Thứ 3, 23/07/2024, 07:34[GMT+7]

Lặng thầm làm đẹp cho đời

Thứ 3, 03/12/2013 | 09:03:01
2,193 lượt xem
Dù trời mưa hay trời nắng, dù cho đêm đông lạnh buốt hay những buổi trưa nắng cháy, những người lao công vẫn nhịp nhàng, cần mẫn từng đường chổi tre để giữ phố phường luôn sạch đẹp. Mong rằng xã hội sẽ ngày càng đồng cảm, chia sẻ, trân trọng hơn nghề của các chị để thanh âm của tiếng chổi tre không bao giờ tắt.

Dù sáng sớm hay đêm khuya, chị Đỗ Thị Nương vẫn cần mẫn với công việc của mình.

 Mới 2 giờ sáng, chị Đỗ Thị Nương, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường và công trình đô thị đã thức dậy chuẩn bị cho ca làm việc của mình. 2 giờ 30 phút, khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ, chị lặng lẽ đẩy xe chở rác ra đoạn đường mình phụ trách. Đường vắng tanh, không một bóng người, chỉ có ánh điện đường, cái chổi, cái xẻng làm bạn, chị thoăn thoắt, cần mẫn lia chổi quét, hót từng đống rác hai bên đường.

 

Chị Nương cho biết, nhóm chị có 3 người, phụ trách đoạn đường dài gần 3 km, đi qua chợ Đề Thám, chợ Bo và một chợ cóc với lượng rác hàng ngày "khổng lồ". Mỗi ca, chị phải thu khoảng 3 - 4 xe rác, những hôm mưa gió hay ngày lễ, tết lượng rác tăng lên gấp 4 - 5 lần. Một ngày lao động của chị bắt đầu từ 3 giờ sáng, sau khi quét xong đoạn đường mình phụ trách cũng là lúc đồng hồ điểm 7 giờ sáng. Khi người xe nườm nượp trên đường cũng là lúc chị lặng lẽ thu dọn “đồ nghề”, đẩy xe về, tranh thủ nghỉ ngơi, làm việc nhà. 12 giờ 30 chị lại “lên đường” đi thu gom rác thải ở phường Đề Thám đến 13 giờ 30 để có thêm chút thu nhập ít ỏi cho gia đình. 18 giờ, chị lại tiếp tục vào ca 3 cho đến tận 22 giờ đêm mới được về nghỉ.

 

Ở tuổi 52, 25 năm gắn bó với nghề, chưa một ngày chị Nương nghỉ ngơi bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền của cả gia đình luôn đè nặng trên vai. Chồng chị là lao động tự do thu nhập không ổn định nên mọi chi tiêu của cả gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương hơn 4 triệu đồng/tháng và 1 triệu đồng từ việc chị tranh thủ buổi trưa đi thu gom rác ở phường Đề Thám. Nuôi một con đang học năm cuối đại học và một con đang học lớp 12, gia đình chị hiện vẫn ở nhờ tập thể Công ty, cuộc sống còn không ít khó khăn.

 

Chị Nương tâm sự: “Nhiều hôm mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhìn đống rác ngồn ngộn chỉ muốn bỏ nghề. Nhưng nghĩ đến hai đứa con đang tuổi ăn học, nếu bỏ việc thì lấy tiền đâu lo cho chúng đến trường thế là lại cố, lại cố gắng bám trụ cho đến ngày hôm nay". Chị cũng bày tỏ lòng biết ơn Công đoàn Công ty đã luôn chia sẻ, động viên chị em vượt qua khó khăn, tổ chức cho chị em được khám sức khỏe định kỳ.

 

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Môi trường và công trình đô thị thu vớt bèo bồng trên sông Vĩnh Trà. Ảnh: Thành Tâm

 

Trong 5 năm gần đây, ngoài các chế độ chính sách về tiền lương, tiền phụ cấp ăn giữa ca, tiền độc hại, trang cấp bảo hộ lao động… được thực hiện đầy đủ, kịp thời, Công đoàn Công ty còn quan tâm tổ chức và tặng quà sinh nhật cho chị em. Hàng năm, tổ chức cho chị em đi tham quan, bồi dưỡng tại chỗ, thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, hỗ trợ mỗi khi chị em ốm đau, gia đình gặp khó khăn. Công đoàn Công ty đã thực sự trở thành điểm tựa giúp chị Nương và các đồng nghiệp vượt qua khó khăn, yên tâm, gắn bó với công việc.

 

Chị Phạm Thị Mi, Trưởng ban Nữ công Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường và công trình đô thị cho biết: Công ty còn có rất nhiều chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như chị Xuân lấy chồng 3, 4 năm mới sinh được một con trai nhưng không may cháu lại bị bệnh máu trắng. Cứ mỗi tháng một lần, mỗi lần ít cũng 3 - 4 ngày, nhiều thì 5 - 7 ngày, vợ chồng chị lại phải đưa đứa con mới hơn 1 tuổi lên Hà Nội điều trị. Đi lại, thuốc thang cho con tốn kém, chị còn phải nghỉ việc để đưa con đi chữa bệnh và chăm sóc mẹ già bệnh tật nên gia đình bé nhỏ của chị khó khăn chồng chất. Trường hợp chị Hòa có hai con còn nhỏ, chồng bị nhiễm chất độc da cam, sức khỏe yếu nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều dồn lên đôi vai chị…

 

Có nghe, có thấy hoàn cảnh của các chị mới thấu hiểu vì sao cái nghề vất vả là thế mà chị em vẫn cố gắng “bám nghề”. Mỗi người lao công có một lý do, nhưng phần lớn họ bám trụ với nghề cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn có một việc làm với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống. Có lẽ bởi cuộc sống quá cực nhọc nên những người làm nghề quét rác đều có chung mơ ước là con cái của mình sau này có cuộc sống tốt hơn. Với mỗi người lao động bình dị như chị Nương, chị Hòa, như thế là đủ, là hạnh phúc lắm rồi.

 

Nghề quét rác gắn liền với đường phố, bụi bẩn, nắng mưa, gió rét. Dù trời mưa hay trời nắng, vẫn chiếc nón và bộ quần áo đặc thù, đôi tay người lao công vẫn thoăn thoắt hót từng bãi rác trên đường. Không chỉ có vậy, nghề quét rác của các chị còn gặp phải không ít sự cố nguy hiểm đến bản thân. Nhớ lại khi mới vào nghề, đêm hôm khuya khoắt thân gái một mình, chị Nương không khỏi rùng mình. Có lần chị gặp người say rượu đẩy xe rác đi mất mà không dám nói gì và cũng không biết kêu ai giúp mình. Bây giờ, chị vẫn sợ nhất những tay đua xe, đánh võng trên đường và những kẻ say rượu trêu ghẹo phụ nữ.

 

Như những con ong chăm chỉ làm việc, làm đẹp cho đời, làm đẹp cho thành phố, dù trời mưa hay trời nắng, dù cho đêm đông lạnh buốt hay những buổi trưa nắng cháy da người, những người lao công vẫn nhịp nhàng, cần mẫn từng đường chổi tre để giữ phố phường luôn sạch đẹp. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày thành phố vắng bóng những người công nhân quét rác sẽ ra sao? Mong rằng xã hội sẽ ngày càng đồng cảm, chia sẻ, trân trọng hơn nghề của các chị để thanh âm của tiếng chổi tre không bao giờ tắt, để mỗi sớm mai, những con đường vẫn sáng đẹp đón bước chân mọi người.

Mai Thư

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày