Thứ 6, 22/11/2024, 10:35[GMT+7]

Người thanh niên công giáo Làm giàu theo lời Bác dạy

Thứ 4, 27/11/2013 | 08:27:59
1,517 lượt xem
Lập nghiệp trên mảnh đất Nam Cường (Tiền Hải) nơi Bác Hồ khi về thăm đã dạy: “Muốn ăn quả phải trồng cây”, khởi nghiệp gần như ở con số không, chàng trai Trương Văn Trị luôn tâm niệm lời Bác dạy, chẳng có việc gì khó, cần nhất là niềm tin, quyết tâm, hăng say làm việc, không ngừng mơ ước. Từ khu đầm bãi hoang sơ, lều tranh hút gió, nền đất lạnh giữa cánh đồng, nay đã là trụ sở khang trang của Công ty TNHH Hải Long mà Trị làm giám đốc.

Khách từ các nước Nga, Singapore, Lào... tham quan trang trại ươm nuôi cá vược của anh Trương Văn Trị.

Duyên nghề

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc giáo có 4 anh em tại xã Nam Chính (Tiền Hải), ông nội, cha cùng các chú trong họ đều theo nghề đi biển. Học xong THPT, Trương Văn Trị đăng ký thi vào hệ trung cấp của Trường Trung cấp Thủy sản Từ Sơn, Bắc Ninh. Trong lịch sử 20 năm Trường Trung cấp Thủy sản, Trị trở thành học sinh đầu tiên được kết nạp Đảng tại trường. Sau khi tốt nghiệp, Trị được giữ lại làm ở trại thực nghiệm của trường. Những tưởng đã “An cư lạc nghiệp” nhưng đau đáu mơ ước góp một phần công sức nhỏ bé cho quê nhà, năm 2004 Trị quyết định trở về địa phương. Trò chuyện với Trị, cảm nhận ngay anh có tố chất mà một giám đốc doanh nghiệp cần có: “mạo hiểm trong sự tính toán”.  Mạo hiểm đầu tiên, từ hai bàn tay trắng, đòi biến những vùng đất hoang hóa, vùng đất mà nhiều người chỉ quen nuôi thả thủy sản quảng canh sang thâm canh - một việc làm mà ai cũng bảo là không thể.

Mạo hiểm thứ hai, cá vược mà Trị chọn nuôi chuyên sống nước mặn, chưa ai và chưa có tài liệu nào nói nuôi được ở nước ngọt. Còn nói về tính toán, với số vốn 4 triệu đồng vay  từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tiền Hải, anh đấu thầu gần 1ha đất bãi bồi vùng cấy lúa kém hiệu quả, ven sông Kiến Giang (xã Nam Cường). Khi đào đầm, ngoài số đất dùng để tôn tạo, đắp bờ, lượng đất sét còn dư, anh bán cho Công ty Xây lắp huyện Tiền Hải để sản xuất gạch, dùng tiền để tu sửa, gia cố bờ bao xung quanh. Nói về tại sao chọn cá vược là con vật nuôi chính, Trị tâm sự, khi mới khoảng 10 tuổi, Trị bắt thả cá vược vào chậu nước ngọt, mãi lâu sau cá mới chết. Khi làm việc ở Cát Bà (Hải Phòng), lúc rỗi, Trị sang trại nhân giống cá vược nên hiểu sơ qua về nó. Mặt khác, địa phương cũng có nhiều người làm cá giống rồi, muốn thành công thì phải tạo ra sự khác biệt và phải là người tiên phong mở đường. Vì thế nên Trị đã mạnh dạn thử nghiệm, quyết tìm ra quy trình thuần hóa loài cá này nuôi trong nước ngọt.

Sức vươn của người đảng viên trẻ

Chúng tôi từng có dịp cùng các đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Namon> đưa đoàn nhà báo Nga tham quan trang trại nuôi cá vược của Công ty Hải Long. Các nhà báo nước bạn đều tỏ vẻ khâm phục, khi Trị cho biết, cả quy trình thuần hóa mất 24 tiếng - 36 tiếng để cá có thể đưa về nước ngọt. Quen biết Trị đã lâu, tôi hiểu để thời gian thuần hóa ngắn như vậy là gần 2 năm trời Trị mệt bã trong muôn vàn khó khăn. Hai vợ chồng phải sống trong lều tranh, vách đất, giữa cánh đồng, làm cả công việc của “chủ” và “tớ”.

Từ mùa xuân 2004 đến mùa xuân 2005, Trị qua 6 lần thử nghiệm nuôi cá vược nước ngọt nhưng lần nào cũng lỗ. Muốn có  tiền mua giống thử nghiệm phải chạy vạy vay mượn khắp nơi, cầm cố cả mấy chỉ vàng nhẫn cưới, mà vay cũng khó khi mấy người tin vào dự án của Trị. Không nản chí, Trị lại tiếp tục nhập cá giống và số phận đã mỉm cười với anh khi tỷ lệ cá vược sống đạt 40%, cho lãi chút đỉnh. Qua hơn 20 lần thử, vừa làm vừa rút kinh nghiệm về quá trình thả cá và tỷ lệ nước ngọt theo phần trăm, cuối năm 2006, kết quả tỷ lệ con sống tới trên 80% và từ năm 2008 tăng lên quá sức tưởng tượng: 90%. Cũng từ đây, Công ty TNHH Hải Long do Trương Văn Trị làm giám đốc ra đời với tâm niệm xây dựng thương hiệu cá vược Hải Long.

Về Công ty Hải Long lần này, vẫn vóc người nhỏ bé, nụ cười cởi mở dễ mến, giám đốc Trương Văn Trị tiếp chúng tôi tại trụ sở khang trang. Tại phòng khách, treo rất nhiều phần thưởng mà Trị được tặng, khen như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của 2008, Sao Thần Nông, Cúp Tài năng trẻ Việt Nam, giải ba Hội thi Sáng tạo KHKT Thái Bình. Trị cũng phấn khởi cho biết, vừa học vừa làm, anh đã tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.

Trong năm 2013, mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn song Công ty vẫn đạt doanh thu gần 20 tỷ đồng, lãi  trên 4,5 tỷ đồng,  tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, trong đó có 8 kỹ sư, 2 cử nhân với mức thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, xuất thân từ trong nghèo khó nên Trị rất hiểu và sẵn lòng giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo. Cùng với tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, anh vẫn tiếp tục tìm cách cải tiến quy trình thuần hóa, nuôi giản tiện hơn để nâng cao hiệu quả kinh tế trong nuôi cá vược. Các phong trào làm từ thiện, xây dựng nông thôn mới, quỹ khuyến học... cũng được anh và Công ty tham gia nhiệt tình.

Bước sang tuổi 33, từ một thanh niên nghèo theo đạo Thiên chúa, với tinh thần ham mê học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Trương Văn Trị đã trở thành một chủ doanh nghiệp có tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng. Với anh, chúng tôi hiểu thành công vẫn còn đang chờ ở phía trước.

 Phan Anh 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày