Thứ 7, 23/11/2024, 15:09[GMT+7]

Nghị lực của ông Khước

Thứ 3, 05/09/2023 | 08:49:01
2,338 lượt xem
Rời quân ngũ về với cuộc sống đời thường, bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC), phải đối mặt nhiều khó khăn song với ý chí của người lính Cụ Hồ, ông Nguyễn Xuân Khước, thôn Văn Quan, xã Duyên Hải (Hưng Hà) luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, lao động sản xuất giỏi, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương. Câu chuyện làm giàu của ông là tấm gương về nghị lực vượt khó.

Ông Nguyễn Xuân Khước (người bên trái) với nghề sản xuất hương truyền thống.

Tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi, ông Khước đã trải qua các chiến trường ác liệt như Quảng Trị, Tây Nguyên, Bình Định, Gia Lai... Tháng 12/1972, ông trở về quê hương, mang trong mình CĐDC, bị suy giảm 67% sức khỏe. Ông thường xuyên bị đau đầu, đau khớp do di chứng của CĐDC. Vợ ông cũng thường xuyên đau ốm, kinh tế gia đình khó khăn. Nhưng bằng ý chí vươn lên, không khuất phục đói nghèo, ông đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ nghề sản xuất hương. Ông kể: Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm hương, thuở nhỏ tôi hay cùng ông bà, bố mẹ chuẩn bị các nguyên liệu, tham gia vào quy trình sản xuất hương. Có lẽ vì thế mà tôi đã đem lòng yêu nghề làm hương của gia đình và tìm mọi cách gìn giữ, phát triển nghề thành công như hôm nay.

Ban đầu, gia đình ông Khước làm hương thủ công với 6 lao động gồm vợ chồng ông và 4 người con. Năm 2013, ông mạnh dạn vay vốn, đầu tư cơ sở vật chất, máy móc nhằm tăng năng suất, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm. Hiện tại, cơ sở sản xuất hương của gia đình ông có quy mô hơn 3.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho 45 lao động địa phương với thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. 

Ông Khước cho biết: Để làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao, chúng tôi phải trải qua nhiều công đoạn từ pha chế, tẩm ướp đến xe sợi, nhúng tăm, phơi tăm... Hầu hết lao động tại cơ sở đều từ 50 - 70 tuổi. Chính vì thế, tùy vào đặc điểm của mỗi công đoạn sản xuất hương và từng độ tuổi, tôi sẽ sắp xếp vị trí việc làm phù hợp. Với những người có sức khỏe, nhanh tay, nhanh mắt hơn, tôi phân công họ vận hành máy móc. Còn với những người tuổi cao sẽ làm những công đoạn nhẹ nhàng hơn như chẻ tăm, nhuộm tăm, phơi tăm... Chính vì thế, gần 10 năm qua người lao động luôn cảm thấy rất thoải mái, gắn bó với cơ sở sản xuất hương của gia đình tôi như người thân trong gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hội, 78 tuổi, thôn Văn Quan, xã Duyên Hải cho biết: Vợ chồng tôi làm việc tại cơ sở sản xuất hương của gia đình ông Khước đã hơn 9 năm. Công việc không vất vả, mỗi tháng vợ chồng tôi thu nhập khoảng 6 triệu đồng.

Cũng gắn bó với nghề làm hương tại cơ sở sản xuất hương của gia đình ông Khước lâu năm, bà Nguyễn Thị Huế, thôn Văn Quan chia sẻ: Trước đây tôi đã từng làm nhiều nghề nhưng nghề nào cũng không gắn bó được lâu dài do tuổi tôi đã cao, tình trạng sức khỏe yếu. Từ khi làm việc tại cơ sở của ông Khước, tôi có nguồn thu nhập ổn định, giảm bớt gánh nặng cho con cháu.

Mỗi tháng, cơ sở sản xuất hương của gia đình ông Khước sản xuất khoảng 20 - 30 tấn hương, chủ yếu là hương thơm, hương bài, hương quế, hương đen, hương vòng. Nhờ tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện nay sản phẩm hương do cơ sở của gia đình ông Khước sản xuất được tiêu thụ ở nhiều tỉnh như Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Nguyên..., được khách hàng rất ưa chuộng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cơ sở sản xuất hương của gia đình ông thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng. Thời gian tới, ông sẽ mở rộng thêm nhà xưởng, tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông Trần Đức Ngọ, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Điôxin xã Duyên Hải nhận xét: Ông Nguyễn Xuân Khước là hội viên năng động, dám nghĩ, dám làm. Dù tuổi đã cao nhưng ông luôn nỗ lực nâng cao đời sống gia đình. Không chỉ sở hữu một cơ sở sản xuất hương đem lại giá trị kinh tế cao, ông Khước còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương, đặc biệt là công tác nhân đạo, từ thiện, được hội viên và nhân dân tín nhiệm. Bản thân ông là đảng viên mẫu mực, nạn nhân CĐDC tiêu biểu. Tấm gương vượt lên hoàn cảnh của ông Khước truyền lửa nhiệt huyết về tinh thần hăng say lao động, không ngại khó khăn, gian khổ cho nhiều nạn nhân CĐDC, giúp họ làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Cơ sở sản xuất hương của gia đình ông Nguyễn Xuân Khước tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thu Hoài

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày