Thứ 6, 22/11/2024, 10:01[GMT+7]

Người góp phần xây dựng nông thôn mới và làm giàu cho gia đình

Thứ 2, 11/11/2013 | 08:11:55
1,784 lượt xem
Tuy là xã thuần nông, dân nghèo, dù đồng thuận đóng góp nhưng không phải lúc nào người dân cũng có sẵn tiền, nên Vũ Lăng cũng phải có cách làm riêng. Chỉ cho tôi một người đàn ông dáng nhỏ bé đang vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ làm đường, người cán bộ xã giới thiệu đó là anh Lê Văn Sơn, thôn Thường Kiệt, một người sẵn lòng cung cấp nguyên vật liệu và nhận thanh toán sau.

Anh Sơn làm việc tại cửa hàng cơ khí.

Trong một lần về xã Vũ Lăng (Tiền Hải), tôi có hỏi về nguồn tiền để làm đường giao thông thôn, một cán bộ xã cho biết, cũng giống như các địa phương khác, đều từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, huyện, ngân sách xã và huy động nhân dân đóng góp, nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, xã thuần nông, dân nghèo, dù đồng thuận đóng góp nhưng không phải lúc nào người dân cũng có sẵn tiền, nên Vũ Lăng cũng phải có cách làm riêng. Chỉ cho tôi một người đàn ông dáng nhỏ bé đang vận chuyển vật liệu xây dựng phục vụ làm đường, người cán bộ xã giới thiệu đó là anh Lê Văn Sơn, thôn Thường Kiệt, một người sẵn lòng cung cấp nguyên vật liệu và nhận thanh toán sau.

Được hỏi chuyện, anh Sơn cho biết, đoạn đường này dài gần 2 km, tổng số tiền xi măng, cát, đá... anh cho thôn trả chậm gần 600 triệu đồng. Trước đó, vào tháng 4/2013, để xây dựng đoạn đường dài gần 900 m ra mả Bụt, anh cũng cho thôn có đường chạy qua nợ khoảng 350 triệu đồng, vừa rồi thôn đã thanh toán xong. Do quen biết, chủ hàng bán giá vừa phải, cho trả chậm nên nguyên vật liệu anh cung cấp cho thôn ngang giá thị trường và không tính lãi.

Ngoài ra, đầu năm 2013 anh còn đầu tư một máy trộn bê tông, thôn nào có nhu cầu phục vụ, anh cho thuê với giá 800.000 đồng/ngày hoặc 32.000 đồng/m3. Mời tôi về nhà riêng chơi, chỉ vào ngôi nhà kiểu dáng biệt thự, diện tích 100 m2 làm trên khuôn viên chừng trên 1 sào, anh Sơn tâm sự: Lấy vợ được 4 năm, năm 1988 mới xây được ngôi nhà này, cũng phải vay của Quỹ Tín dụng nhân dân xã 150 triệu đồng để còn có vốn làm ăn. Sau khi hai con đã trưởng thành đều có gia đình riêng, số nợ vẫn còn nguyên 150 triệu đồng. Thấy tôi có vẻ băn khoăn, anh Sơn giải thích, ngoài tài sản đắt tiền trong nhà, gia đình còn đầu tư sản xuất - kinh doanh nên  phải mua máy cày đa năng, ô tô tải và máy móc, trang thiết bị cho một cửa hiệu hàn xì, cơ khí. Khi Vũ Lăng thực hiện dồn điền đổi thửa xong, lúc đó chưa có chính sách hỗ trợ mà mua máy cày, máy gặt cần số tiền lớn không phải người nông dân nào cũng có thể đầu tư được.

Năm 2011, anh mạnh dạn đầu tư 140 triệu đồng mua một máy cày đa năng 28 mã lực. Là máy đầu tiên của xã nên năm đầu anh cày được 140 mẫu, năm 2012 được 86 mẫu. Năm 2012, trước khó khăn về thu gom rác thải của nhân dân, anh đề xuất với UBND xã mua xe ô tô giá 240 triệu đồng, mỗi bên góp vốn 50%. Xe do anh trực tiếp quản lý, tu sửa và đảm nhiệm chạy 1 tháng 8 ngày, một ngày 4 chuyến thu gom rác, thời gian còn lại anh tự khai thác để thu hồi vốn, còn nguồn thu tiền gom rác từ nhân dân (5,2 triệu đồng/tháng) do HTX Điện - Nước - Vệ sinh môi trường xã thu.

Tham quan cửa hàng cơ khí của anh Sơn mới thấy anh “bách nghệ”: máy tiện, máy hàn, máy bào, phục vụ làm đủ loại công việc cửa kính khung nhôm, mái tôn, cổng dậu, sửa chữa máy móc nông nghiệp... Và càng khâm phục hơn khi biết, vừa học xong cấp 2 thì mẹ mất, anh Sơn nghỉ học tự học nghề của một bác thợ cùng làng, 9 năm sau anh tách ra làm riêng, từ đó đến nay anh tự học là chính.

Bám đất quê hương làm giàu, góp phần thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh môi trường trong tiến trình quê hương xây dựng nông thôn mới, anh Sơn xứng đáng là tấm gương để nhiều người, nhất là các bạn trẻ sắp bước vào con đường lập nghiệp học tập, làm theo.

Phan Anh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày