Thứ 4, 24/04/2024, 07:22[GMT+7]

Những người “đếm nắng, đo mưa”

Thứ 4, 07/12/2022 | 22:14:34
4,705 lượt xem
Để dự báo chính xác diễn biến thời tiết, những người làm nghề “bắt mạch” thiên nhiên của Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Thái Bình đã không quản ngày đêm “đếm nắng, đo mưa”, thầm lặng với công việc của mình.

Quan trắc viên Trạm Khí tượng Thái Bình thu thập số liệu, dự báo và cảnh báo thời tiết cho người dân.

Ít ai biết rằng, để có được bản tin dự báo thời tiết, các quan trắc viên, dự báo viên Đài KTTV Thái Bình đã phải miệt mài lao động. Gặp gỡ chúng tôi, chị Phạm Thị Vân Anh - một trong những nhân viên kỳ cựu tại Trạm Khí tượng Thái Bình (đặt tại xã Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, thuộc Đài KTTV Thái Bình) mở đầu câu chuyện thật nhẹ nhàng: Nghề dự báo thời tiết vất vả, gian nan lắm, nếu ai không có bản lĩnh, tâm huyết thì khó có thể bám trụ với nghề.

Cũng như chị Vân Anh, các đồng nghiệp tại Đài KTTV Thái Bình luôn cần mẫn, lặng lẽ với công việc thường nhật để liên tục thu thập, cập nhật các số liệu, các thông số đo mưa, gió vào các giờ quy định. Từ những thông số được cập nhật liên tục, tỉ mỉ, sát sao như vậy, những cán bộ ở đây sẽ đưa ra những dự tính, dự báo diễn biến của thời tiết. Tổng hợp số liệu quan trắc, thủy văn tại trạm khí tượng, thủy văn trên địa bàn để kịp thời báo về Đài KTTV Thái Bình và trung ương. Với tính chất công việc cần sự chính xác cao nên bất luận trong mọi điều kiện thời tiết họ vẫn phải có mặt tại Trạm để làm nhiệm vụ, bảo đảm một cách chính xác. Việc dự báo càng khó khăn hơn khi vào mùa mưa con số phải cập nhật liên tục 30 phút/lần. Vì họ hiểu rằng, nếu để xảy ra một sơ suất dù rất nhỏ trong dự báo có thể gây hậu quả khó lường.

Trao đổi với chúng tôi về nghề đặc thù này, anh Phạm Văn Quý, Trưởng trạm Khí tượng Thái Bình cho biết: Trước bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra với tính chất “dị thường hơn, cực đoan hơn” nên những vất vả của người làm công tác KTTV tăng lên gấp bội. Thế nhưng, với nỗ lực của các dự báo viên, họ đã cố gắng ra được những bản tin dự báo đầy đủ, kịp thời... Sự mệt mỏi đó tan biến khi những thông tin dự báo kịp thời giúp chính quyền và người dân giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiện Đài KTTV Thái Bình có 6 trạm gồm 1 trạm khí tượng, 5 trạm thủy văn và 17 điểm đo mưa, đo mặn. Ông Phạm Quốc Hưng, Giám đốc Đài KTTV Thái Bình cho biết: Công việc của các quan trắc viên, dự báo viên hàng ngày là thực hiện nhiệm vụ đo đạc quan trắc, khảo sát khí tượng; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thông tin dữ liệu KTTV trong phạm vi khu vực Thái Bình. Thu thập, khai thác số liệu, dự tính, dự báo diễn biến phức tạp của thời tiết, tổng hợp số liệu của các trạm KTTV để kịp thời phát bản tin thời tiết. Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì thấy công việc hàng ngày của những cán bộ, nhân viên ở các bộ phận thuộc Đài KTTV Thái Bình quả là lặng lẽ. Nhưng việc quan trắc, dự báo, truyền tải thông tin lại nóng lên từng giờ bởi công việc này được thực hiện liên tục từng phút, từng giờ trong suốt 24 tiếng không ngừng nghỉ. Những người làm công tác khí tượng có nhiệm vụ quan trắc và phát báo về những yếu tố khí hậu, thời tiết như gió, mưa, nắng, độ ẩm, nhiệt độ đất, nhiệt độ không khí... Quan trắc viên trạm ra đa luôn theo sát sự phát triển của các vùng mây. Trong một ngày, các quan trắc viên phải thực hiện 8 lần quan trắc, phát báo nhưng những ngày mưa bão thì công việc này tăng lên gấp 6 lần, cứ 30 phút/lần. Từ số liệu thô, người đo tính toán, mã hóa dữ liệu theo quy ước chung truyền về trung tâm dự báo. Các đài tỉnh, đài khu vực và đài trung ương đều thu được số liệu trên. Do vậy, người đo phải cập nhật kết quả liên tục, chính xác đến mức tuyệt đối cả về thời gian lẫn số liệu. Chỉ cần lệch một chút, số liệu thay đổi, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Mảng khí tượng phụ trách công việc đo mây, gió, nhiệt độ, độ ẩm không khí trên mặt đất còn thủy văn chịu trách nhiệm “bắt mạch” dòng nước như đo lưu lượng nước, tốc độ dòng chảy... Dù làm mảng nào quan trắc viên cũng phải có mặt trước ca trực từ 10 - 15 phút, kiểm tra dụng cụ, sổ sách, khắc phục sự cố trước lúc bắt tay vào việc. Khi các hiện tượng mưa đá, lốc xoáy, dông sét... xảy ra, người quan trắc phải báo cáo tỉ mỉ thời gian, địa điểm, hậu quả để chuyên gia dự báo kịp thời đưa ra nhận định, khuyến cáo bổ ích.

Những bản tin dự báo thời tiết đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ là minh chứng sinh động nhất về sự cần mẫn, tình yêu nghề của những người làm công tác KTTV. Họ đã góp phần phục vụ tốt công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Minh Nguyệt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày