Thứ 6, 22/11/2024, 10:51[GMT+7]

Người thương binh Xây tổ ấm hạnh phúc

Thứ 2, 29/07/2013 | 10:44:21
1,047 lượt xem
Trong quá trình tìm gặp những người thương binh biết vượt khó, vươn lên, nuôi dạy con ngoan, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, chúng tôi nhận được sự giới thiệu của các đồng chí lãnh đạo xã Vũ Vinh về một tấm gương được người dân quý mến, đó là thương binh Mai Xuân Ðông (thôn Ðông Vinh, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư).

Thương binh Mai Xuân Ðông tích cực tham gia lao động, sản xuất tăng thu nhập cho gia đình.

Sinh năm 1957, chứng kiến cảnh giặc Mỹ tàn phá quê hương, đất nước, chàng thanh niên Mai Xuân Ðông xin phép gia đình lên đường nhập ngũ. Thời gian đầu, anh được đào tạo học lái xe ngoài Bắc, đến tháng 12/1975 chuyển vào miền Namon>. Năm 1978, Mai Xuân Ðông được điều động sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, tham gia công tác tại Ban Hậu cần, Trung đoàn 7, Quân khu 7. Không giấu được sự xúc động khi nhớ lại những ngày tháng trong quân ngũ, bằng giọng khàn khàn, ông kể cho chúng tôi nghe: “Khi xe đi qua những cây cầu tạm, có những chỗ phên gỗ đã bị gãy, có khi xe sắp lật nhưng nghĩ đến đồng đội mình phía sau đang bị thương nặng cần điều trị gấp tôi không còn sợ gì nữa, chỉ biết cố hết sức để vượt qua”. Trong một lần vừa chở thương binh quay ra, xe ông gặp mìn, sức ép của quả mìn đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân ông (1 chân bị cụt, 1 chân bị vỡ khớp bàn).

Mang trong mình thương tật hạng 1/4, ông trở về địa phương vào năm 1980. Ðến năm 1987, ông lập gia đình với bà Phạm Thị Hương, người phụ nữ tần tảo, chăm chỉ, biết thương cảm với hoàn cảnh của ông. Dù thời gian đầu, kinh tế còn khó khăn nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực hai ông bà đã động viên nhau cùng cố gắng. “Trời không phụ lòng người” những đứa con của họ lần lượt ra đời và đến nay ông, bà rất tự hào mỗi khi nhắc đến con: “Hai cháu hiểu hoàn cảnh gia đình, luôn nỗ lực học tập để vươn lên. Hiện cháu lớn đã tốt nghiệp đại học và đã ra công tác, cháu thứ hai thi đỗ hai trường đại học nhưng cháu thích học kế toán, tài chính nên đã theo học Ðại học Kinh tế quốc dân chứ không chọn Ðại học Y Thái Bình”.

Nuôi hai đứa con ăn học nên người với một gia đình có sức khỏe đã khó, với gia đình thương binh còn khó hơn, bởi người trụ cột đã mất đi 85% sức khỏe, mọi gánh vác lo toan hàng ngày chuyển sang đôi vai người phụ nữ nhỏ bé. Bà Hương phải chạy chợ, buôn bán hoa quả... để tăng thêm nguồn thu nhập gia đình. Thương vợ vất vả sớm hôm, ông Ðông nhận làm hết công việc phụ trong gia đình, ông chăn nuôi thêm gà, trồng tỉa cây cảnh để “có thêm đồng nào hay đồng ấy” giúp vợ đỡ đi phần nào nặng nhọc như lời ông tâm sự. Thế nên, ở gia đình ấy không có những lời phàn nàn về số phận mà luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc và đến nay kinh tế của gia đình họ đã ở mức khá so với mức sống của người dân trong xã.

Ðồng chí Ðỗ Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Vũ Vinh cho chúng tôi biết: Gia đình ông Mai Xuân Ðông luôn chấp hành tốt  chủ trương, đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước; tận tụy trong việc thôn, làng; sống tình cảm với bà con, lối xóm; mỗi khi thôn, xóm có việc, ông bà đều gương mẫu thực hiện và động viên mọi người cùng tham gia.

Phát huy tinh thần chiến sĩ tiên phong vượt khó trên mọi mặt trận mà Bác Hồ đã dạy, gia đình thương binh Mai Xuân Ðông là tấm gương sáng để mọi người học tập, xứng đáng với danh hiệu “Gia đình chính sách tiêu biểu và gia đình văn hóa” nhiều năm liền.

Bài, ảnh:  Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày