Thứ 2, 25/11/2024, 01:37[GMT+7]

Lê Thị Ngấn Giỏi việc trường, việc hội đảm việc kinh doanh

Thứ 6, 05/07/2013 | 08:56:29
1,151 lượt xem
Không quá khó để chúng tôi tìm về cơ sở may thêu xuất khẩu Ngấn Lành. Với những sản phẩm độc đáo, họa tiết tinh xảo, hàng trăm mẫu túi thời trang do cơ sở sản xuất đã chinh phục thị trường tại các khu du lịch trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Nhân công làm việc tại cơ sở may thêu xuất khẩu Ngấn Lành.

Về thăm cơ sở sản xuất của chị Lê Thị Ngấn khi chị vừa hoàn tất công việc ở Trường Mầm non Vũ Quý để trở về với việc sản xuất túi tại gia đình. Tiếp chúng tôi khi những giọt mồ hôi vẫn đang lăn dài trên má, chị Ngấn niềm nở chia sẻ những vui buồn khi bắt tay vào làm kinh tế. Sinh năm 1961 tại thôn 4, xã Vũ Quý (Kiến Xương). Sau khi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, năm 1977 chị về công tác tại Trường Mầm non xã Vũ Quý. Năm 1998, chị được bầu làm chủ nhiệm câu lạc bộ không sinh con thứ 3 của xã rồi tham gia Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Vũ Quý. Gắn bó với công tác hội, được tiếp xúc với nhiều phụ nữ, chị Ngấn nhận thấy đại đa số các chị em trong xã có hoàn cảnh khó khăn. Trong chị luôn nung nấu ý tưởng làm sao để phụ nữ có việc làm, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Năm 1999, chị đã mở xưởng thêu, tạo việc làm cho 40 – 50 lao động. Tuy nhiên do hiệu quả không cao, năm 2002 chị chuyển sang làm túi thời trang chất liệu thổ cẩm.

Tính đến thời điểm này, cơ sở sản xuất của chị đã đi vào hoạt động được 11 năm. Cơ sở được xây dựng trên diện tích 100 m2 với 50 chiếc máy may công nghiệp và 2 máy chuyên dụng, tạo việc làm cho trên 50 nhân công. Chị Ngấn cho biết: 2/3 số nhân công tại xưởng của chị là thành viên của Hội Phụ nữ xã. Tận dụng thời gian nông nhàn sau mùa vụ, chị Ngấn đã vận động các chị em tới đây làm để tăng thêm thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình. Chị tận tình giúp đỡ, thuê thợ dạy nghề miễn phí và tạo điều kiện cho các chị em phát huy năng lực. Ngoài thu nhập cố định là 70.000 đồng/8 giờ/lao động mỗi ngày, các chị em có nhu cầu làm thêm sẽ tăng mỗi giờ 10.000 đồng, cuối tháng còn được thưởng theo số lượng sản phẩm. Bình quân các nhân công trong xưởng sản xuất của chị đều có mức thu nhập ổn định từ 2.000.000 đồng đến 3.200.000 đồng/ người/tháng. Sản phẩm của cơ sở sản xuất Ngấn Lành chủ yếu là các loại túi thời trang, được làm bằng chất liệu thổ cẩm thêu tay hoặc da với hoa văn tinh xảo.

Ngoài ra, dây trang trí treo cửa, móc chìa khóa, rối tay, quần váy… cũng là sản phẩm được cơ sở của chị Ngấn hướng tới. Công việc tuy không cần nhiều sức nhưng đòi hỏi sự kiên trì, tỷ mỉ của người làm. Chị Ngấn cho biết, để một sản phẩm hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn như: cắt, ép, là, chần, can, đặt mẫu in… Ngoài làm tại xưởng, chị Ngấn đã tạo điều kiện cho các lao động có nhu cầu tận dụng thời gian rảnh rỗi mang nguyên liệu về làm thêm tại nhà. Không chỉ có mặt tại các khu du lịch nổi tiếng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, sản phẩm của cơ sở Ngấn Lành còn đáp ứng nhu cầu cho các thị trường khó tính như: Úc, Thái Lan, Nhật Bản… Mỗi năm, trừ các khoản chi phí cơ sở của chị thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ là người có đầu óc làm kinh tế, chị Ngấn còn là người giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, là cán bộ hội phụ nữ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị Trần Thị Thúy – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vũ Quý cho biết: “Chị Ngấn là một cán bộ gương mẫu về mọi mặt. Cơ sở của chị đã truyền nghề cho các hội viên trong Hội Phụ nữ xã, là người tổ chức quyên góp để trao quà cho các chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và trẻ em nhiễm chất độc màu da cam”. Nhờ những thành tích đó, chị Ngấn đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của xã và hội phụ nữ các cấp trao tặng, nhiều năm liền được nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Ngoài ra, chị cũng nhận được Bằng khen của UBND tỉnh, được Trung ương hội tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phụ nữ.

Bài, ảnh: Hồng Thắm – Y Ban

                                                                                        (Sinh viên thực tập)

        

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày