Thứ 6, 22/11/2024, 11:00[GMT+7]

Thương binh Phạm Văn Hải Hăng hái làm giàu

Thứ 2, 22/07/2013 | 09:52:35
1,149 lượt xem
Là một trong 82 thương binh của xã Ðông Vinh (Ðông Hưng), hàng ngày phải đấu tranh với thương tật nhưng thương binh hạng 4/4 Phạm Văn Hải vẫn hăng hái du nhập, phát triển nghề mới, mở rộng chăn nuôi, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi của xã.

Thương binh hạng 4/4 Phạm Văn Hải du nhập, phát triển nghề làm bún để làm giàu.

Thấy tôi chào bằng ông, anh cán bộ lao động - TBXH xã Ðông Vinh cười bảo: vì phải chống chọi với thương tật nên trông bác Hải già vậy chứ năm nay bác mới hơn 50 thôi. Bác Hải chữa thẹn cho tôi bằng câu chuyện về đời lính của mình. 17 tuổi, bác lên đường nhập ngũ, trở thành bộ đội tăng thiết giáp của Lữ đoàn 22, Quân đoàn 4, tham gia chiến đấu ở mặt trận biên giới Tây Ninh. Ra trận, bác không sợ bom đạn của kẻ thù, sát cánh cùng đồng đội lập nhiều chiến công. Hai lần bị thương phải đi điều trị dài ngày, vết thương mới chớm lành bác lại xung phong ra chiến trường cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Năm 1983 bác xuất ngũ về địa phương trong niềm vui chờ đón của người thân. Là người may mắn trở về từ chiến trường nhưng bác lại thường xuyên phải chịu những cơn ho kéo dài - hậu quả của 2 lần bị thương. Nhiều năm trời được cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình quan tâm đưa đi điều trị ở nhiều nơi, bệnh tình của bác đã giảm. Cũng do hậu quả của chiến tranh nên 8 năm sau khi xuất ngũ bác Hải mới lập gia đình. Ngày cô gái làng bún xã Ðông Xuân bước chân về nhà chồng, ai cũng nói cô sẽ khổ cả đời vì phải chăm sóc cho một người suốt ngày ốm đau. Nhưng mấy chục năm chung sống bên nhau, cô gái đó thật sự hạnh phúc bên gia đình mình. Bởi thương tật chưa bao giờ làm chồng cô gục ngã, vẫn sát cánh bên cô phát triển nghề phụ và chăn nuôi, xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi hai con ăn học nên người.

Dù ngày nào cũng phải uống thuốc để điều trị bệnh phổi nhưng bác Hải vẫn là lao động chính trong nhà. Du nhập nghề làm bún của quê ngoại Ðông Xuân về làm, bác đảm nhận công đoạn xay bột, điều khiển máy làm bún. Thời điểm nào sức khỏe tốt thì mỗi ngày hai vợ chồng bác làm mấy tạ bún, còn sức khỏe yếu thì chỉ làm trên, dưới một tạ. Bún thành phẩm bán ở nhà vào buổi chiều là chủ yếu, còn thừa cân nào sáng hôm sau bác gái đem ra chợ bán. Có thời gian bác vừa làm bún, vừa nấu bánh đúc, làm bánh rán để có tiền nuôi con ăn học, mua thuốc thang điều trị bệnh. Tận dụng nước gạo làm bún bác Hải nuôi 20 - 30 con lợn, 30 con gà đẻ.

Năm 2008, bác đầu tư mua một máy xay xát gạo về phục vụ bà con, cũng là để tăng nguồn thu nhập. Mỗi năm gia đình bác thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng. Bác bảo: vất vả lắm nhưng thấy con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang cũng mừng, khỏe ra và có thêm động lực để làm việc. Hơn nữa gia đình cũng luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bác khoe với tôi: Con gái vừa tốt nghiệp đại học, trong thời gian chờ xin việc ở nhà phụ giúp bố mẹ; con trai năm nay thi đại học, còn bản thân mới nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Ðảng.

Những thương binh như bác Phạm Văn Hải dù ở thời chiến cũng như trong thời bình luôn tỏa sáng bản chất, truyền thống tốt đẹp của người lính Cụ Hồ: can trường, dũng cảm, sống hết mình, không ngại khó, ngại khổ.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày