thụ sản phẩm nông sản, nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích canh tác.

Trong tổ chức Hội, anh Đề còn là tấm gương sáng của phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu.

Anh Ðề chia sẻ, vì quê anh nằm trong vùng úng trũng của huyện Quỳnh Phụ, nơi xa trung tâm, xa đường quốc lộ lớn, giao lưu hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Tiêu thụ sản phẩm cho nông dân còn chậm, giá cả lại không ổn định. Nông sản như ớt, dưa chuột, thóc gạo thường xuyên bị ép giá, vì vậy người nông dân vất vả làm ra sản phẩm song thu nhập thấp, nhiều khi không có lãi. Quê anh lại đang có phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mạnh mẽ, song khâu tiêu thụ sản phẩm đang là vấn đề lớn đặt ra cần có hướng giải quyết.

Suy nghĩ như thế, anh tính toán chuyển hướng làm ăn và mạnh dạn mở dịch vụ thu mua sản phẩm cho nông dân trong thôn, xã và các xã lân cận. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, đầu vào nông sản nhiều khi còn có nhiều khó khăn hạn chế như các loại giống khác nhau, chất lượng phân bón không bảo đảm... làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của các hộ. Ðể khắc phục tình trạng đó, anh Ðề liên hệ với các công ty chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh để ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm; liên hệ mua giống, vật tư của các công ty, trạm, trại có uy tín để cung ứng cho bà con nông dân trong và ngoài xã.

Cụ thể năm 2009, anh ứng trước giống vụ xuân cho bà con nông dân trồng 5 mẫu dưa xuất khẩu và 5 tấn phân bón. Vụ đông, anh ứng trước giống cho bà con trồng 10 mẫu ớt và 10 tấn phân bón, giúp bà con chăm bón kịp thời. Ðể giúp bà con có kỹ thuật chăm sóc cây màu, được sự tạo điều kiện của Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Công ty Nông sản Hải Dương anh mở được hai lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây ớt và cây dưa chuột xuất khẩu. Cuối vụ, anh thu mua giúp bà con tiêu thụ 60 tấn dưa chuột xuất khẩu, trong đó có 5 tấn dưa bao tử; 120 tấn ớt quả tươi.

Tiếp tục phát huy kết quả, năm 2010 anh nâng số cung ứng giống dưa chuột cho bà con lên 19 mẫu, cung ứng 8 tấn phân bón, đồng thời thông qua tổ chức Hội Nông dân và Công ty Nông sản Hải Dương, mở được 3 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Kết quả trong năm đã thu mua tiêu thụ lượng nông sản tăng hơn nhiều năm trước gồm  140 tấn dưa xuất khẩu, trong đó có 10 tấn dưa bao tử; 150 tấn ớt quả. Tương tự như vậy, sang năm 2011, 2012 số lượng ứng trước giống và phân bón cho nông dân tiếp tục tăng, lượng thu mua dưa xuất khẩu và ớt lên gần 300 tấn. Ngoài thu mua, tiêu thụ hai mặt hàng chính là ớt và dưa chuột xuất khẩu, anh Ðề còn giúp nông dân trong vùng tiêu thụ thóc gạo theo mùa vụ.

Nhìn lại kết quả sản xuất kinh doanh của gia đình mình, anh Ðề cho biết: Tổng thu nhập bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí còn khoảng 180 đến 200 triệu đồng. Hiện số vốn anh đầu tư sản xuất kinh doanh trên 900 triệu đồng thì vốn tích lũy nhiều năm của gia đình có 750 triệu, còn 150 triệu đồng là vốn vay ngân hàng. Trong quá trình kinh doanh, anh đã mua được một ô tô vận chuyển, xây dựng một nhà kho khoảng 100m2 lợp tôn để chứa và là nơi phân loại hàng hóa. Từ phát triển cơ sở thu mua, anh Ðề đã thường xuyên giải quyết việc làm cho 10 đến 15 lao động phân loại ớt, dưa chuột và vận chuyển tại cơ sở.

Tìm hiểu kinh nghiệm kinh doanh thành công của gia đình, anh Phạm Văn Ðề chia sẻ: trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông sản, ngoài năng động tìm đầu ra cho sản phẩm; bảo đảm uy tín hàng đầu trong việc chấp hành hợp đồng đã ký với nông dân, nỗ lực thu mua đáp ứng nhu cầu của công ty, anh còn luôn gương mẫu đi đầu các phong trào do Hội Nông dân phát động và các phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương để bà con nông dân tin tưởng làm theo. Anh cũng thường xuyên nghiên cứu nhu cầu thị trường, tìm tòi những giống cây có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao để thuyết phục bà con đưa vào thâm canh. Không chỉ kiên trì thuyết phục bà con tin tưởng vào giống mới và khoa học kỹ thuật, anh còn sát cánh hỗ trợ bà con như giúp chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng vật tư phân bón. Hàng năm, anh đều tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm cùng với nông dân, động viên kịp thời các điển hình tiên tiến trong sản xuất.

Ðánh giá về hội viên Phạm Văn Ðề, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Phụ Nguyễn Duy Mỡi ghi nhận: Việc thu mua, tiêu thụ nông sản của anh Ðề và gia đình không chỉ giúp hội viên nông dân và bà con trong vùng nâng cao giá trị sản xuất, gắn bó hơn với đồng ruộng, mà còn góp phần giúp bà con nâng cao trình độ sản xuất, thâm canh qua việc phối hợp thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cây giống mới. Không chỉ góp phần đẩy mạnh phong trào trồng cây màu, cây vụ đông trong xã mà còn động viên phong trào của cả một vùng. Việc làm của anh Ðề còn góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đẩy mạnh phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới.

Là hội viên nông dân tiêu biểu, nhiều năm liền anh Ðề được Hội Nông dân huyện tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”. Năm 2012, hội viên Phạm Văn Ðề lại vinh dự được đại diện các hộ nông dân kinh doanh giỏi của Quỳnh Phụ, tham dự hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn tỉnh, được UBND tỉnh tặng Bằng khen ghi nhận và biểu dương thành tích.

 

Hà Dung

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày