Thứ 6, 22/11/2024, 09:59[GMT+7]

Phạm Văn Bồn Làm giàu từ mô hình phát triển chăn nuôi

Thứ 2, 23/09/2013 | 09:19:42
2,594 lượt xem
Khi hỏi về gương hội viên nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, chúng tôi được Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoa Lư (Ðông Hưng) giới thiệu gương vợ chồng anh Phạm Văn Bồn, thôn Lễ Nghĩa, bởi họ được biết đến là những người năng động, dám nghĩ dám làm, vượt lên mọi hoàn cảnh để phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Anh Phạm Văn Bồn (thôn Lễ Nghĩa, Hoa Lư) bên chuồng lợn thịt siêu nạc của gia đình mình.

Tốt nghiệp Trường Ðại học Nông nghiệp I Hà Nội chuyên ngành thú y, nhưng anh Bồn cũng bươn trải đủ nghề trong Nam ngoài Bắc. Năm 2004, anh xây dựng gia đình và đến năm 2007, vợ chồng anh tiếp quản khu chăn nuôi của bố mẹ vợ chuyển lại. Dạo quanh một vòng khu chăn nuôi rộng 4.000m2 của gia đình, chúng tôi thấy chuồng trại được xây dựng khá kiên cố, rộng rãi thoáng mát, có hệ thống nước sạch nên việc vệ sinh chuồng trại hàng ngày khá thuận tiện, dễ dàng.

Ðể bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn, anh đã xây dựng hầm Bioga vừa để xử lý chất thải, vừa tạo nguồn nhiên liệu sạch phục vụ sinh hoạt. Anh Bồn chia sẻ: "Ngay từ khi bắt đầu chăn nuôi theo mô hình tập trung, tôi đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trực tiếp ở nhiều nơi, đồng thời cập nhật thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ đó áp dụng vào việc lựa chọn giống vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương và có thị trường đầu ra cho sản phẩm".

Anh Bồn xây dựng chuồng trại theo mô hình khép kín, bố trí tấm lợp cách nhiệt, bên trên lợp mái prô xi măng, mỗi dãy chuồng đều trang bị hệ thống sưởi, hệ thống phun sương làm mát... Mỗi dãy chuồng anh chia làm 20 ô, mỗi ô nuôi khoảng 10 con lợn; tổng chuồng trại có thể nuôi đến 1.000 con. Anh cho biết: Ban đầu gia đình nuôi lợn và gà nhưng do gà có tỷ lệ mắc bệnh nhiều, độ rủi ro cao nên tập trung nuôi lợn. Trong quá trình chăn nuôi và đi học hỏi nhiều nơi thấy nuôi lợn ngoại siêu nạc nhanh hơn, ít tốn kém hơn so với giống lợn truyền thống, trong khi đó giá thành lại cao nên năm 2008 anh chuyển sang nuôi lợn ngoại.

Trong chuồng thường xuyên có 40 con lợn nái ngoại, giống ban đầu mua từ Công ty cổ phần Xuân Mai (Hà Tây cũ), trung bình mỗi con nái sinh 2,5 lứa/năm, mỗi lứa sinh khoảng 10 - 11 con. Toàn bộ số lợn sữa được anh chuyển sang khu chuồng  nuôi lợn  thịt, chăn nuôi theo hình thức công nghiệp đến khi đạt trọng lượng khoảng 80 - 90 kg/con anh cho xuất chuồng. Bình quân mỗi năm xuất bán ra thị trường vài chục tấn lợn thịt, cho lãi hàng trăm triệu đồng. Với diện tích 5 sào ao, anh đầu tư thả các loại cá như cá chim, trôi, mè, chép, rô phi đơn tính... Mỗi năm thu hoạch 2 lứa đem lại thu nhập cho gia đình hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, anh chị nhận thấy thịt thỏ đang được ưa chuộng nên đã đưa vào nuôi 50 con và đang có ý định nuôi thêm loại vật nuôi có giá trị kinh tế này.

Ðể chăn nuôi an toàn bền vững, anh Bồn rất chú trọng việc phòng và trị bệnh. Nhờ trang trại tự cung cấp giống nên tránh được nhiều bệnh dịch xâm nhập từ ngoài vào đàn vật nuôi. Sau khi xuất hết số lợn trong chuồng, anh tiến hành phơi chuồng, khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, thuốc sát trùng. Ngoài kiến thức đúc rút kinh nghiệm qua nhiều năm theo học đại học, anh còn tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, quy trình chọn giống, sử dụng thuốc thú y, vệ sinh môi trường.

Hiện tại, nhiều mô hình chăn nuôi tập trung đang gặp không ít khó khăn bởi dịch bệnh, giá cả vật tư tăng, thiếu vốn để sản xuất... nhưng gia đình anh Bồn vẫn trụ vững. Chính nhờ sự quyết tâm, năng động, linh hoạt trong phát triển sản xuất, anh Bồn đã vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi. Giờ đây vợ chồng anh chị đã sở hữu một gia trại cho lãi khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Trong thời gian tới, gia đình anh dự định sẽ nâng cấp hệ thống chuồng trại, xây dựng 2 khu chăn nuôi riêng biệt giữa lợn nái và lợn thịt, để vừa mở rộng được đàn, vừa hạn chế dịch bệnh xâm nhập.

Bài, ảnh:  Thu Hảo

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày