Thứ 5, 02/05/2024, 22:31[GMT+7]

Đảng viên Công giáo vượt khó nuôi cá lồng thành công

Thứ 2, 08/04/2024 | 09:56:22
10,034 lượt xem
Là một trong những đảng viên Công giáo đi đầu trong phong trào nuôi thủy sản của xã, anh Nguyễn Văn Mới, thôn Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá lồng trên sông Luộc đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi cá lồng của anh Nguyễn Văn Mới cho thu nhập cao.

Trước khi nuôi cá lồng, anh Mới đã nhiều năm gắn bó với ruộng đồng, lái xe tải nhưng công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Nhận thấy xã Quỳnh Ngọc có lợi thế ven sông với dòng nước sạch, năm 2015 anh tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình thành công ở tỉnh bạn và nghiên cứu kiến thức nuôi cá lồng. Mạnh dạn khởi nghiệp với số vốn ban đầu khoảng 500 triệu đồng, trong đó có 80 triệu đồng vay qua Hội Nông dân xã, anh xây dựng 12 lồng nuôi cá trên sông Luộc với tổng diện tích 500m2, chủ yếu nuôi cá chép giòn, cá lăng, cá trắm đen.

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá lồng của gia đình, anh Mới nhớ lại ngày đầu khi bắt tay vào thực hiện, khát khao làm giàu trên con sông quê hương đầy khó khăn, thử thách. Anh cho biết: Thời gian đầu kinh nghiệm còn ít, chưa biết cách áp dụng kỹ thuật nuôi, kiểm soát dịch bệnh nên cá chết rất nhiều, đến ngày thu hoạch không được như kỳ vọng. Vụ nuôi đầu tiên, thị trường được giá nhưng tôi “mất mùa”.

Khó khăn là vậy nhưng anh không nản lòng, lấy thất bại làm kinh nghiệm cho bản thân, quyết tâm xây dựng mô hình nuôi cá lồng cho năng suất và giá trị cao. Nuôi cá lồng trên sông vốn đầu tư lớn nhưng lại cho sản lượng vượt trội so với nuôi trong ao truyền thống. Lợi thế từ dòng chảy của sông, môi trường tự nhiên thích hợp cho cá phát triển, vì vậy chất lượng thịt cá thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, để cho hiệu quả kinh tế cao, trước mỗi vụ nuôi mới anh phải lựa chọn rất kỹ con giống bảo đảm chất lượng, sát sao quy trình chăm sóc hàng ngày. Mỗi lồng anh thả từ 3.000 - 6.000 con giống. Để có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, anh đã từng rong ruổi khắp các chợ đầu mối ở các tỉnh lân cận, rồi chào bán trên các nhóm bán hàng online. 

Anh Mới chia sẻ: Nuôi cá lồng ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm thì còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, môi trường nước và thị trường. Giá cả đầu vào và đầu ra phụ thuộc vào thương lái và thị trường, cá lồng nuôi trên sông được khách ưa chuộng nhưng thường xuyên bị ép giá, mua cầm chừng. Vốn đầu tư ban đầu lớn nhưng so với các mô hình nông nghiệp khác thì nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Gần 10 năm gắn bó với nghề nuôi thủy sản, đảng viên trẻ Nguyễn Văn Mới vẫn hăng say, kiên trì dù nhiều gia đình trong xã đã bán lồng bè, chuyển nghề do gặp khó khăn trong sản xuất. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, nắm vững kỹ thuật nuôi nên mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh luôn phát triển và cho thu nhập ổn định. Sau mỗi vụ nuôi thả từ 12 - 15 tháng, anh Mới thu hoạch và xuất bán hơn 70 tấn cá thương phẩm các loại với giá bán 64.000 - 132.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi từ 400 - 500 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Tập, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc cho biết: Nghề nuôi cá lồng trên sông Luộc thu hút nhiều hộ dân trong xã tham gia. Tuy nhiên, những năm gần đây thị trường có nhiều biến động, giá cá giống, giá thức ăn (cám viên nổi) tăng 20 - 25% so với trước. Ngoài ra, do một số khó khăn cùng với việc thiếu vốn đầu tư nên một số hộ đã bán lồng bè, chuyển sang làm nghề khác. Mặc dù vậy, đảng viên Nguyễn Văn Mới vẫn kiên trì bám nghề. Mô hình của anh đã chia sẻ kinh nghiệm và tạo động lực cho nhiều hộ dân trong xã học tập, làm theo. Ngoài ra anh Mới còn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương.

Mô hình nuôi cá lồng bè của anh Nguyễn Văn Mới cho thu nhập cao.


Hà Tuyết

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày