Thứ 6, 26/04/2024, 15:28[GMT+7]

Chuyện của Điệp

Thứ 6, 17/12/2021 | 08:39:48
2,582 lượt xem
Khiếm khuyết về cơ thể nhưng không khiếm khuyết về ước mơ và lý tưởng sống - đó là cách nghĩ, cũng là con đường đưa doanh nhân Lại Văn Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật (xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương) đến thành công.

Lại Văn Điệp dạy nghề mộc và nhận người khuyết tật vào làm việc tại Công ty.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và Điệp liên tục bị gián đoạn vì những cuộc điện thoại gọi đến nhờ anh tư vấn tiêu dùng hoặc đặt mua hàng. Lại Văn Điệp chia sẻ: Từ khi có dịch Covid-19, việc đi lại của doanh nghiệp cũng như người dân bị hạn chế, hoạt động kinh doanh của Công ty chủ yếu được giao dịch trực tuyến, thư điện tử và điện thoại. Mới đầu còn lạ lẫm, khách hàng cũng chưa yên tâm nhưng do Công ty làm ăn uy tín, chất lượng sản phẩm đúng như giới thiệu nên ngày càng có nhiều người tin tưởng đặt hàng với số lượng lớn.

Chuyện anh Điệp đưa sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ lên thương mại điện tử khiến tôi bị cuốn hút bởi anh thật nhạy bén với xu hướng kinh doanh mới, đặc biệt khi anh lại là người khuyết tật, học vấn chỉ hết lớp 9 mà đã nhanh chóng tiếp cận và làm chủ “cuộc chơi” thương mại điện tử. 

Điệp khoe: Mới đầu tôi cũng chỉ muốn chụp ảnh, viết bài, làm clip giới thiệu một vài sản phẩm do những người khuyết tật của Công ty làm ra đăng trên facebook, zalo để đông đảo bạn bè, cộng đồng mạng biết tới. Song trong quá trình tương tác, thấy nhiều người đề nghị muốn được xem chi tiết sản phẩm, hỏi mua, đặt sản xuất nên tôi quyết định đưa tất cả sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Công ty lên mạng xã hội để quảng bá và bán hàng. Thật bất ngờ, doanh số bán hàng tăng gấp 5 lần so với trước. Hạnh phúc nhất của tôi là trong lúc khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, Công ty vẫn bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cuộc sống cho 18 công nhân, trong đó có 10 công nhân là người khuyết tật.

Sản phẩm đỗ gỗ mỹ nghệ của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật không chỉ có chất lượng tốt mà đẹp về hình thức.

Khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi, không có máy móc, khách hàng chỉ là vài người thân trong dòng họ và hàng xóm, đến nay Lại Văn Điệp đã sở hữu Công ty với hàng trăm loại máy móc hiện đại như máy đục tự động CNC, máy xẻ, máy cưa, máy bào, máy cuốn..., khách hàng ở cả trong và ngoài tỉnh. Việc đầu tư công nghệ, máy móc đã giúp Công ty giảm được chi phí chế biến nguyên liệu, nhân công, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực sản xuất đáp ứng yêu cầu các đơn hàng với số lượng lớn. 

Anh Đỗ Văn Giáp (người khuyết tật), công nhân Công ty chia sẻ: Có máy móc hỗ trợ, công nhân không phải làm việc nặng nhọc, bớt áp lực công việc, chúng tôi chỉ tập trung làm thủ công các chi tiết sản phẩm đòi hỏi độ tinh xảo và nghệ thuật. Chất lượng sản phẩm cao, năng suất lao động tăng nên thu nhập của anh em công nhân cũng được cải thiện, bình quân đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật của Lại Văn Điệp trước đây chỉ sản xuất bàn, ghế, giường, tủ, nay đã phát triển thêm nhiều mặt hàng khác như hoành phi, câu đối, cuốn thư, án gian, ban thờ, tượng Phật, cánh cửa, cầu thang, trần, vách, sàn gỗ... Không chờ đợi khách tìm đến đặt, mua hàng, Điệp chủ động tiếp cận khách hàng, phát triển thị trường thông qua liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, đại lý tiêu thụ.

Anh cho biết thêm: Chúng tôi hợp tác với Công ty TNHH Thương mại Chương Tho, Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế Sen Vàng và một số doanh nghiệp bất động sản, xây dựng trên địa bàn tỉnh để cung cấp đồ gỗ cho công trình như cửa, trần, cầu thang, bàn, ghế, giường, tủ. Có nguồn khách hàng ổn định và bước đầu thành công trong hoạt động thương mại điện tử đã giúp doanh thu của chúng tôi không ngừng tăng. Năm 2011, khi mới thành lập Công ty doanh thu chỉ đạt 500 triệu đồng/năm, năm 2016 tăng lên hơn 2 tỷ đồng, đến năm 2021 doanh thu của Công ty TNHH Đồ gỗ mỹ nghệ người tàn tật ước đạt 7 tỷ đồng.

Thành công nhưng doanh nhân Lại Văn Điệp vẫn còn đầy trăn trở về con đường phía trước. Mong muốn lớn nhất hiện nay của anh là cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện về mặt bằng để mở rộng nhà xưởng phục vụ sản xuất, bảo vệ sức khỏe người lao động và không gây ô nhiễm môi trường.


Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày