Thứ 5, 21/11/2024, 19:37[GMT+7]

Tuổi cao - gương sáng

Thứ 7, 12/08/2023 | 08:16:29
3,613 lượt xem
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Tuổi già nhưng chí không già / Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh”, nhiều người cao tuổi (NCT) huyện Kiến Xương vẫn cống hiến trí tuệ, sức lực để làm giàu cho gia đình và quê hương.

Xí nghiệp Đông Thắng của ông Trần Thế Thao, hội viên Hội Người cao tuổi thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương).

Giám đốc tuổi 79

Ở tuổi 79, nhiều người đã chọn cuộc sống an nhàn, vui vầy bên con cháu nhưng ông Trần Thế Thao vẫn đang làm Giám đốc Xí nghiệp Đông Thắng, thị trấn Kiến Xương. Năm 1965, chàng trai Trần Thế Thao gác lại những hoài bão của tuổi trẻ để lên đường nhập ngũ. Năm 1973, trở về cuộc sống đời thường, ông nhận công việc tại HTX May mặc Đông Phong với 20 xã viên may gia công cho Công ty Thương nghiệp tỉnh. Sau đó HTX được đổi tên thành Xí nghiệp Đông Thắng để thuận lợi trong giao dịch với khách hàng nước ngoài. Hơn 50 năm gắn bó với Xí nghiệp, ông Thao đã giúp hàng nghìn người lao động có công việc với mức thu nhập ổn định. Ông chia sẻ: Hiện tại Xí nghiệp Đông Thắng có diện tích 10.000m2, sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Trung bình mỗi năm Xí nghiệp xuất hàng triệu sản phẩm với doanh thu khoảng 14 tỷ đồng.

Trong các công nhân của Xí nghiệp có những người đã về hưu nhưng vẫn được ông Thao tạo điều kiện làm việc để cải thiện kinh tế. 

Bà Trương Thị Bính, tổ dân phố Đồng Tiến, thị trấn Kiến Xương chia sẻ: Tôi đã đồng hành cùng Xí nghiệp Đông Thắng từ năm 1996. Trong thời gian đầu học may, tôi và mọi người được ông Thao giúp đỡ rất nhiều. Ông không chỉ là người có tài mà còn là người có tâm. Chúng tôi vừa có việc làm vừa được hưởng đầy đủ các chế độ, được đóng bảo hiểm xã hội. Thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 6 - 7 triệu đồng, đủ để tôi trang trải cuộc sống.

Ông Quýnh “nước sạch”

Về xã Lê Lợi hỏi thăm ai cũng biết ông Quýnh “nước sạch” ở thôn Phú Ân. Dù đã bước sang tuổi 68 nhưng ông Đoàn Xuân Quýnh lại rất nhanh nhẹn, hoạt bát. 

Chia sẻ về biệt danh của mình, ông Quýnh cho biết: Trước đây, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi phải đi làm thuê khắp nơi, ai cần gì tôi làm nấy. Năm 2000, nhận thấy vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở làng nghề chạm bạc tại địa phương, tôi quyết định xây dựng nhà máy nước sạch để cung cấp cho người dân các thôn. Năm 2006, tôi quyết định thành lập Công ty TNHH Xây dựng Đoàn Trương Trọng. Đến năm 2017, nhà máy được nâng cấp với vốn đầu tư trên 48 tỷ đồng, lắp đặt đường ống dẫn nước tới tất cả khu dân cư. Nhà máy có hệ thống xử lý nước sạch theo công nghệ màng lọc tiên tiến của Sở Khoa học và Công nghệ. Công suất xử lý và cấp nước 50.000m3/ngày đêm, phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn 4 xã Lê Lợi, Hồng Thái, Trà Giang, Nam Cao.

Bể bơi của ông Đoàn Xuân Quýnh, xã Lê Lợi (Kiến Xương) giúp các em nhỏ được học bơi, phòng, chống đuối nước.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Quýnh còn giúp hàng trăm lao động địa phương có thu nhập ổn định từ công việc xây dựng. 

“Tôi đã đi làm các công trình cho ông Quýnh hơn 10 năm nay với thu nhập khoảng 7 - 9 triệu đồng/tháng. Nhờ đó tôi có nguồn thu ổn định để chăm lo cho gia đình của mình” - ông Lê Văn Bát, 68 tuổi, thôn Phú Ân chia sẻ.

Hội viên làm kinh tế giỏi

Sau nhiều năm làm công việc xây dựng trên Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Mạnh, thôn Luật Trung, xã Quang Lịch quyết định về quê phát triển kinh tế. Do không thể canh tác trên vùng đất trũng, ông mạnh dạn chuyển đổi để xây dựng chuồng trại nuôi gà, vịt. Sau 20 năm kiên trì, cần mẫn, đến nay trang trại có diện tích trên 5.000m2 nuôi gà, vịt, ba ba. 

Ông Mạnh cho biết: Có thời điểm tôi nuôi khoảng 1,5 vạn con gà thịt, hàng nghìn con gà đẻ, vịt đẻ cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Hiện tại mỗi ngày trang trại cho thu khoảng 800 quả trứng vịt, 650 quả trứng gà. Còn đối với ba ba, sau 3 năm tôi xuất bán khoảng 2,6 tấn ba ba thương phẩm.

Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Hữu Mạnh (người bên phải), xã Quang Lịch (Kiến Xương) cho thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Trạng, Chủ tịch Hội NCT xã Quang Lịch cho biết: Ông Mạnh là hội viên làm kinh tế giỏi tiêu biểu. Không chỉ dám nghĩ, dám làm, ông còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi với các thành viên Hội NCT và chủ động tham gia xây dựng công trình đường giao thông, cầu, điện thắp sáng.

Ông Phan Văn Dương, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Kiến Xương cho biết: Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”, thời gian tới, các cấp hội NCT trong huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế, hỗ trợ hội viên các điều kiện sản xuất; đồng thời, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình NCT làm kinh tế giỏi. Cùng với đó, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện tốt chế độ, chính sách của Nhà nước đối với NCT, qua đó khuyến khích, động viên NCT tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày