Thứ 2, 25/11/2024, 01:44[GMT+7]

Phạm Văn Tràng - Hội viên nông dân làm kinh tế giỏi

Thứ 6, 12/04/2013 | 08:34:30
2,576 lượt xem
Theo sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện Vũ Thư, chúng tôi về thăm trang trại chăn nuôi gà mái đẻ của bác Phạm Văn Tràng, thôn 2, xã Vũ Đoài. Qua trao đổi với bác và được chứng kiến quy mô trang trại, chúng tôi thật sự thán phục ý chí và nghị lực vươn lên làm giàu của bác.

Nuôi gà đẻ tại trang trại của bác Phạm Văn Tràng cho thu nhập ổn định.

Năm 2006, xã Vũ Đoài có chủ trương chuyển đổi vùng úng trũng cấy lúa kém hiệu quả ven sông Hồng sang xây dựng các gia trại, trang trại tổng hợp và giao cho Hội Nông dân tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hiện. Được sự tạo điều kiện của chính quyền và Hội Nông dân xã, gia đình bác mạnh dạn đấu thầu 1 ha vùng bãi, đầu tư xây dựng trang trại nuôi gà mái đẻ và đào ao thả cá. Giai đoạn đầu, bác thuê máy xúc đào 3.000 m2 ao thả cá trôi, trắm.... vừa lấy đất đắp san lấp mặt bằng xây dựng chuồng chăn nuôi 2.500 con gà mái đẻ giống Ia Brao (Thái Lan) và Ai Cập lai.

Bác tự thiết kế 5 dãy chuồng nuôi gà siêu trứng, mở rộng quy mô qua từng giai đoạn: từ 4.000 con năm 2009, đến năm 2010 nuôi 7.000 con. Hiện, tổng đàn gà của bác có 21.000 con, trong đó 14.000 con gà đang đẻ trứng, 7.000 con gà hậu bị. Trung bình mỗi tháng thu 130.000 quả trứng cung cấp cho 3-4 đại lý trong và ngoài tỉnh. Theo bác Tràng: Nuôi gà đẻ lợi nhuận ổn định. Mỗi lứa gà trưởng thành khai thác trứng trong vòng 16-18 tháng; trong đó gà cho năng suất trứng cao nhất trong 8 tháng đầu. Từ năm 2008- 2010, thị trường tương đối ổn định, trừ chi phí còn lãi trên 250 triệu đồng/năm. Năm 2012, trang trại gặp rất nhiều khó khăn do giá trứng bấp bênh, có lúc giá trứng xuống thấp 1.500 đồng/quả, giá cám tăng cao. Do đó lợi nhuận chỉ đạt 140 triệu đồng.

Để chăn nuôi hiệu quả bền vững, an toàn, bác phải tự học hỏi kiến thức trong phòng chống dịch bệnh cho gia cầm, đồng thời đúc rút những kinh nghiệm chăm sóc. Chính vì vậy, bác đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi theo các tiêu chí an toàn sinh học để nâng cao nguồn thu nhập chính của gia đình. Là một trong những trang trại của tỉnh tham gia dự án VAHIP, sau khi được tập huấn kỹ thuật, bác chủ động đầu tư vốn thực hiện các nội dung về an toàn sinh học trong chăn nuôi bao gồm 13 tiêu chuẩn, 50 tiêu chí, từ xây  dựng hệ thống tường bao quanh trang trại bảo đảm ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài đến thực hiện quy trình về thức ăn, về phòng bệnh. Dãy máng thức ăn chạy dài suốt chuồng được thiết kế luôn khô thoáng, sạch sẽ, nguồn nước uống cho gia cầm luôn bảo đảm vệ sinh. Những lúc thời tiết bất lợi, bác chống nóng bằng cách phủ lưới đen lên mái chuồng, phun nước tạo độ ẩm, ở dưới dùng quạt thông gió. Khi nhiệt độ xuống thấp phải thắp đèn sưởi ấm cho gà.

Từ khi tham gia dự án, bác được hỗ trợ trang bị quần áo bảo hộ cho  nhân công, dụng cụ phục vụ cho việc tiêm phòng vắcxin định kỳ như bộ kim tiêm tự động, tủ đựng thuốc thú y, phục vụ khâu khử trùng tiêu độc gồm một máy phun và thuốc khử trùng, máy rửa xe khi vào trang trại.  Thực hiện những nội dung an toàn sinh học giúp bác thực hiện quy trình chăn nuôi khoa học, nâng cao kiến thức về sản xuất thực phẩm sạch, an toàn, kiến thức quản lý, hạch toán kinh tế.... Bác Tràng cho biết, sau khi triển khai dự án, đến nay trang trại đạt trên 20 tiêu chí bắt buộc.

Với mô hình sản xuất khoa học, khép kín, trang trại của gia đình bác có thu nhập ổn định. Không chỉ có ý thức vươn lên làm giàu cho gia đình, bác còn tạo việc làm cho 4-6 lao động, đồng thời thường xuyên hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm với các hộ chăn nuôi trong xã. Năm 2012, bác Phạm Văn Tràng được Hội Nông dân tỉnh công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Mô hình chăn nuôi của gia đình bác thực sự an toàn, bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cao, là địa chỉ tin cậy cho nhiều hội viên nông dân huyện Vũ Thư học tập.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày