Thứ 4, 12/02/2025, 11:24[GMT+7]

Anh Tài đam mê chăn nuôi

Thứ 3, 11/02/2025 | 21:23:50
158 lượt xem
Đam mê với chăn nuôi từ khi còn trẻ, anh Lê Chí Tài, thôn Sơn Trung, xã Bình Định (Kiến Xương) đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mô hình nuôi gà của anh Lê Chí Tài, xã Bình Định (Kiến Xương) cho hiệu quả kinh tế cao.

Ngay từ khi còn nhỏ, anh Tài đã quen với công việc chăn nuôi của gia đình. Càng tìm hiểu về công việc này, niềm đam mê của anh ngày càng lớn. Năm 2000, khi mới chỉ là chàng trai 16 tuổi, anh đã mạnh dạn thuyết phục bố mẹ vay mượn giúp 80 triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi vịt, gà trống. Với tuổi đời còn trẻ và số tiền đầu tư lớn, anh phải chịu không ít áp lực. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của gia đình, anh đã phát triển số lượng lên hơn 1.000 con. Sau 3 năm chăn nuôi, anh phải đối đầu với thử thách đầu tiên. 

“Năm 2003, dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát khiến gia đình tôi trở tay không kịp. Chỉ trong 1 tuần, cả đàn vịt, gà hơn 1.000 con lần lượt mắc bệnh và chết, thiệt hại số tiền rất lớn” - anh Tài chia sẻ. 

Sau “cú vấp” đầu tiên, anh Tài quyết định học nghề và làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống. Năm 2020, với số vốn tích lũy được, anh trở về quê và tiếp tục chăn nuôi. Bằng kinh nghiệm của mình và sự hỗ trợ của bạn bè, anh đầu tư khoảng 200 triệu đồng phát triển mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Hệ thống chuồng trại được xây dựng bảo đảm thoáng mát và nuôi gà trên đệm lót sinh học. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vệ sinh môi trường bảo đảm nên đàn gà của anh ít bị dịch bệnh, phát triển tốt. 

Anh Tài cho biết thêm: Tôi chủ yếu tận dụng rơm, rạ sau thu hoạch của bà con trong xã cùng với cỏ để làm đệm lót sinh học. Nhờ đó tôi đã giải quyết được vấn đề xử lý chất thải chăn nuôi, đồng thời giảm được thời gian vệ sinh chuồng trại, công lao động và chi phí đầu tư mỗi vụ chăn nuôi. Tôi cũng học hỏi kinh nghiệm đưa vào nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho gà. Hàng năm, tôi duy trì nuôi khoảng 600 con gà mía, gà H’Mông theo hình thức gối đàn, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. 

Hiện tại, anh Tài đã chuyển sang nuôi giống gà phượng đẻ trứng và liên kết với đơn vị phân phối sản phẩm tại Hải Phòng. Anh sử dụng chủ yếu bã đậu, cám gạo, cám ngô, không sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp để bảo đảm chất lượng trứng. Trứng gà phượng có màu đẹp, chất lượng dinh dưỡng tốt hơn nhiều và có giá trị cao. 

“Khi việc chăn nuôi thuận lợi, tôi sẽ chuyển giao kỹ thuật, giống cho các hộ trong xã để sản xuất; đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trứng gà cho bà con. Hy vọng thời gian tới các tổ chức, đơn vị, hội nông dân các cấp sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tôi về vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để mở rộng sản xuất” - anh Tài chia sẻ về dự định trong tương lai. 

Ông Nguyễn Tiến Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Định đánh giá: Mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của hội viên nông dân Lê Chí Tài mang lại hiệu quả kinh tế rất tốt. Từ mô hình này, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn học hỏi, ứng dụng vào chăn nuôi, không chỉ giúp cải thiện kinh tế mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, anh Tài cũng luôn chia sẻ, hỗ trợ nhiều hội viên nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ anh Tài phát triển và nhân rộng mô hình tại địa phương. 

Nguyễn Triệu 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày