Thứ 6, 22/11/2024, 10:34[GMT+7]

Cựu chiến binh Phạm Đức Chỉnh Tích cực phát triển kinh tế

Thứ 6, 04/10/2013 | 08:52:17
1,323 lượt xem
Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng trận đánh lịch sử tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 vẫn là một ký ức khó phai trong cuộc đời quân ngũ của cựu chiến binh Phạm Đức Chỉnh, xã Tây Ninh (Tiền Hải). Trong khi bao đồng đội của ông đã nằm lại chiến trường Quảng Trị người lính pháo cao xạ năm ấy cảm thấy may mắn khi hoàn thành nhiệm vụ, vẹn nguyên trở về. Ông quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, không cam chịu đói nghèo, sống xứng đáng với những hy sinh của đồng đội năm xưa.

CCB Phạm Đức Chỉnh tham gia xây tường bao nhà văn hóa thôn Lạc Thành Nam, xã Tây Ninh (Tiền Hải)

Rời quân ngũ, về với đời thường, ông Chỉnh quyết định gắn bó, lập nghiệp với nghề thợ xây. Mỗi công trình thi công đã giúp ông tích lũy nhiều kinh nghiệm. Ông quyết tâm gióng dựng, phát triển các tổ thợ, nhận các công trình từ nhà ở dân cư đến các công trình của tập thể. Đến nay, ở tuổi 65, ông Chỉnh đã là chủ một doanh nghiệp xây dựng có uy tín, chuyên thi công các công trình như: trụ sở hành chính, trạm y tế, trường học, các tuyến đường, cầu cống, kênh mương thủy lợi nội đồng. Uy tín của Công ty xây dựng Dũng Mai do ông Chỉnh làm giám đốc lan xa trong tỉnh.

Doanh thu của Công ty mỗi năm đạt hàng chục tỷ đồng. Ông Chỉnh cho biết: Doanh nghiệp luôn duy trì số lao động ổn định khoảng 70 người, thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Khi công trình dồn tiến độ, ông hợp đồng thêm lao động thời vụ, có lúc lên đến hơn 100 người. Lực lượng lao động đông, công việc xây dựng vất vả, nhiều khi nguy hiểm, nhưng từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, Công ty của ông chưa xảy ra vụ tai nạn lao động nào, dù là nhỏ. Ông tâm sự: Mình đã từng phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết, từng chứng kiến anh em, đồng đội hy sinh mà không có cách nào cứu được. Mình quý trọng sức khỏe, quý trọng con người lắm.

Chính vì vậy, khi ở trên công trường, khi ở xưởng mộc, xưởng hàn, ông luôn nhắc nhở người lao động, ngoài những dụng cụ bảo hộ đã được trang bị, mỗi người phải đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ mình và mọi người. Đặc biệt là khi thi công công trình phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho người lao động và người sử dụng. Chính sự quý trọng con người ấy đã khiến ông Chỉnh được anh em, bè bạn, con cháu và những công nhân trong Công ty nể trọng.

Khi phong trào xây dựng nông thôn mới sôi nổi trên cả nước, xã Tây Ninh quê hương ông cũng hào hứng tham gia phong trào. Là một xã nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi như ông Chỉnh lại tiên phong đi đầu. Ngoài việc hiến đất, góp công chỉnh trang đồng ruộng, quy hoạch vùng sản xuất như những hội viên khác, gần đây nhất, khi địa phương triển khai xây mới nhà văn hóa ở 4/4 thôn, ông Chỉnh đã tự nguyện ủng hộ 70 triệu đồng. Rồi ông tiếp tục đầu tư gần 500 triệu đồng xây dựng, nâng cấp quần thể di tích đình làng Vĩnh Ninh, làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cho bà con trong xã.

Đó là chưa kể mỗi năm, ông ủng hộ cho các phong trào khác ở địa phương như phong trào khuyến học, khuyến tài, Tết Trung thu, phong trào đền ơn đáp nghĩa, quỹ từ thiện của các đoàn, hội lên đến cả chục triệu đồng. Ngày ngày, cựu chiến binh Phạm Đức Chỉnh cần mẫn làm việc, miệt mài cống hiến, xây dựng quê hương với tâm niệm thay cho cả những đồng chí, đồng đội đã hy sinh.

                                            Đỗ Hà

      (Đài Truyền thanh Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày