Thứ 5, 09/01/2025, 00:02[GMT+7]

Nghị lực của người phụ nữ khuyết tật

Thứ 5, 05/12/2024 | 09:35:18
2,718 lượt xem
Dù cơ thể mang khiếm khuyết nhưng với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng, chị Trần Thị Huyền, xã Tây Đô (Hưng Hà) đã vươn lên làm chủ cuộc sống, truyền cảm hứng cho cộng đồng và những người cùng cảnh ngộ.

Chị Trần Thị Huyền, xã Tây Đô (Hưng Hà) vươn lên làm chủ cuộc sống nhờ nghề may.

Sinh ra trong gia đình có 5 người con nhưng Trần Thị Huyền không may mắn như các chị em của mình. Từ năm lên 1 tuổi, chân phải của Huyền teo dần, dù được gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng không tiến triển. Lên 6 tuổi, dù rất khó khăn trong việc đi lại nhưng Huyền khao khát được đi học. Thương con, hàng ngày bố mẹ và người thân thay nhau đưa đón Huyền đến trường. Do sức khỏe yếu, kinh tế gia đình eo hẹp nên học hết THCS, Huyền đành phải bỏ học. Song, ước mơ có được một nghề để có thể tự nuôi bản thân và phụ giúp gia đình vẫn luôn thường trực trong tâm trí cô gái nhỏ. 

Năm 1995, chị Huyền được bố mẹ cho đi học nghề may tại Trường Dạy chữ dạy nghề cho người tàn tật Thái Bình (nay là Trường Trung cấp cho người khuyết tật Thái Bình). Từ đây, ước mơ của chị Huyền từng bước được thực hiện, chị chia sẻ: Tuy tôi rất thích nghề may nhưng do chân bị tật, các thao tác trên máy may không hề dễ dàng. Song, được sự động viên của cô giáo, gia đình, bạn bè, tôi đã vượt qua khó khăn, học thành thạo nghề may. 

Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, chị Huyền trở về quê mở một tiệm may nhỏ tại nhà. Chỉ với chiếc máy may cũ người cậu cho mượn, bằng sự kiên trì, sáng tạo và đôi tay khéo léo, chị đã may nhiều kiểu dáng, mẫu mã quần áo phù hợp với thị hiếu thị trường, do đó khách hàng tìm đến cửa hàng của chị ngày càng đông. Tiệm may dần phát triển, không chỉ có khách hàng trong tỉnh mà còn có cả ở tỉnh ngoài thường xuyên ghé qua. Hiện tại, thu nhập mỗi tháng của chị Huyền đạt 7 - 8 triệu đồng. Ngoài phát triển kinh tế cho bản thân, gia đình, chị Huyền còn dành thời gian để dạy nghề may cho một số thanh niên trẻ, tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật tại địa phương. 

Chị Nguyễn Thị Nỗi, xã Văn Cẩm (Hưng Hà) cho biết: Là người khuyết tật vận động, trước đây tôi cũng đã thử sức với nghề may nhưng tay nghề chưa cao. Từ khi được chị Huyền dạy nghề, tạo việc làm, kỹ thuật may của tôi được cải thiện đáng kể. Thu nhập hiện tại của tôi đạt hơn 5 triệu đồng/tháng, có thể chăm lo được cho con cái và cải thiện đời sống gia đình. 

Không chỉ khéo léo trong nghề may, bằng tài năng văn nghệ sẵn có, chị Huyền còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương và các hội thi, hội diễn văn nghệ, phục vụ một số hội nghị người khuyết tật cả ở trong và ngoài tỉnh, đạt được nhiều giải cao. Hiện tại, với cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật tỉnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật huyện Hưng Hà, chị Huyền thường xuyên kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng xe lăn và nhiều món quà ý nghĩa cho người khuyết tật vào những ngày kỷ niệm, lễ, tết trong năm. Chị Huyền đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam, UBND tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh. Đặc biệt, đầu tháng 11 vừa qua, chị là một trong số những người khuyết tật tiêu biểu của tỉnh được dự hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ VI. 

Bà Nguyễn Thị Nữ, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh nhận xét: Chị Trần Thị Huyền là một người khuyết tật tiêu biểu, luôn nỗ lực vượt qua trở ngại, khó khăn. Những thành quả mà chị đạt được thật đáng trân trọng, góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ nói chung, phụ nữ khuyết tật nói riêng học tập và noi theo. Về phía Hội, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị để chăm lo, hỗ trợ, nâng cao đời sống cho người khuyết tật, tạo điều kiện để người khuyết tật phát huy khả năng của bản thân, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Thu Hoài

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày