Thứ 4, 25/12/2024, 20:34[GMT+7]

Ông Toan “đay” giữ lửa làng nghề

Thứ 5, 01/08/2024 | 08:45:44
7,677 lượt xem
Về xã Duyên Hải (Hưng Hà), không khó để bắt gặp hình ảnh những sợi đay vàng óng phơi ngoài sân nhà hay người dân ngồi tỉ mỉ xe từng sợi đay. Tất cả đã tạo nên bức tranh về làng nghề xe đay mang đậm nét xưa cũ. Để góp phần giữ lửa nghề truyền thống của ông cha là sự nỗ lực của địa phương và ông Toan “đay”.

Cơ sở làm sợi đay của ông Bùi Huy Toan, thôn Bùi Minh, xã Duyên Hải (Hưng Hà).

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đến thăm cơ sở gia công sợi đay của ông Bùi Huy Toan là những khung cửi vẫn được ông giữ gìn và trong kho đầy ắp sợi đay. Nhấp ngụm trà, ông bồi hồi kể về ký ức của làng nghề xưa. Theo ông Toan, trước đây Duyên Hải vốn nổi tiếng với nghề làm dây thừng, dây chão. Ngày ấy cả làng không nhà nào không làm nghề, ai cũng biết làm, dù nhỏ hay lớn. Làng nghề hưng thịnh giúp nhiều gia đình khá giả, có “của ăn của để”. Khi những sản phẩm dây thừng, dây chão không còn thịnh hành, làng nghề cũng dần mai một. Người thì chọn đi làm ăn xa, có người chọn công việc khác để mưu sinh. 

Người ta lần lượt bỏ nghề còn ông Toan vẫn mãi đau đáu làm thế nào để nghề xe đay truyền thống được duy trì. Với ý nghĩ đó, ông bắt đầu đi thu mua nguyên liệu ở khắp nơi để mang về cho bà con trong xã làm. Sau thời gian buôn bán, có thêm kinh nghiệm, ông dần trở thành đầu mối giúp bà con tiêu thụ sản phẩm.

 “Tôi gắn bó với nghề xe đay từ năm 1993 đến nay. Trước đây tôi phải đạp xe chở sợi đay Duyên Hải đến khắp nơi trong và ngoài tỉnh để xây dựng thương hiệu. Tôi cũng từng không ít lần đốt bỏ hàng chục tấn sợi đay vì không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật” - ông Toan chia sẻ. 

Khó khăn bủa vây nhưng khát khao giữ lửa làng nghề không cho phép ông dừng lại. Ông tiếp tục nâng cao tay nghề cho bà con, liên kết với nhiều công ty để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đưa sợi đay thoát ra khỏi lũy tre làng. Thành công đến với người biết nỗ lực, nụ cười đã nở trên môi ông sau nhiều ngày tháng kiên trì với nghề. Ông cho biết: Hiện nay, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Trung bình mỗi năm tôi có thể cung cấp cho các công ty khoảng 100 tấn sợi đay, sợi cói và bèo tây, cho doanh thu khoảng 5 tỷ đồng. Hiện tại có khoảng 400 nhân công trong xã đang làm việc cho cơ sở của tôi, chủ yếu là lao động nông nhàn. 

Nhờ có cơ sở của ông Toan nên hơn 20 năm nay bà Nguyễn Thị Dị, 70 tuổi, thôn Khả Tân có cơ hội phát huy tay nghề trong những ngày nông nhàn. Bà cho biết: Công việc này không chỉ giúp tôi có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn mang lại niềm vui, sức khỏe. Mỗi tháng tôi có thêm nguồn thu khoảng 3 triệu đồng từ việc làm sợi đay. 

“Công việc này quá đỗi quen thuộc với người dân Duyên Hải chúng tôi, rất đơn giản, phù hợp với người lớn tuổi. Trung bình mỗi tháng tôi có thể làm hơn 1 tạ đay. Ông Toan không chỉ giúp người dân có việc làm mà còn góp phần giữ nghề truyền thống ngày càng phát triển. Chúng tôi rất phấn khởi” - bà Nguyễn Thị Mỹ, thôn Khả Tân chia sẻ. 

Ở tuổi 67, ông Toan vẫn miệt mài gắn bó với nghề làm sợi đay. Với những cống hiến của ông cho nghề truyền thống của quê hương, người dân đã dành riêng cho ông cái tên: ông Toan “đay”. 

Ông Trần Đức Ngọ, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Duyên Hải cho biết: Các sản phẩm thủ công không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn chứa đựng nét văn hóa truyền thống cần được bảo tồn và phát huy. Vì vậy, những đóng góp của ông Toan được ghi nhận và đánh giá cao. Ngoài ra, ông còn là hội viên tiêu biểu, tích cực tham gia hoạt động của làng xã, đặc biệt là công tác an sinh xã hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động hội viên tham gia cùng ông Toan phát triển nghề truyền thống; đồng thời, tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ để ông Toan mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Người cao tuổi xã Duyên Hải gắn bó với nghề làm sợi đay truyền thống.

Nguyễn Triệu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày