Thứ 4, 25/12/2024, 20:05[GMT+7]

Sáng mãi truyền thống nữ chiến sĩ Trường Sơn

Thứ 4, 08/05/2024 | 07:52:33
5,262 lượt xem
Trong thời kỳ mưa bom, bão đạn, những nữ chiến sĩ Trường Sơn đã dũng cảm có mặt ở những trọng điểm ác liệt để cùng quân, dân ta “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những năm tháng gian khổ, hào hùng đó cũng đã hun đúc, tôi luyện họ trở thành những “người phụ nữ thép” luôn phấn đấu vươn lên ngay cả trong thời bình.

Công ty TNHH Tuấn Dũng của bà Phạm Thị Mỵ, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) tạo việc làm cho hơn 120 lao động, chủ yếu là đồng đội, con em cựu chiến binh.

Những người “phụ nữ thép”

Chúng tôi có dịp được trò chuyện với bà Phạm Thị Mỵ, phường Đề Thám (thành phố Thái Bình) - một trong những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Nhớ về những năm tháng gian nan nhưng rất đỗi hào hùng ấy, bà Mỵ chia sẻ: Năm 1973, khi vừa học xong cấp II, tôi tình nguyện viết đơn xin lên đường nhập ngũ. Khi ấy chị em nào cũng hăng hái, mong được ra chiến trường để chiến đấu, phục vụ chiến đấu giành lại độc lập dân tộc. Tôi cùng đồng đội nhận lệnh tại Đại đội 14, Trung đoàn 542 với nhiệm vụ là lính công binh tham gia mở đường, bảo đảm giao thông thông suốt. Chứng kiến hậu quả tàn khốc của chiến tranh sau năm 1972, rừng cây bị thiêu cháy, làng mạc bị tàn phá hết, các chị em càng thêm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Trong điều kiện thiếu thốn trăm bề nơi chiến trường, chị em phụ nữ rất vất vả nhưng vẫn vui vẻ chấp nhận. Thậm chí đồng đội của tôi bị thiếu canxi nên mỗi lần dầm mưa làm đường thì người đỏ hết lên, rất khó chịu. Dù đã động viên ở lại lán trại nghỉ ngơi nhưng chị vẫn quyết tâm đi làm cùng mọi người. Khó khăn, vất vả nơi mưa bom, đạn lạc như thế càng làm cho tình đồng chí, đồng đội thêm thắm thiết. 

Với bà Mỵ, ký ức về ngày nhận tin chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế thắng lợi là điều bà nhớ mãi. 

“Chúng tôi đang ăn cơm với rau lang luộc, muối giã riềng thì nghe được tin chiến thắng từ đài phát thanh của Trung đoàn, ai nấy cũng vui mừng, phấn khởi. Khi mọi người còn đang hân hoan mừng chiến thắng thì cánh rừng bỗng nhiên cháy. Các chị em vội vàng di chuyển súng, quân tư trang và lấy nước suối để dập lửa. Đêm hôm đó, chị em không có chỗ ngủ nên đành phải ngủ tạm ở chuồng trâu của nhà dân, dù vất vả nhưng rất vui” - bà Mỵ bồi hồi nhớ lại. 

Cũng lên đường nhập ngũ cùng bà Mỵ năm 1973, bà Tạ Thị Hạnh, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) được nhận lệnh vào chiến trường B, biên chế vào Sư đoàn 473 thuộc Đoàn 559. Bà cùng đồng đội làm nhiệm vụ tham gia mở đường Trường Sơn dọc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. 

Bà Hạnh chia sẻ: Năm đầu vào rừng mở đường rất khó khăn. Mỗi khi trời mưa, quần áo ẩm lâu ngày bị mục, ai bị bệnh ghẻ thì gãi đâu rách đó. Tất cả túi áo, măng-sét đều được tháo hết dùng để vá chỗ rách. 

Với sự nhanh nhẹn, hoạt bát, bà Hạnh tiên phong đi mở đường, rà phá bom mìn còn sót lại để bảo đảm tuyến đường thông thoáng, tiếp nối hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 1 năm, bà được biên chế vào Sư đoàn 674 làm nhiệm vụ vào rừng đốn gỗ làm nhà dã chiến cho Bộ Tư lệnh. Cuối năm 1975, tiểu đội của bà trở lại huyện Gio Linh nhận nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. 

“Ngày nào tôi cũng chảy nước mắt khi nhìn thấy những hàng mộ liệt sĩ vô danh” - bà Hạnh nghẹn ngào chia sẻ. 

Cơ sở sản xuất sản phẩm sứa An Bình của bà Tạ Thị Hạnh, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy).

Tỏa sáng thời bình 

Sau những năm tháng chiến tranh, những người nữ chiến sĩ Trường Sơn trở về với cuộc sống đời thường và tiếp tục hăng say phát triển kinh tế. Cả bà Hạnh và bà Mỵ đều chọn cho mình những công việc riêng. Bà Hạnh quyết định cùng chồng tiếp tục giữ nghề làm nước mắm gia truyền và phát triển thêm cơ sở chế biến sứa. Nhờ mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc hiện đại nên cơ sở của bà phát triển tốt. 

Bà Hạnh cho biết: Hiện tại gia đình tôi chủ yếu sản xuất sản phẩm sứa An Bình để đưa vào các hệ thống siêu thị từ miền Trung đến Thành phố Hồ Chí Minh với sản lượng khoảng 200 tấn sứa/ năm. Cùng với việc phân phối khoảng 5.000 lít nước mắm/năm cho khách hàng, gia đình tôi có thu nhập khoảng 3 tỷ đồng. Tôi cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động từng là bộ đội Trường Sơn và con em liệt sĩ với mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. 

“Sau 3 năm làm chiến sĩ phục vụ, nuôi quân tại Campuchia, tôi trở về quê hương và làm việc cho hợp tác xã. Sau khi hợp tác xã giải thể, nhờ có cơ sở của chị Hạnh nên chúng tôi có việc làm ổn định. Đến nay, tôi đã gắn bó với công việc này được 20 năm. Với mức thu nhập đều đặn tôi có thể trang trải cho cuộc sống của mình” - bà Phạm Thị Báu, tổ dân phố số 4, thị trấn Diêm Điền chia sẻ. 

Còn bà Mỵ lại bén duyên với công việc phân phối các sản phẩm dầu ăn, bột ngọt, mì tôm... trong toàn tỉnh. Với ý chí quyết tâm và bản lĩnh của người lính Trường Sơn, bà Mỵ cùng chồng là ông Nguyễn Hữu Bản, cũng là lính lái xe Trường Sơn cùng nhau phát triển thành Công ty TNHH Tuấn Dũng với đa dạng mặt hàng phân phối. Hiện nay, Công ty của gia đình đang tạo việc làm cho hơn 120 lao động chủ yếu là đồng đội, con em cựu chiến binh với thu nhập bình quân từ 7 - 15 triệu đồng/người/ tháng. Doanh thu của Công ty đạt gần 300 tỷ đồng/năm, đóng góp vào ngân sách nhà nước 30 tỷ đồng/năm. 

Trở về với cuộc sống đời thường nhưng những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa luôn đau đáu nghĩ về đồng đội, những người đã kề vai sát cánh trong suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt. Bà Hạnh, bà Mỵ cùng các đồng đội đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn, làm tốt công tác nghĩa tình, giúp đỡ hội viên đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn. 

5 năm qua, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh đã thăm, trao 25 sổ tiết kiệm trị giá 75 triệu đồng các hội viên đau ốm, mắc bệnh hiểm nghèo. Cùng với đó, kết hợp với địa phương, gia đình tổ chức tìm và đưa 5 hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê hương. Vào dịp tết Nguyên đán hàng năm, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, trao hàng nghìn suất quà cho hội viên khó khăn với số tiền 250 triệu đồng. Cùng với sự quan tâm của tỉnh và các nhà hảo tâm, tổ chức hội đã triển khai xây dựng, sửa chữa 26 ngôi nhà tình nghĩa cho hội viên neo đơn, khó khăn về nhà ở. 

Với bà Bùi Thị Hà, xã Quang Bình (Kiến Xương), ngôi nhà tình nghĩa do Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn hỗ trợ chính là chỗ dựa tinh thần giúp bà vượt qua khó khăn của cuộc sống. Bà Hà bồi hồi chia sẻ: Sau khi phục viên xuất ngũ, tôi sống một mình trong căn nhà cấp 4 lụp xụp và thường xuyên đau ốm nên cuộc sống rất khó khăn. Nhờ được sự quan tâm, đùm bọc của chị em đồng đội, tôi đã hoàn thành tâm nguyện có ngôi nhà mới khang trang. Tôi rất vui và phấn chấn, sức khỏe cũng ngày càng ổn định. 

Bà Vũ Thị Vỵ, Chủ tịch Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn huyện Kiến Xương cho biết: Ngôi nhà tình nghĩa của bà Hà được xây dựng với diện tích trên 250m2 với tổng kinh phí khoảng 120 triệu đồng; trong đó Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 60 triệu đồng cùng với nguồn xã hội hóa, đóng góp của hội viên Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn. Làm tốt công tác nghĩa tình đồng đội, 5 năm trở lại đây, chúng tôi đã triển khai xây dựng sửa chữa 3 nhà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên đau ốm với tổng kinh phí khoảng 250 triệu đồng. Dù năm tháng qua đi nhưng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ của những nữ chiến sĩ Trường Sơn vẫn không hề phai nhạt. Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân nơi chiến trường gian khổ để đổi lại độc lập, tự do cho dân tộc. Những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vẫn luôn là tấm gương sáng cho lớp lớp thế hệ tương lai học tập, noi theo để nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Ngôi nhà tình nghĩa của bà Bùi Thị Hà, xã Quang Bình, huyện Kiến Xương được Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tỉnh hỗ trợ xây dựng.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày