Thứ 6, 22/11/2024, 10:08[GMT+7]

“Ông Cần mía tím”

Thứ 4, 20/11/2013 | 08:49:59
4,581 lượt xem
Nhờ mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển đổi những chân ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang trồng mía tím, gia đình ông Nguyễn Văn Cần, thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên (Kiến Xương) sau nhiều năm vất vả đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu với thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm. Cũng nhờ cây mía tím vừa ngọt, vừa thơm được bán tại nhiều xã lân cận đã giúp ông Nguyễn Văn Cần có thêm một cái tên mới: “Ông Cần mía tím”.

Ông Nguyễn Văn Cần bên ruộng mía chuẩn bị cho thu hoạch.

Đã gần “thất thập”, tuổi mà nhiều người nghỉ ngơi, sum vầy bên con cháu thì ông Nguyễn Văn Cần vẫn ham mê làm giàu cho gia đình. Trong căn nhà khang trang, ông Cần kể:  Sau khi trở về từ quân ngũ, năm 1972, ông xây dựng gia đình và bắt đầu lập nghiệp. Hai vợ chồng cấy 1,4 mẫu ruộng kết hợp chăn nuôi, buôn bán… Dù làm lụng vất vả nhưng cũng chỉ đủ ăn. Ông trăn trở vì nếu chỉ dựa vào diện tích đất canh tác và độc canh cây lúa thì không biết đến bao giờ mới khá lên được.

Năm 2003, ông mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như: cam, chanh, táo… tuy nhiên hiệu quả kinh tế không cao. Không cam chịu, ông tiếp tục tìm hiểu qua những người bạn và “khăn gói” lên Hòa Bình và một số tỉnh lân cận học kỹ thuật trồng mía. Năm 2009, ông quyết định bỏ cây ăn quả sang trồng mía tím. Ban đầu, để bảo đảm đầu ra ông trồng khoảng 3 - 4 sào. Sau vài năm canh tác, nhận thấy lợi nhuận từ cây mía cao ông mở rộng diện tích lên 5 sào rồi 9 sào.

Sau 5 năm trồng mía, với kinh nghiệm của bản thân và sự học hỏi từ những người bạn nên năng suất và chất lượng mía của gia đình ông vụ sau luôn cao hơn vụ trước. Khi được hỏi về kỹ thuật trồng mía, ông Cần vui vẻ nói: Mía thường ưa trồng ở những chân ruộng cao, đất cát pha sẽ cho những cây mía ngọt mát và mềm. Trồng mía quan trọng nhất là khâu chọn giống: ngọn phải to, khỏe mạnh, mắt mía dày thì mới tốt. Trước khi trồng cần ngâm ngọn xuống nước để diệt trừ mầm bệnh.

Thời vụ trồng mía từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Mía được 8 tháng là bắt đầu cho thu hoạch. Với gia đình ông, mía tím được gối vụ liên tục để cho thu hoạch quanh năm. Chi phí chăm sóc và thuốc bảo vệ thực vật thấp, mỗi vụ chỉ cần bón 3 - 4 lần đạm và phân tổng hợp, phun 3 lượt thuốc trừ sâu. Chỉ vào vườn mía đang thu hoạch, ông Cần nói tiếp: “Mía là loại cây rất lành, có tính giải nhiệt, được ưa chuộng và có thể sử dụng quanh năm. Vụ mía năm nay có chất lượng tốt: cây mía dóng to, đốt dài, màu tím thẫm, ít sâu nên dễ tiêu thụ, bán được giá. Hiện tại, gia đình tôi duy trì 9 sào, mỗi sào cho thu khoảng 2.500 - 3.000 cây, với giá bán khoảng 10 - 15.000 đồng/cây, trừ chi phí cho thu nhập trên 250 triệu đồng, cao hơn so với năm 2012.

Ông Nguyễn Đỗ Nhuận, Trưởng thôn An Chỉ nói: Ông Cần là người chăm chỉ, năng động trong sản xuất. Ông là người tiên phong đưa giống cây có năng suất và hiệu quả về địa phương. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông luôn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ về giống và kỹ thuật cho bà con trong thôn, xã. Hiện trong thôn đã có một số gia đình học tập kinh nghiệm trồng mía tím, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao và nhiều triển vọng. Sắp tới, nhằm nâng cao giá trị của cây mía, ông Cần dự định xây dựng thương hiệu cho cây mía tím của địa phương. Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu cần có nhiều hơn nữa những mô hình thành công và bền vững từ cây mía tím, không chỉ của riêng gia đình ông Cần, mà của bà con trong thôn, trong xã và trong huyện.

Bích Liễu

  • Từ khóa

Dothihoa - 7 năm trước

Tôi rất cần mía. Ông có thể gửi đến thái bình thôn 2 xã vũ quý

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày