Thứ 5, 21/11/2024, 20:01[GMT+7]

Làm giàu từ trồng nấm bào ngư, mộc nhĩ

Thứ 4, 22/12/2021 | 08:34:45
11,589 lượt xem
Ở vùng quê thuần nông nhưng gia đình bà Hà Thị Nhạn, thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) không duy trì truyền thống cấy lúa, trồng khoai mà sáng tạo, tìm hướng đi mới với mô hình trồng nấm bào ngư và mộc nhĩ xuất khẩu. Thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng là thành quả xứng đáng mà gia đình bà nhận được.

Gia đình bà Nhạn trồng mộc nhĩ xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước kia, gần 1.000m2 vườn tạp, ao của gia đình bà Nhạn thường bị bỏ trống, không cho thu nhập. Năm 2016, sau khi học hỏi nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh, gia đình bà mạnh dạn đầu tư cải tạo toàn bộ diện tích vườn, ao thành cơ sở nuôi trồng nấm bào ngư, nấm sò, mộc nhĩ. Ngoài xây dựng nhà xưởng, gia đình bà đầu tư mua các loại máy như máy phay, máy nghiền rơm, máy đóng bịch, máy phun tưới tự động phục vụ trồng nấm bào ngư, mộc nhĩ. 

Bà Nhạn chia sẻ: Để trồng được nấm, mộc nhĩ, vợ chồng tôi không ngại khó, ngại khổ, tìm tòi, học hỏi lý thuyết, tham quan nhiều mô hình và bắt tay vào thực tế sản xuất, tự đúc rút kinh nghiệm. Gia đình tôi chọn nấm bào ngư thay vì nấm sò trắng vì nấm bào ngư có chất lượng, giá trị kinh tế cao hơn, sản xuất mộc nhĩ phục vụ xuất khẩu, thị trường tiêu thụ ổn định hơn.

Trong quá trình trồng nấm bào ngư, mộc nhĩ, gia đình bà Nhạn thực hiện các kỹ thuật ươm giống, sản xuất quả thể, chăm sóc... khá giống với nhiều cơ sở trồng nấm, mộc nhĩ hiện nay. 

Bà Nhạn chia sẻ: Gia đình tôi đã cải tiến, sáng tạo ở một số khâu kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nấm bào ngư, mộc nhĩ. Thông thường, khi sản xuất quả thể - giá thể để nấm, mộc nhĩ phát triển, các hộ thường sử dụng nhiều mùn cưa, ít rơm, còn gia đình tôi lại giảm số lượng mùn cưa, tăng lượng rơm nghiền, đồng thời bổ sung thêm cám ngô, cám gạo để tạo chất dinh dưỡng cho giá thể, nhờ đó nấm bào ngư có độ giòn, ngọt đậm hơn, cho chất lượng cao hơn. Nhiều hộ thường rạch 6 - 7 mắt trên thân quả thể và cấy giống nấm trên thân, với cách làm này nấm bào ngư tưởng chừng cho năng suất cao nhưng thực tế thời gian cho thu hoạch chỉ kéo dài khoảng 1 tháng/vụ. Ngược lại, gia đình tôi chỉ cấy giống nấm ở trên cổ nút của quả thể, nấm bào ngư cho thu hoạch kéo dài trong 2,5 - 3 tháng, vì vậy trong cùng một điều kiện chăm sóc như nhau, cách làm này sẽ cho năng suất cao hơn nhiều so với cách rạch mắt trên thân. Trồng nấm bào ngư, mộc nhĩ không nặng nhọc vì có máy móc hỗ trợ, tuy nhiên theo bà Nhạn, trồng nấm và mộc nhĩ đòi hỏi có kỹ thuật tốt, kiên trì như chăm con mọn, phải thường xuyên tưới nước để bảo đảm độ ẩm, khu nhà nuôi trồng nấm phải bảo đảm sạch sẽ, không có ruồi vàng gây bệnh, hại nấm.

Sản phẩm nấm bào ngư, mộc nhĩ của gia đình bà Nhạn có chất lượng tốt, thu hút được các nhà hàng, cơ sở cung cấp thực phẩm sạch tại Hà Nội tiêu thụ. Đặc biệt, mộc nhĩ có kỹ thuật chăm sóc đơn giản hơn nấm bào ngư, lại có nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định phục vụ xuất khẩu nên gia đình bà Nhạn đã và đang mở rộng sản xuất mộc nhĩ. Hiện gia đình bà sản xuất trên 30.000 bịch nấm bào ngư và mộc nhĩ, tổng sản lượng thu hoạch đạt 5 - 6 tấn nấm bào ngư, mộc nhĩ đã sấy khô/năm. Với giá bán 30.000 đồng/kg nấm bào ngư, 140.000 đồng/kg mộc nhĩ khô, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình bà Nhạn thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng. Hiện do dịch Covid-19 ảnh hưởng nhẹ đến tiêu thụ sản phẩm nấm bào ngư, gia đình bà tập trung mở rộng quy mô trồng mộc nhĩ theo hướng xuất khẩu, ổn định giá cả và đầu ra, cho hiệu quả kinh tế cao.

“Không chỉ nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, gia đình bà Nhạn còn tạo việc làm thời vụ cho 3 - 4 lao động địa phương từ nghề trồng nấm, mộc nhĩ. Ngoài ra, những năm qua gia đình bà Nhạn còn luôn nhiệt tình góp công, góp của, tham gia các việc chung của làng, của xã, các hoạt động thiện nguyện, công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần xây dựng, phát triển quê hương” - bà Nguyễn Thị Hướng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nguyên Xá cho biết.  

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày