Thứ 2, 27/01/2025, 13:11[GMT+7]

Cựu chiến binh huyện Hưng Hà: Tỏa sáng trên mặt trận kinh tế

Thứ 2, 27/05/2024 | 09:07:12
3,762 lượt xem
Rời quân ngũ trở về đời thường, các cựu chiến binh huyện Hưng Hà cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, nỗ lực vượt qua khó khăn, trở thành những tấm gương sáng trên mặt trận phát triển kinh tế, góp sức làm giàu cho quê hương.

Cựu chiến binh Phạm Văn Biết nuôi 2.000 con gà thịt.

Làm giàu từ chăn nuôi 

Nắm bắt nhu cầu thị trường, cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Biết, thôn Bùi Việt, xã Duyên Hải đã đầu tư nuôi gà, lợn thịt, đào ao thả cá cho thu lãi bình quân hơn 200 triệu đồng/năm. 

Sau khi xuất ngũ trở về quê, ông Biết đã dồn đổi toàn bộ diện tích “bờ xôi ruộng mật” của gia đình về khu cánh đồng cấy lúa kém hiệu quả để đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp. Trang trại của ông được bố trí rất khoa học. Trên diện tích 3.000m2 ông chia thành 3 khu: khu nuôi 2.000 con gà, khu nuôi hơn 100 con lợn thịt và khu đào ao thả cá. 

Ông Biết chia sẻ: Quá trình xây dựng trang trại gặp rất nhiều khó khăn vì vốn ít nên tôi thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đồng thời mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng đầu tư xây chuồng trại, đào ao và mua con giống về nuôi thả. 

Để đạt hiệu quả cao, ông Biết chú trọng chọn giống tốt từ các cơ sở uy tín; thường xuyên học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ sách báo, qua tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào trang trại của mình. Hiện nay mỗi năm ông xuất bán 10 tấn lợn, 15 tấn gà... thu lãi hơn 200 triệu đồng. 

Ông Biết tâm sự: Trong quá trình chăn nuôi, tôi luôn bảo đảm chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, tiêm vắc-xin, khử trùng chuồng trại định kỳ để phòng các loại dịch bệnh, bảo đảm cho đàn lợn, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt. Để giảm thiểu rủi ro, tôi nuôi theo hình thức gối đàn, xuất bán lứa này thì có 3 - 4 lứa khác kế tiếp ở các trọng lượng khác nhau. 

Giờ đây, dù sức khỏe đã giảm nhưng CCB Phạm Văn Biết vẫn luôn giữ tác phong người lính Cụ Hồ, cần cù, chịu khó, hăng say lao động. 

Ông Trần Đức Ngọ, Chủ tịch Hội CCB xã Duyên Hải cho biết: Mặc dù tuổi cao nhưng CCB Phạm Văn Biết là người dám nghĩ, dám làm, hăng say lao động sản xuất, nhiệt tình, trách nhiệm với công tác hội. Từ cách làm của ông, Hội CCB xã Duyên Hải sẽ tổ chức cho hội viên có nhu cầu đi tham quan, học tập kinh nghiệm để học và làm theo. 

Thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu

 Vượt lên khó khăn, thử thách, với ý chí kiên định, nghị lực bền bỉ của người lính được rèn luyện trong quân ngũ, CCB Nguyễn Đức Hiến, thôn Tịnh Thủy, xã Hồng Minh đã thành công với mô hình nuôi chim bồ câu thương phẩm. 

Khu đất rộng 2.000m2 nuôi chim bồ câu của gia đình CCB Nguyễn Đức Hiến nằm giữa cánh đồng. Lối dẫn vào khu đất ấy là con đường bê tông thẳng tắp, xung quanh là ruộng lúa mênh mông. Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền lành, ông Hiến cho biết: Sau nhiều năm bươn chải kiếm sống, tôi nhận thấy những người thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp đều phải nắm vững kỹ thuật, có kinh nghiệm thực tế và tìm được đầu ra cho sản phẩm. Qua nhiều lần nghiên cứu, tìm hiểu, nhận thấy chim bồ câu là mặt hàng dễ tiêu thụ nhưng lại chưa được nhiều người nuôi theo quy mô lớn nên tôi quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi chim bồ câu. 

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Hiến chăm sóc đàn chim bồ câu.

Khởi nghiệp ở tuổi “xế chiều” với mô hình mới mẻ và lạ lẫm hoàn toàn, ông Hiến gặp không ít khó khăn. Ban đầu vốn ít, kinh nghiệm chưa có, để tránh thất bại, ông chỉ xây dựng một chuồng nuôi nhỏ và mua trên 100 cặp chim bồ câu về nuôi thử nghiệm. Bước chọn giống quyết định phần lớn thành công của mô hình nên ông không mua chim một cách ồ ạt mà mày mò tìm mua những con khỏe mạnh về làm giống. Quá trình nuôi thử nghiệm, thấy bồ câu dễ nuôi, nhanh lớn, ít rủi ro, thức ăn đơn giản, nhu cầu thị trường cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc nên ông quyết định mở rộng quy mô. Đến nay, khu nuôi chim bồ câu của ông được mở rộng lên 3 khu chuồng nuôi với 300 cặp. Điều đáng nói, từ chỗ phải đi mua con giống, ông đã tìm hiểu, nghiên cứu, tự nhân được con giống để nuôi, tiết kiệm nhiều chi phí, công sức. Đặc biệt, khu chuồng nuôi được đầu tư kiên cố, từng dãy lồng sắt được sắp xếp gọn gàng. Bên trong mỗi ô chuồng là một cặp chim bồ câu Pháp mắt đỏ. 

CCB Nguyễn Đức Hiến chia sẻ: Các khu chuồng nuôi tôi đều đầu tư quạt thông gió, bảo đảm luôn thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông; toàn bộ chuồng nuôi được lắp đặt trang bị hệ thống cấp và thoát nước uống tự động. Đồng thời, tôi cũng thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chú trọng tăng khẩu phần ăn để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Từ mô hình nuôi chim bồ câu, mỗi năm tôi thu lãi 100 - 200 triệu đồng. 

Không chỉ thành công trong việc nuôi chim bồ câu thương phẩm, CCB Nguyễn Đức Hiến còn thành công với mô hình nuôi ốc nhồi giống và ốc thương phẩm. 

CCB Nguyễn Đức Hiến, xã Hồng Minh nuôi ốc nhồi cho thu lãi 30 triệu đồng/năm.

Ông Phạm Văn Tuất, Chủ tịch Hội CCB xã Hồng Minh cho biết: Mô hình chăn nuôi tổng hợp và nuôi chim bồ câu thương phẩm của CCB Nguyễn Đức Hiến là một trong những điển hình về phát triển kinh tế của xã, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, ông luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho những người có nhu cầu học hỏi, chăn nuôi. Để góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho hội viên, thời gian tới, Hội CCB xã tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tập trung phát triển kinh tế, mạnh dạn đầu tư chuồng trại, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, góp phần mang lại thu nhập và cải thiện đời sống cho hội viên.

 *

CCB Phạm Văn Biết và CCB Nguyễn Đức Hiến là hai trong rất nhiều CCB huyện Hưng Hà tiêu biểu mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, dù mỗi người có cách làm riêng nhưng ở họ đều có điểm chung là luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hăng say lao động sản xuất, tạo dựng sự nghiệp, làm giàu cho quê hương.


Thanh Thủy



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày