Thứ 4, 04/12/2024, 00:48[GMT+7]

Khởi nghiệp từ đồng đất quê hương

Thứ 4, 09/03/2022 | 09:22:51
6,578 lượt xem
Về xã Hồng An, huyện Hưng Hà hỏi thăm gia đình cựu chiến binh (CCB) Trần Ngọc Mùi, thôn Bắc Sơn người dân ai cũng biết bởi ông là người rất nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương.

Mô hình cấy lúa, trồng màu giúp gia đình CCB Trần Ngọc Mùi thu về gần 200 triệu đồng/năm.

Bản thân CCB Trần Ngọc Mùi là người mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, tham gia tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao. 

Nhập ngũ tháng 2/1975, năm 1983 ông Mùi xuất ngũ trở về địa phương, tham gia công tác tại HTX. Vốn có tình yêu quê hương, lại gắn bó với đồng ruộng từ nhỏ nên ông vừa làm việc tại HTX vừa trau dồi kiến thức, kinh nghiệm để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. CCB Trần Ngọc Mùi chia sẻ: Những năm đầu gia đình tôi chỉ cấy mấy sào ruộng, thu nhập chỉ vài triệu đồng một vụ, cuộc sống nhiều khó khăn. Nhưng khi chứng kiến những mảnh ruộng xung quanh người dân để hoang không cấy, tôi quyết tâm thuê lại của 7 gia đình với tổng diện tích gần 3 mẫu để cấy 2 vụ lúa hàng hóa và trồng 2 vụ cây màu. 

Để làm giàu từ ruộng, CCB Trần Ngọc Mùi mạnh dạn đầu tư máy móc, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch; đưa các giống lúa ngắn ngày vào gieo cấy rút ngắn thời vụ, tạo quỹ đất và thời gian để trồng cây vụ đông; đồng thời, chuyển đổi một phần diện tích trồng cây màu truyền thống sang trồng rau cải thìa, cà rốt, cải bắp, khoai tây và cà chua bởi đây là những cây đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để trồng màu cho năng suất cao, ông không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà dùng nguồn phân chuồng ủ với chế phẩm vi sinh cho hoai mục để bón cho cây trồng. Bên cạnh đó, ông thuê 4 lao động mùa vụ để làm cỏ, tạo luống, làm giàn trồng cà chua, tận dụng quỹ đất dưới giàn cà chua để trồng các loại rau màu khác. 

Ông Mùi cho biết: Hơn 10 năm trồng cây màu, tôi rút ra rất nhiều kinh nghiệm, trồng cây màu lo nhất là lúc trời mưa dài ngày dễ dẫn đến tình trạng ngập úng rau. Vì thế, mỗi khi đến mùa mưa tôi thường tạo luống cao hơn; thường xuyên làm cỏ để khơi thông dòng chảy, hạn chế được ngập úng khi có mưa bão. Bản thân tôi luôn chủ động tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của tổ chức hội, mạnh dạn vay vốn tín chấp để đầu tư máy móc vào sản xuất. Với cách làm này, sau khi trừ chi phí mô hình của gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng/năm. Thời gian tới, tôi dự định sẽ thuê thêm đất của các hộ xung quanh, mở rộng diện tích từ 3 mẫu lên 5 mẫu để trồng cây màu, từ đó nâng cao thu nhập. 

Hiện nay, CCB Trần Ngọc Mùi đang trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP bởi đây là phương pháp áp dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế sử dụng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, quy trình sản xuất an toàn, ủ phân hữu cơ nên chất lượng rau được nâng lên, thời gian thu hoạch cũng nhanh hơn, giúp gia đình ông thâm canh tăng vụ. 

Ông Trần Quốc Hương, Chủ tịch Hội CCB xã Hồng An đánh giá: CCB Trần Ngọc Mùi không chỉ là hội viên gương mẫu, luôn chấp hành tốt mọi quy định của Hội mà còn rất tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Trong phát triển kinh tế, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư đưa máy móc vào sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ với thu nhập bình quân 2,5 - 3 triệu đồng/ người/tháng. Trong xây dựng nông thôn mới, ông gương mẫu tham gia đóng góp các khoản kinh phí, ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài, quỹ nhân đạo của thôn và của Hội.

Không chọn cho mình giải pháp “ly hương” để phát triển sự nghiệp, nhiều đoàn viên, thanh niên ở Hưng Hà đã mạnh dạn khởi nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương. Là Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Thống Nhất nên anh Bùi Anh Đức luôn gương mẫu, tiên phong trong phát triển kinh tế. Từ năm 2015, cùng với diện tích sẵn có từ trước, anh mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả của gia đình để mở rộng mô hình phát triển kinh tế của mình. Với 1,4 mẫu ruộng, anh bố trí 8 sào để đào 2 ao thả cá, 1 ao nuôi cá giống, 1 ao nuôi cá thương phẩm. 

Mỗi năm, anh Bùi Anh Đức, xã Thống Nhất (Hưng Hà) thu được trên 1 tấn cá thương phẩm xuất bán cho thương lái.

Diện tích còn lại anh trồng các loại cây ăn quả và cây dược liệu, chủ yếu là cà gai leo. Để đạt hiệu quả kinh tế, anh không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ qua nghiên cứu sách báo, ti vi, các lớp tập huấn... Bùi Anh Đức cho biết: Đối với nuôi cá, quan trọng nhất là phải chủ động nguồn nước và bảo đảm an toàn dịch bệnh; cần phải cải tạo ao, thường xuyên thay nước, vệ sinh ao nuôi theo định kỳ, cho cá ăn đúng giờ với lượng thức ăn vừa đủ. Để giảm chi phí và bảo đảm cá thơm, dai thịt, tôi chủ yếu cho cá ăn bằng cỏ và ngô. 

Mỗi năm tôi thu hàng tấn cá thương phẩm và 7 - 8 tạ cá giống, thu lãi trên 100 triệu đồng. Đối với cây cà gai leo là loại cây trồng không có sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp; đặc biệt, sau khi thu hoạch cắt dây, cắt cành xong không cần phải trồng lại như các loại cây khác mà chỉ cần chăm sóc cho gốc cây phát triển, ra mầm, ra dây rồi lại thu hoạch. Cứ như vậy tôi thu hoạch liên tục 3 - 4 lứa, với giá bán từ 40.000 - 70.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. Khác với anh Đức, anh Lê Ngọc Chiều, thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh lại từ bỏ công việc ổn định về quê thực hiện tích tụ ruộng đất quy mô lớn để sản xuất lúa hàng hóa. Từ năm 2017, anh đã thỏa thuận với các gia đình không có nhu cầu canh tác cho thuê lại ruộng với giá 10kg thóc/sào/vụ. 

Lúc đầu ngoài diện tích ruộng của gia đình anh chỉ thuê được 20 mẫu của bà con để cấy lúa. Sau thấy hiệu quả anh tiếp tục mở rộng diện tích. Đến nay anh đã tích tụ được trên 40 mẫu. Với quyết tâm bám ruộng làm giàu, anh Chiều đầu tư trên 2 tỷ đồng để mua máy gặt đập liên hợp, máy cấy, khay gieo mạ, máy bón phân, máy phun thuốc trừ sâu, máy sấy thóc. Nhờ nắm vững các kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ lúa, năm 2021 anh Chiều thu gần 1 tỷ đồng từ cấy lúa. Anh chia sẻ: Hiệu quả từ mô hình cho thấy, nếu biết tận dụng tiềm năng sẵn có của đất đai để lựa chọn loại cây trồng phù hợp, liên kết trong sản xuất sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Khát vọng lớn nhất của anh Chiều lúc này là mở rộng thêm diện tích cấy lúa, hình thành vùng sản xuất gạo hữu cơ chất lượng cao và xây dựng thương hiệu gạo sạch riêng của mình để vừa làm giàu bản thân vừa tạo việc làm cho người dân. 

Không chỉ có anh Đức, anh Chiều, trên địa bàn huyện Hưng Hà còn nhiều thanh niên mạnh dạn phát triển kinh tế. Mặc dù mỗi người có cách khởi nghiệp khác nhau nhưng đều thể hiện tinh thần xung kích, dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ trong việc khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, góp sức trẻ xây dựng quê hương. Hiện toàn huyện có 1 câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế (Câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ Long Hưng), 135 mô hình làm kinh tế hiệu quả do thanh niên làm chủ, thu nhập bình quân một mô hình đạt từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Anh Nguyễn Quang Huy, Bí thư Huyện đoàn Hưng Hà cho biết: Xác định đoàn viên, thanh niên nông thôn là lực lượng trẻ, nhiệt huyết, tự tin, dám nghĩ dám làm, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp, Huyện đoàn Hưng Hà tích cực đẩy mạnh thực hiện phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, trong đó đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn 120 của trung ương số tiền hàng tỷ đồng giúp đoàn viên, thanh niên vay phát triển kinh tế; chỉ đạo các cơ sở đoàn chủ động khảo sát, nắm bắt nhu cầu học tập, nghề nghiệp và việc làm của đoàn viên, thanh niên để từ đó chủ động tư vấn, định hướng; tăng cường phát hiện, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả.

Anh Lê Ngọc Chiều, thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh (Hưng Hà) đầu tư máy móc vào sản xuất.

Tiến Đạt - Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày