Thứ 5, 21/11/2024, 19:32[GMT+7]

Theo một chữ tâm

Thứ 6, 13/10/2023 | 17:17:50
8,124 lượt xem
Cô giáo Ngô Thị Hường nguyên là giáo viên dạy môn Hóa ở Trường THPT Thái Phúc nhiều năm qua được mọi người biết đến với những việc làm thiện nguyện chăm lo giúp đỡ học sinh nghèo, người tàn tật khó khăn, quyên góp công đức xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B tại tỉnh Quảng Trị. Việc làm của cô giáo Ngô Thị Hường đã lan tỏa cho nhiều người khác cùng theo một chữ tâm.

Cô giáo Ngô Thị Hường thay mặt các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trao tiền công đức xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B tại tỉnh Quảng Trị.

“Em đọc phóng sự “Không gục ngã trước nỗi đau da cam” và phóng sự “Da cam nỗi đau chìm trong nước mắt” đăng trên Báo Thái Bình mới biết được gia cảnh của bà Bùi Thị Mậu quê ở xã Đông Quang, huyện Đông Hưng và gia cảnh chị Lê Thị Liên ở xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư. Em hình dung cuộc đời hai người phụ nữ sao mà bất hạnh và chịu nhiều đau khổ đến thế. Em không cầm được nước mắt khi nghĩ về thân phận bà Mậu và chị Liên. Sao bà Mậu và chị Liên lại có thể chịu đựng được những khổ đau đến như vậy để sống trong cuộc đời này... Em cũng là phụ nữ, em cũng làm vợ, làm mẹ, cũng nuôi con mới thấu và cảm phục bà Mậu, cảm phục chị Liên vô cùng. Em và nhiều người bạn của em, các học sinh của em nữa muốn giúp đỡ hai người một chút để vơi bớt khó khăn” - đó là tâm nguyện mà cô giáo Ngô Thị Hường, giáo viên dạy môn Hóa ở Trường THPT Thái Phúc đã gọi điện và nói điều này với tôi.

Phóng sự “Không gục ngã trước nỗi đau da cam”, tôi viết về phận đời chị Lê Thị Liên, 67 tuổi, là vợ cựu chiến binh Lê Văn Bính ở thôn Hưng Nhượng, xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư. Chị Liên làm vợ, làm mẹ, nuôi con mà sẽ mãi chẳng bao giờ có thể trông cậy vào sự đỡ đần của con cái khi tuổi già từng ngày từng ngày ập đến. Chứng kiến cô giáo Ngô Thị Hường ôm lấy chị Liên trong nước mắt, để cùng cảm thông chia sẻ phận đời người phụ nữ bất hạnh, cuộc đời chị Liên qua mười lần vượt cạn thì sáu lần sinh ra những sinh linh “quái thai, dị dạng” các con chị ra đời rồi chúng ra đi thật nhanh, để lại cho chị Liên nỗi bất hạnh, dày vò mấy chục năm qua. Tục ngữ có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, chị Liên như người thua bạc khát nước, bốn đứa con tiếp theo của chị ra đời cũng không cho chị hy vọng trông cậy vào con cái, mà cả bốn người con đều thiểu năng trí tuệ... Trước cơn bĩ cực cuộc đời, chị Liên đã ba lần đứng trên cầu Cọi nhìn xuống dòng sông Kiến Giang để muốn giải thoát cho riêng mình... Nhưng phận làm vợ, làm mẹ đã không cho phép chị gục ngã. Cô giáo Hường đã khóc rất nhiều khi nghe chị Liên trải lòng về phận đời.

Còn phóng sự “Da cam nỗi đau chìm trong nước mắt” tôi viết về phận đời của bà Bùi Thị Mậu, ở thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang, huyện Đông Hưng. Bà Mậu là vợ của cựu chiến binh Bùi Văn Ơn (ông Ơn đã chết năm 2001). Bà Bùi Thị Mậu là mẫu người phụ nữ của phong trào ba đảm đang, thời chống Mỹ cứu nước, được kết nạp Đảng khi chưa tròn mười tám tuổi. Người dân ở thôn Hưng Đạo Tây và cả xã Đông Quang đều biết đến Bùi Thị Mậu - một phụ nữ một thời đảm đang, giỏi việc nước đảm việc nhà, một kiện tướng làm bèo hoa dâu trong những năm 1965 - 1970 và biết đến một nữ Bí thư Đoàn xã năng động, trách nhiệm thế mà cuộc đời bà Mậu với bao truân chuyên và chỉ được “hưởng” những “bất hạnh” bốn lần vượt cạn là bốn lần quặn thắt đau thương. Con trai đầu là Bùi Văn Anh, vừa lọt lòng có đầu to khác thường, chân tay teo tóp chỉ hơn một tháng là cháu Anh chết. Ba cháu tiếp theo gồm Bùi Văn Mạnh sinh năm 1975 bị hở hàm ếch, sức khỏe có khá hơn hiện nay làm nghề bưng bê phở thuê kiếm sống; cháu Bùi Văn Vang sinh năm 1978 bị điên dại từ gần chục năm nay; cháu Bùi Thị Nguyệt thiểu năng trí tuệ không tự chủ trong cuộc sống... Ở tuổi 80, bà Bùi Thị Mậu bị đau khớp gối đi lại rất khó khăn, nhưng hàng ngày vẫn phải chăm nuôi hai người con điên dại... Cô giáo Ngô Thị Hường đã tìm đến thôn Phất Tây, xã Đông Quang, tìm đến với bà Bùi Thị Mậu trong nghẹn ngào cảm thông chia sẻ. Cô ôm bà Mậu mà rưng rưng nước mắt. Hôm ấy cô đến với bà Mậu chỉ còn ít ngày nữa sẽ đón xuân Tân Sửu. Cô giáo Hường cùng với cháu Nguyễn Thị Hồng quê ở xã Thái Sơn là cựu học sinh của cô đã tặng bà Bùi Thị Mậu sổ tiết kiệm 22.500.000 đồng. Bằng kết nối của cô giáo Hường với facebook của Minh Nga, từ tháng 1/2021, quỹ “Phước an nhiên” mỗi tháng chuyển nhờ qua tài khoản của chị Nguyễn Thị Ngà là cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Đông Quang hỗ trợ bà Mậu và hai con của chị mỗi tháng 1.000.000 đồng. Ngày giáp tết Nguyên đán giá rét căm căm, căn nhà bà Mậu trở lên ấm áp. Được nhận quà của những trái tim Bồ Tát từ cô giáo Ngô Thị Hường, bà Mậu nghẹn lòng không thành tiếng cảm ơn cô Hường, cháu Hồng và những trái tim thiện nguyện.

Theo một chữ tâm và lan tỏa yêu thương  

Cô giáo Ngô Thị Hường sinh ra trong một gia đình có 5 chị em gái ở thôn Bao Hàm, xã Thụy Lương nay là khu 7, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Hường từng là người lính công tác tại Trung đoàn 21, Quân chủng Phòng không không quân (E221, QCPKKQ). Năm 1987, Hường ra quân và thi đỗ vào khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; tốt nghiệp đại học được về công tác ở ngành giáo dục huyện Thái Thụy. Tháng 9/1997, cô Hường về giảng dạy tại Trường THPT Thái Phúc. Với sự nghiệp trồng người, cô Hường luôn được đồng nghiệp quý mến, tin yêu, các thế hệ học trò kính trọng. Không chỉ giỏi chuyên môn mà cô có tấm lòng nhân ái, luôn quan tâm đến đồng nghiệp và những học sinh có gia cảnh khó khăn, những phận đời nghèo khó. Nhiều năm nay, cô giáo Ngô Thị Hường đã lặng lẽ kết nối thông tin, chia sẻ với đồng nghiệp, bạn bè và học sinh cũ thành đạt để gieo chữ tâm, chữ đức, lan tỏa yêu thương. Trong cuốn sổ nhỏ ghi nhật trình gieo tâm đức của mình, cô đã viết lại dòng tâm sự thẫm đẫm của một học trò với cô: Em gọi tôi: “Chị ơi, hàng tuần nay mẹ em đi viện mà không có tiền, em chỉ toàn ra xin đồ từ thiện để ăn...”. Đã có lần tôi đã nhờ các bạn ở gần thành phố mang cơm cho mẹ con em ấy. Đó là hoàn cảnh mẹ con bà Nguyễn Thị Vấn, sinh năm 1952 ở thôn Nam Tân, xã Hòa An, huyện Thái Thụy. Bà Vấn nằm viện dài ngày được thầy thuốc chẩn đoán suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cơn đau thắt ngực... Cứ ngỡ mỗi ngày trôi qua của bà Vấn là sự nhẹ nhàng khi đã đi trọn vẹn gần cả cuộc đời, nhưng không, bà mang trong mình “một trái tim lỗi nhịp” yếu ớt, khó nhọc, kèm theo là quá nhiều căn bệnh khác nữa... Bà Vấn không còn chồng, chỉ còn người con trai sức khỏe cũng không được tốt. Mỗi ngày trôi qua của bà Vấn nặng trĩu trong nỗi lo, nỗi lo tiền thuốc men. Cô giáo Ngô Thị Hường đã cùng trĩu nặng nỗi lo cơm áo, gạo tiền với bà Nguyễn Thị Vấn và từ trái tim nhân hậu, cô đã lên tiếng thế này: Em xin gieo duyên giúp bà ít đồng tiền thuốc qua ngày ạ, bà sống được ngày nào hay ngày đó. Mong mỗi anh chị, các em giúp bà 50.000 đồng, 100.000 đồng với ạ. Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều... Bằng sự sẻ chia chân thành đến các mạnh thường quân, đến các đồng nghiệp, các học trò của mình, cô giáo Ngô Thị Hường đã quyên góp được một khoản tiền nho nhỏ giúp đỡ mẹ con bà Nguyễn Thị Vấn vượt qua lúc khốn khó nhất.

Cô giáo Ngô Thị Hường chia tay đồng nghiệp, rời bục giảng hơn hai năm nay, cô mang “bài ca hóa trị” về tổ ấm ở thị trấn Diêm Điền và dành tâm huyết kèm cặp cho các học trò học yếu môn Hóa tìm đến với cô. Thời gian còn lại, cô dành cho công việc thiện nguyện. Cô tận tụy đi đến nhiều xã trong huyện, tìm hiểu để rõ thêm những cảnh đời khốn khó, để rõ thêm những địa chỉ gửi gắm tâm đức của mình. Hồi tháng 7/2023, cô nhận được gợi ý của Ban liên lạc Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Thái Thụy mong muốn cô tham gia quyên góp, công đức hỗ trợ kinh phí xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B tại tỉnh Quảng Trị. Và tâm đức ấy đã được Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 ghi công. Bằng cách chia sẻ  thông tin với các mạnh thường quân, với các học trò cũ, cô Hường chuyển thông điệp đến mọi người “Trung đoàn 64 - Sư 320B sau 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972 chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị có hơn 700 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Trong đó có gần 500 người con quê hương Thái Bình và chỉ huyện Thái Thụy cũng có gần 200 người con nằm lại nơi này. Thật là thương tâm, gần 400 liệt sĩ hiện nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Em rất mong mọi người đọc được thông tin này mà giúp các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ hoàn thành tâm nguyện của mình, hoàn thành xây dựng nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Mỗi người thêm 50.000 đồng, 100.000 đồng... nữa thôi là công trình sẽ hoàn thành. Mong mỗi người công đức một chút để nơi tâm linh này linh tụ vong hồn những người con của nhân dân đã vì độc lập tự do của Tổ quốc mà hy sinh. Để nơi này sớm được hoàn thành”. Cô giáo Hường đã thay mặt các mạnh thường quân, những người học trò hiếu nghĩa trao số tiền công đức 75.500.000 đồng cho Ban tổ chức xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B tại tỉnh Quảng Trị.  

Cô giáo Ngô Thị Hường - người bế cháu bé trong một buổi đi trao quà thiện nguyện.

Rời bục giảng, cô Hường chọn việc làm thiện nguyện để phát tâm cùng với các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm, các học trò cũ cùng chăm lo cho học sinh nghèo trước năm học mới. Mỗi suất quà nhỏ, một chiếc cặp sách, một tập vở được cô tìm đến trao tận tay hàng chục học sinh nghèo trong năm học này. Những ai đã biết về cô giáo giỏi về chuyên môn, có tấm lòng nhân hậu thiện nguyện và dõi theo trên trang cá nhân của cô giáo Ngô Thị Hường sẽ đọc được những dòng tâm đức sâu nặng tình thương: “Thứ sáu tuần này các bạn ơi! Những trái tim thiện nguyện chúng mình cùng về Bệnh viện Đa khoa Thái Ninh để phát tâm bữa cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Và trong tháng 9 này chúng ta còn có thêm hai nồi cháo miễn phí giúp các bệnh nhân nghèo đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Thái Thụy”. Tấm lòng cô giáo Ngô Thị Hường như một bông hoa đẹp đang lan tỏa sắc hương cho cuộc đời này thêm ý nghĩa.

Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày