Thứ 2, 25/11/2024, 01:32[GMT+7]

Trang trại của chàng cử nhân công nghệ thông tin

Thứ 2, 15/07/2013 | 15:16:27
1,664 lượt xem
Thay vì tìm kiếm việc làm nơi thị thành, chàng cử nhân công nghệ thông tin (CNTT) Lương Văn Kết đã lựa chọn quê hương (thôn Trung Châu Ðông, xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ) là “bến đỗ” cho sự nghiệp của mình.

Anh Lương Văn Kết kiểm tra diện tích trồng mía của trang trại.

Ban đầu, người thân, bạn bè, làng xóm, ai cũng tưởng đó là bước lùi trong sự nghiệp, song bằng sức trẻ, sự quyết tâm cùng khả năng nhạy bén trong kinh doanh, Kết đã chứng minh cho mọi người thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn khi chỉ sau 3 năm làm kinh tế tại quê nhà anh đã trở thành ông chủ một trang trại rộng hơn 2 ha với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

 

Lương Văn Kết sinh năm 1984, là con út trong một gia đình làm nông nghiệp có 3 anh chị em. Ý thức được nỗi vất vả, cực nhọc của cha mẹ nên khi bước chân vào giảng đường đại học anh đã chủ động tìm việc làm thêm để trang trải tiền ăn, tiền học, chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng gia đình. Kết tâm sự: “Hiểu hoàn cảnh gia đình mình khó khăn nên tôi luôn suy nghĩ vào đại học rồi thì phải tự lập.

 

Là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin Viện đại học Mở Hà Nội, ngoài thời gian lên lớp, từ tiền tiết kiệm và vay mượn, tôi mở cửa hàng bán quần áo, rồi sau đó mở quán cơm. Công việc vất vả, lại chiếm nhiều thời gian, tuy nhiên lúc nào tôi cũng đặt việc học tập lên hàng đầu. Vì thế, tôi luôn cố gắng thu xếp công việc để dành nhiều thời gian cho việc học tập của mình”. Năm 2008, ra trường với tấm bằng cử nhân CNTT, anh nghỉ việc kinh doanh và đi tìm công việc phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo. Thế nhưng, công việc mới chỉ mang lại khoản lương ít ỏi 2,5 - 2,7 triệu đồng/tháng, không đủ “xoay sở” giữa chốn phồn hoa. Không thể tìm được một công việc có mức lương cao hơn, cũng không nhìn thấy cơ hội thăng tiến ở công việc hiện tại, Kết quyết định về quê sau gần 2 năm bám trụ ở đất Hà thành.

 

Trở về quê Kết luôn trăn trở: sẽ làm gì và làm như thế nào trên mảnh đất quê mình để bản thân và gia đình thoát khỏi khó khăn. Sau nhiều ngày tìm hiểu, tham khảo ý kiến mọi người và được sự ủng hộ của người thân, gia đình, anh quyết định đầu tư nuôi ba ba. Ngày đầu khởi nghiệp, anh vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi qua sách, báo, thậm chí còn lặn lội đến tận cơ sở nuôi ba ba ở Yên Bái để học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm hiểu nguồn giống cũng như đầu ra cho sản phẩm.

 

Chàng trai trẻ nhớ lại: “Tuy không phải lần đầu kinh doanh nhưng do phải vay mượn số tiền lớn, lại đầu tư vào một lĩnh vực không đúng chuyên môn nên tôi cũng hơi “run”, nhưng được gia đình động viên, bản thân cũng muốn vươn lên làm giàu nên tôi quyết chí thực hiện”. Mạnh dạn vay từ nguồn vốn thanh niên và của họ hàng, anh em được 60 triệu đồng, Kết đầu tư 40 triệu mua con giống, 20 triệu còn lại dùng để xây bể nuôi, tận dụng từ nguồn thức ăn tự nhiên là ốc bươu vàng. Sau 6 tháng, xuất bán lứa ba ba đầu tiên, Kết thu về gần 60 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, anh tiếp tục nuôi lứa thứ hai song do giá ba ba giảm mạnh, nên thu nhập của anh chỉ được hơn 30 triệu đồng. Không nản chí, anh tiếp tục đầu tư nuôi lứa thứ ba rồi thứ tư tuy nhiên kết quả không được như mong muốn.

 

Năm 2012, xã An Cầu thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Nhận thấy công việc cần một khối lượng đào đắp lớn, Kết thuê máy xúc và nhân công rồi đăng ký với xã nhận nạo vét, đào đắp giao thông thủy lợi cho toàn bộ bờ vùng, bờ thửa trong xã. Sau gần 4 tháng làm việc cật lực, hoàn thành đào đắp giao thông thủy lợi cho các thôn với khối lượng gần 3 vạn mét khối, với bình quân 25.000 đồng/m3, anh thu về gần 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 500 triệu đồng. Cùng thời gian đó, anh vận động mọi người trong gia đình dồn ruộng đổi ra khu đất trũng kém hiệu quả nằm trong khu vực đất chuyển đổi của xã, đồng thời mua thêm 4 mẫu đất để làm trang trại tập trung.

 

Với diện tích 6 mẫu, anh đào 1,5 mẫu ao để thả cá, 1,5 mẫu trồng hoa màu và cây ăn quả, 2,5 mẫu cấy lúa, diện tích còn lại giành để xây dựng chuồng trại chăn nuôi; trong đó diện tích cấy lúa được kết hợp với thả cua và nuôi trạch (hiện đã thả trên 1 tạ cua giống). Khu vực nuôi cá được phân làm 2 khu, thả 2 tạ cá giống đủ loại như trôi, trắm, chép, mè. Trên diện tích đất trồng hoa màu anh trồng mía, dưa lê, dưa hấu.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2013, trang trại của anh thu được gần 100 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ. Với sức trẻ và ý chí quyết tâm làm giàu, Lương Văn Kết đã và đang gặt hái được “quả ngọt” sau bao ngày đổ mồ hôi trên đất khó. Không chỉ giỏi làm kinh tế, anh còn hăng hái, nhiệt tình tham gia các hoạt động của Ðoàn, của địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như giúp đỡ các bạn trẻ khác phát triển kinh tế. “Mong muốn trang trại ngày càng phát triển để có điều kiện giúp đỡ những người có cùng giấc mơ làm giàu tại quê nhà” - đó là suy nghĩ giản dị mà chân thành của “ông chủ” Lương Văn Kết. Chúc cho anh và “trang trại vàng” của anh ngày càng phát triển, góp phần làm làm giàu cho gia đình và cho xã hội.

Bài, ảnh:  Ðào Quyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày