Thứ 6, 26/04/2024, 13:36[GMT+7]

Khi phụ nữ “vác tù và hàng tổng”

Thứ 3, 10/05/2022 | 08:44:13
7,027 lượt xem
Làm trưởng thôn đối với nam giới đã khó, với chị em phụ nữ lại càng khó hơn. Nhưng bằng sự cần mẫn, trách nhiệm với công việc, đi trước, làm trước trong các hoạt động của cộng đồng, nhiều nữ trưởng thôn được dân tin, dân quý.

Bà Trịnh Thị Oanh (người đứng giữa) tuyên truyền các chính sách tới người dân.

16 năm làm trưởng thôn, hơn 20 năm làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tân Hòa, xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Phụ), theo chị Lâm Thị Chầm, nhiệm vụ nào cũng đòi hỏi lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm. Dù nhiệm vụ nào thì công tác vận động quần chúng cũng phải đặt lên hàng đầu. Bởi nhân dân chính là chủ thể thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chị Chầm nêu ví dụ: Phụ nữ là nòng cốt tham gia mô hình phân loại rác tại nguồn nhưng chị em đi làm tại các công ty đông, nội trợ chủ yếu là các cụ già và phụ nữ trung niên. Việc tuyên truyền phải cầm tay chỉ việc, mềm mỏng, tránh làm tự ái. Đến nay, người dân trong thôn hưởng ứng rất nhiệt tình, mọi người đã có ý thức phân loại rác thải ngay tại gia đình, sau đó đưa tới thùng rác tập trung của thôn để đội thu gom rác thải sinh hoạt của thôn vận chuyển đưa về nhà máy xử lý rác thải thị trấn Quỳnh Côi xử lý. 

Chị Nguyễn Thị Xuân, thôn Tân Hòa, xã Quỳnh Mỹ cho biết: Các phong trào của thôn được như hôm nay có đóng góp lớn của trưởng thôn Lâm Thị Chầm.

Thực tế cho thấy, ở đâu đội ngũ cán bộ thôn nhiệt huyết, trách nhiệm, ở đó mọi phong trào, hoạt động đều “khó hóa dễ”. Thời điểm nhiều địa phương thiết lập các vùng cách ly y tế, ở từng ngõ nhỏ, con đường, các cán bộ cơ sở nói chung, nữ trưởng thôn vẫn lặng lẽ và đầy nhiệt tình sắm đủ các vai, từ việc lập danh sách, đôn đốc người dân đi xét nghiệm, vừa đi chợ hộ vừa chia lương thực... để người dân yên tâm ở nhà. 

Bà Trịnh Thị Oanh, Trưởng thôn Đại Lai 2, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) cho biết: Đợt dịch năm 2021, nhiều người dân trọ trên địa bàn thôn là F0, chính quyền thôn vận động các chủ nhà trọ tạo điều kiện hỗ trợ để các F0 điều trị ngay tại phòng trọ để tránh mang dịch về các địa phương.

Chính quyền và các đoàn thể thôn cũng hỗ trợ hết mức để người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cũng theo bà Oanh, là địa bàn phức tạp, có lúc gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng, cán bộ thôn cùng các cấp, các ngành phải tuyên truyền, vận động, giải thích, tạo sự đồng thuận từ người dân có đất bị thu hồi để người dân hiểu việc bồi thường hỗ trợ là thỏa đáng, đồng thời nhận thấy những lợi ích mà các dự án mang lại. Nhưng cũng có trường hợp chưa đồng thuận, có lời nói khiếm nhã, khi đó bà Oanh lại phải lựa thời gian, cách khác để vận động, tuyên truyền.

Công việc của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố như con mọn, vất vả, phụ cấp ít ỏi nhưng nhiều nữ trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố luôn hào hứng, nhiệt tình với công việc được giao. Ngoài thời gian tham gia các công việc chung của địa phương, các bà, các chị còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân để nắm bắt tư tưởng, cuộc sống, tình hình sản xuất của bà con. Bởi thế, những ý kiến, đề xuất về hỗ trợ, giúp đỡ người khó khăn, khuyến khích con em học tập hoặc hỗ trợ các gia đình sản xuất, phát triển kinh tế đều được bà con đồng tình ủng hộ bởi sự sâu sát, minh bạch, tinh thần làm việc chí công, vô tư của các bà, các chị.

Chị Trần Thị Lanh, Trưởng thôn Giáo Nghĩa, xã Bình Minh (Kiến Xương) cũng là người xông xáo trong mọi công việc của địa phương, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, từ vận động, hướng dẫn từng khu dân cư đóng góp ngày công, tiền của để mở đường đến việc hạch toán, minh bạch các khoản thu, chi. Có tuyến đường gặp khó khăn trong việc thu kinh phí, chị mạnh dạn ứng trước để tuyến đường được hoàn thành, việc thu hồi tiền được triển khai trong 2 năm sau đó. Khi tuyến đường đầu tiên được hình thành, bà con thấy rõ được lợi ích khi được đi trên những con đường sạch sẽ, bằng phẳng nên nhiều người hồ hởi hiến đất ủng hộ, góp công, góp của để làm đường. Chị Lanh còn là điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi. 

Chị Trần Thị Lanh kiểm tra vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Nhà nào trong xã, trong thôn không sản xuất, chị xin thầu lại đất để canh tác. Đến nay diện tích đất sản xuất lúa bỏ hoang đã được gia đình chị tích tụ 40ha. Chị còn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất và nhu cầu của nông dân trong vùng. Hàng năm, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp của gia đình chị Lanh từ 400 - 500 triệu đồng.

Bằng cách này hay cách khác, các nữ “thủ lĩnh” ở các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh như chị Chầm, bà Oanh, chị Lanh đã và đang có những đóng góp không nhỏ với cộng đồng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.


Xuân Phương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày