Chủ nhật, 24/11/2024, 22:19[GMT+7]

Người thổi hồn vào tre Việt

Thứ 4, 27/11/2013 | 16:31:09
1,986 lượt xem
Về xã An Vinh (Quỳnh Phụ) hỏi thăm nhà anh Bùi Văn Hảo dễ lắm. Mọi người tận tình chỉ tận cổng nhà anh - người được mệnh danh là “Vua chuồn chuồn” quê lúa, người thổi hồn vào mỗi khúc tre Việt.

Anh Hảo và người chị gái bên những sản phẩm chuồn chuồn tre đã hoàn thiện.

 

Vượt lên số phận

 

Cái tên “Hảo khèo”, “Hảo chuồn chuồn” là những biệt danh hóm hỉnh mà người dân gán cho anh Bùi Văn Hảo, sinh năm 1960, thôn An Lạc 2, xã An Vinh. Cũng chính những cái tên ấy đã nói lên một tấm gương vượt lên số phận trở thành người có ích cho xã hội của một người có hoàn cảnh bất hạnh. Bùi Văn Hảo sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, tuổi thơ của anh cũng có bao hoài bão như chúng bạn cùng trang lứa. Thế nhưng năm 13 tuổi, giấc mơ đèn sách của Hảo đành gác lại vì bệnh tật. Anh Hảo tâm sự: “Năm học lớp 8, một lần bị ốm, nhà nghèo không kịp chạy chữa nên hậu quả là tôi bị liệt hai chân. Sau đó dù gia đình cố gắng chạy chữa, tôi đi được một thời gian nhưng rồi chân cứ ngày một  teo tóp. Người ta bảo tôi bị viêm đa khớp dạng thấp”.

 

Cho tới năm 18 tuổi, cuộc đời Bùi Văn Hảo gắn với chiếc xe lăn. Ðôi chân anh co quắp không cử động được, đôi tay cũng chỉ gượng gạo, không giơ nổi qua mặt, chiếc cổ như bị cố định không còn xoay được nữa. Toàn thân co rúm lại đau đớn. Suốt những năm tháng ấy, anh Hảo sống trong sự bế tắc. Anh chia sẻ: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến cái chết, nhìn mọi người được làm việc, được đi trên đôi chân của mình trong khi mình đến việc chải đầu còn không thể. Dần dần tôi lấy lại được tinh thần, phải tìm một việc gì đó làm cho dù chỉ có đôi tay là còn hoạt động theo ý mình”.

 

Anh bắt đầu tìm đến những việc đơn giản như chẻ tăm, vót đũa để chị gái đem bán ngoài chợ. Tuy thu nhập không đáng là bao nhưng với những người như anh đó là niềm an ủi, niềm động viên anh vượt lên số phận, sống hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh việc chẻ tăm, vót đũa, Bùi Văn Hảo còn tranh thủ lúc rảnh vẽ tranh cho các em thiếu nhi. Có lẽ, những điều thiệt thòi trong cuộc sống đã được bù đắp xứng đáng khi anh chọn cho mình công việc phù hợp là thổi hồn vào những khúc tre để tạo ra những con chuồn chuồn tre.

 

Và cái tên “Hảo chuồn chuồn”

 

Năm 2008, Tổ chức “Mái nhà Việt Namon>” (tổ chức phi chính phủ Nhật Bản hoạt động giúp đỡ người khuyết tật) đã về Thái Bình dạy nghề trong vòng 2 tháng cho người khuyết tật làm chuồn chuồn tre. Biết được thông tin ấy, anh Hảo nhờ người bạn trong thôn đưa lên Thành phố Thái Bình đăng ký lớp học. Anh Hảo tâm sự: “Thời gian ấy tôi đi học thất thường lắm. Nhà ở xa, cách Thành phố gần 20 km, mỗi tuần tôi chỉ đến học 2 – 3 buổi. Nhưng ngay từ khi nhìn thấy con chuồn chuồn tre, tôi đã mê mẩn vì vẻ đẹp của nó và tỷ mẩn làm thử. Làm đi làm lại đến cả tháng mới thành công”.

 

Bắt đầu từ đây, anh Hảo thấy yêu cuộc sống này hơn như yêu những chú chuồn chuồn tre do chính đôi bàn tay khéo léo của mình tạo ra. Những con chuồn chuồn nhỏ bé được chế tác khéo léo tỷ mỷ tới từng chi tiết qua 8 công đoạn đã tạo cho nó một giá trị nghệ thuật thực sự tinh tế mà vô cùng giản dị, gần gũi. Những khúc tre thô mộc qua đôi bàn tay tài hoa, bộ óc tinh tế của người “nghệ sĩ khuyết tật” Bùi Văn Hảo đã trở lên có hồn. Tự hào hơn, những con chuồn chuồn tre ấy được đóng thùng xuất sang đất nước Nhật Bản. “Mỗi ngày tôi làm được 4 con chuồn chuồn tre hoàn chỉnh. Cuối tháng, có người tới đưa nguyên liệu và lấy hàng đi. Họ đưa mẫu cho mình tham khảo nhưng mình phải làm đẹp hơn của họ mới là điều quan trọng. Tôi tự sáng tạo ra các mẫu mới để phù hợp với từng sở thích. Người Nhật họ thích đẹp và có hồn chứ không thích màu sắc. Anh Hảo chia sẻ thêm.

 

Nhìn dáng người anh nhỏ thó, xiêu vẹo, mái tóc điểm bạc trước tuổi. Thu nhập từ nghề làm chuồn chuồn tre từ 2 – 2,5 triệu đồng/tháng, đủ cho anh sinh hoạt và thuốc thang. Ðằng sau cuộc sống của người đàn ông bại liệt nghị lực là bóng dáng người phụ nữ cam chịu. Ðó là người chị gái đã khước từ hạnh phúc riêng tư ở lại chăm sóc cho em trai mình. Cuộc sống của hai con người bất hạnh nhưng luôn có những niềm vui tình ruột thịt dựa vào nhau để sống. Bà Bùi Thị Hiền, chị gái của anh Hảo tâm sự: Nhà đông anh em nhưng mỗi người một nơi. Người ở Ðiện Biên, người ở Thái Nguyên, Tây Nguyên… Có mình tôi và chú ấy ở nhà. Tôi mà đi lấy chồng thì chú ấy biết dựa vào ai. Ở cái tuổi 64, bà vẫn ngày ngày lo việc đồng áng, lo cho em trai hai bữa cơm dẻo canh ngọt. Mỗi lần nhìn em đau đớn, bà không thể kìm nước mắt. Nhưng biết làm sao khi số phận đã như vậy, lo cho em được ngày nào là bà vẫn tìm thấy niềm vui ngày ấy.

 

Với anh Bùi Văn Hảo, niềm vui nho nhỏ mỗi ngày là làm ra những chú chuồn chuồn tre thật đẹp đẽ, anh cho đi sự cần mẫn và nghệ thuật để nhận lại những nụ cười và lời khen. Anh chỉ mong làm được nhiều chuồn chuồn tre, bán được nhiều hơn nữa để trích ra một chút công sức đó hỗ trợ các trẻ em nghèo khuyết tật có chung hoàn cảnh. Mỗi con chuồn chuồn tre “sinh” ra đã mang theo một ước mơ nhỏ bé cho những người khuyết tật.

Tất Đạt

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày