Thứ 5, 26/12/2024, 22:50[GMT+7]

Chuyện những nữ tu đồng hành cùng bệnh nhân phong

Thứ 6, 20/12/2013 | 16:09:15
1,701 lượt xem
Cách thành phố Thái Bình 13 km về phía Nam, Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn nằm trên mảnh đất bồi ngoài đê sông Hồng thuộc địa phận xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư. Nơi đây có những nữ tu ngày ngày vẫn đồng hành, sưởi ấm trái tim bệnh nhân phong bằng những việc làm có ý nghĩa thiết thực.

Xơ Na thuộc Dòng Ða Minh Thái Bình là áo giúp bệnh nhân Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn.

 

Chúng tôi đến Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn vào một chiều đầu đông khi cái nắng ấm áp đang cố đẩy lui cái lạnh của đợt rét đầu tiên. Tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn cho biết: Hiện tại Bệnh viện có hơn 500 bệnh nhân phong, trong đó điều trị nội trú gần 300 bệnh nhân nặng mù mắt, cụt tay chân, thân hình biến dạng, không thể đi lại được và điều trị ngoại trú hơn 200 người. Các bệnh nhân nặng ở đây chủ yếu có tuổi đời từ 50 – 90 tuổi, sống đơn thân.

 

7 năm qua, cùng với cán bộ, nhân viên, y bác sĩ của Bệnh viện, các xơ Dòng nữ Ðaminh Thái Bình và Dòng Mân Côi Bùi Chu thường xuyên giúp đỡ  các bệnh nhân phong cả vật chất lẫn tinh thần. Nhà Dòng của Dòng nữ Ðaminh Thái Bình thuộc xã Ðông Hòa, Thành phố Thái Bình; bên cạnh sứ vụ chủ yếu là nuôi dạy trẻ, giáo dục đức tin và văn hóa cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng; việc từ thiện giúp những người không may mắn cũng được đặc biệt quan tâm.

 

Xơ Diên thuộc Dòng Ða Minh Thái Bình làm quai dép mới cho bệnh nhân phong.

 

Nhà Dòng thường xuyên phân công 2 nữ tu luân phiên đến Bệnh viện; ban ngày các xơ đóng mới, sửa giày dép; là, chữa quần áo giúp bệnh nhân; buổi tối tại nhà thờ Thái Sa (cách Bệnh viện hơn 1km), các xơ dạy giáo lý, dạy giáo dân tập hát. Nhà Dòng của Dòng Mân Côi Bùi Chu ở Xuân Trường, Nam Ðịnh nhưng nhập giáo phận tại Thái Bình từ năm 2007. Hiện nay có hai nữ tu của Dòng thường xuyên qua lại Bệnh viện nấu cháo ăn sáng, mua quà bánh, tắm giặt, châm cứu giảm đau giúp bệnh nhân. Những việc làm có tính nhân văn cao cả của các xơ thuộc 2 dòng tu đã phần nào làm vơi bớt đi nỗi đau âm ỉ về thể xác, sự trống trải trong tâm hồn các bệnh nhân nơi đây.

 

Trong ngôi nhà cấp 4 chưa đầy 3 gian nằm trong khuôn viên Bệnh viện,  một không gian hiện ra với những miếng cao su làm đế, quai giày dép, đồ đạc trong nhà là những chiếc máy mài, máy khâu, bàn là, tủ 8 ngăn, mỗi ngăn đề tên 1 huyện, thành phố đựng giày dép đủ loại to nhỏ, mùi cao su, mùi keo dán lan tỏa; anh Sáng – nhân viên Bệnh viện đang cùng xơ Diên đóng mới giày dép và xơ Na bên chiếc máy khâu cẩn thận sửa chiếc áo cũ cho các bệnh nhân Bệnh viện. Xơ Diên, xơ Na đều thuộc Dòng nữ Ðaminh Thái Bình. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi tiếp xúc với 2 nữ tu này là những vị xơ còn khá trẻ, tận tình với công việc và rất ít kể về mình.

 

Làng Phong Văn Môn thuộc Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn.

 

Phải khó khăn lắm tôi mới được các xơ thổ lộ chút ít về những công việc các xơ thường làm giúp các bệnh nhân phong. Với chiếc kéo trên tay cắt miếng cao su làm quai cho chiếc dép mới, Xơ Diên nhẹ nhàng tâm sự: Mỗi bệnh nhân phong có một đôi bàn chân khác nhau, chẳng ai giống ai, người thì mất một vài ngón, người thì chẳng còn ngón nào, nhiều bệnh nhân bàn chân trái khác xa so với bàn chân phải nên khi đóng mới giày dép phải gặp từng cụ để đo kích thước, vẽ mẫu bàn chân sau đó mới bắt đầu làm. Tất cả các khâu đều làm thủ công nên trung bình đóng một đôi mất khoảng gần 2 ngày, thường đi được trong vòng từ 4 – 6 tháng. Với hơn 200 bệnh nhân ở dưới huyện, 1 năm 2 lần, các xơ thường đến từng nhà để đo kích cỡ bàn chân, đóng rồi chuyển đến cho từng người; những cụ cô đơn, hoàn cảnh khó khăn, ốm đau các xơ sẽ đến hỏi thăm, động viên, giúp đỡ về vật chất.

 

Một bà lão độ 70 tuổi, bàn tay phải bị mất mấy đốt cầm túi quần áo cũ bước vào căn phòng trong lúc câu chuyện giữa tôi và xơ Diên đang dang dở. Bà lão cho biết đây là quần áo từ thiện của một tổ chức xã hội mới cho, bà mang đến nhờ các xơ sửa giúp. Chứng kiến sự ân cần của các xơ trong việc nhận áo sửa, dặn dò bà lão ngày đến lấy, quan sát cách là áo của xơ Na, tôi phần nào hiểu được: “Hạnh phúc với các nữ tu trẻ này đơn giản là giúp các bệnh nhân phong bớt đi khó khăn trong cuộc sống,  nguôi ngoai phần nào những tổn thương trong tâm hồn”.

 

Ðến nhà thờ Dòng Mân Côi Bùi Chu tại làng phong Văn Môn gặp xơ Hòa, xơ Tuyết – 2 nữ tu hàng tuần thường nấu cháo, mua quà bánh, tắm giặt cho các bệnh nhân trong Bệnh viện. Xơ Hòa cho biết: “Nguồn kinh phí để nấu cháo, mua quà cho các cụ ở Bệnh viện do các đơn vị từ thiện quyên góp giúp đỡ, các xơ chỉ bằng cái tâm đồng hành cùng các bệnh nhân. Bệnh phong là bệnh khó lây và có khả năng chữa khỏi, gắn bó với làng phong gần 7 năm, nếu như có mắc bệnh thì đó cũng là cơ hội để thêm đồng cảm, sẻ chia với các bệnh nhân nơi đây”. Câu nói của xơ Hòa thực sự khiến tôi cảm phục. Mặc dù đã có thuốc chữa, bệnh phong vẫn là một căn bệnh bị xã hội kỳ thị. Rất nhiều bệnh nhân phong phải sống trong sự khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, những việc làm có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc của các vị xơ Dòng nữ Ðaminh Thái Bình và Dòng Mân Côi Bùi Chu đối với các bệnh nhân Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn nói riêng và bệnh nhân phong trong tỉnh nói chung giống như “nắng mùa đông” làm “ấm lên” những tâm hồn vốn đã nguội lạnh với cuộc sống.

 

Xin được gửi lời của cụ Chiêu, một cụ già quê gốc ở Nam Ðịnh, đã ngoài tuổi bát thập, có hơn nửa cuộc đời sống tại đây làm cái kết cho bài viết này: “Các xơ ở đây tốt lắm, nhờ giúp gì các xơ đều giúp hết. Thực sự chúng tôi biết ơn các xơ nhiều lắm!”.

Vũ Hường

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày