Thứ 6, 22/11/2024, 04:33[GMT+7]

Chị Phạm Thị Tam - Học Bác làm cán bộ hội giỏi

Thứ 2, 27/01/2014 | 14:18:31
1,173 lượt xem
Hơn 12 năm qua, chị Phạm Thị Tam, thôn Đông Khê, xã Đông Cường (Đông Hưng) không chỉ liên tục đạt danh hiệu cán bộ hội phụ nữ cơ sở giỏi, phụ nữ làm kinh tế giỏi mà còn được Ban Dân vận Huyện ủy khen thưởng vì thành tích “Dân vận khéo”. Tích cực học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người phụ nữ công giáo nhỏ nhắn, xinh xắn này đã gặt hái được nhiều thành công.

Chị Tam tranh thủ thời gian chăm sóc đàn lợn thịt.

Thôn Đông Khê là thôn công giáo toàn tòng, đây chính là khó khăn, thách thức đặt ra cho Chi trưởng Chi hội Phụ nữ Phạm Thị Tam trong việc thu hút chị em vào sinh hoạt hội, bởi đa số phụ nữ công giáo ngại tham gia vào tổ chức hội, không tích cực hưởng ứng các phong trào của địa phương.

Thực tế là năm 2001, khi chị Tam được giao giữ chức Chi trưởng, Chi hội phụ nữ thôn Đông Khê không có một hội viên nào. Trước khi nhận nhiệm vụ khó khăn mà rất nhiều người không dám nhận, chị Tam đã nhiều lần tự hỏi “làm cán bộ Hội giỏi khó hay dễ?” rồi tự trả lời “rất khó” song lại tự nhủ “thấy khó mà không làm là không được, phải biến khó thành dễ” và chị cho rằng cách duy nhất để làm được điều đó là không ngừng học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Suốt hơn 12 năm qua, chị học ở Bác đức hy sinh, lòng chân thành, cởi mở, gần gũi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chị em, sẵn sàng giúp đỡ chị em cả về vật chất, tinh thần, đặc biệt là học Bác làm dân vận khéo. Chị đến từng nhà vận động, thuyết phục chị em tham gia sinh hoạt hội, tham gia các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực với phụ nữ và trẻ em như học chuyên đề phổ biến pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập huấn chuyển giao KHKT; tranh thủ các nguồn vốn tạo điều kiện cho chị em vay phát triển kinh tế, nuôi con ăn học, sẻ chia kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc. Chị Tam tâm sự: “Những năm đầu chưa xây dựng được quỹ hội, mỗi lần tổ chức sinh hoạt tôi tự bỏ tiền mua chè đun nước, mua bánh kẹo về cho chị em liên hoan, mua quà tặng những chị em tích cực tham gia phong trào của hội, những chị em có hoàn cảnh khó khăn để động viên, khuyến khích, tạo niềm tin của chị em vào tổ chức hội”.

Đối với bản thân, chị học Bác tinh thần trách nhiệm, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Trong tất cả mọi hoạt động chị đều gương mẫu đi đầu, nỗ lực làm tròn nhiệm vụ cấp trên giao, đặt lợi ích của tập thể, của hội viên lên trên. Đến nay, chị Tam đã vận động được 93 chị tham gia sinh hoạt hội, trong đó có 91 hội viên công giáo (đạt tỷ lệ thu hút 98%), đặc biệt là Hội Kim Nhạc có 26 chị, cả 26 chị đều nhiệt tình tham gia sinh hoạt hội, trở thành những hội viên tích cực nhất trong phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn, của xã.

Chị cũng vận động được 16 chị thực hành tiết kiệm theo gương Bác, cho nhau vay không lấy lãi. Mỗi buổi sinh hoạt hội, chị đều nhắc nhở hội viên thực hành tiết kiệm trong đám cưới, đám tang, thực hiện nếp sống mới tại khu dân cư. Vì thế nhiều năm qua ở Đông Khê không còn tình trạng ăn uống linh đình trong đám cưới, đám tang, 100% đám tang không sử dụng thuốc lá. Năm 2013, có 77% gia đình hội viên phụ nữ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Việc nước đã giỏi, việc nhà chị Tam cũng rất chu toàn, chị cùng chồng phát triển kinh tế gia đình theo mô hình trang trại chăn nuôi. Hiện, trang trại của gia đình chị có 10 ô chuồng nuôi 120 - 160 con lợn cời và lợn thịt, 200 con ngan, 50 con gà chọi, 2 con đà điểu. Gia đình chị còn cung cấp mỗi năm 1.000 - 1.500 con lợn giống; đứng ra thu mua lợn thịt cho các gia trại, trang trại; làm dịch vụ xay xát phục vụ bà con. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi từ 70 - 80 triệu đồng. Nỗ lực làm giàu cho bản thân và gia đình song chị Tam cũng thường xuyên giúp đỡ chị em về giống, vốn, kiến thức chăn nuôi, buôn bán. Hiện chị đang giúp 5 chị vay 14 triệu đồng, 5 chỉ vàng không lấy lãi.

Bận mải là thế nhưng chị Tam vẫn theo học ở Trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình với mong muốn nắm bắt được nhiều kiến thức, kỹ thuật phát triển chăn nuôi, trồng trọt để phục vụ chính gia đình mình và hướng dẫn hội viên nuôi trồng, chăm sóc cây, con đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngay cả với việc học chị cũng nêu cao tinh thần của Bác “Học, học nữa, học mãi” bởi học không bao giờ là thừa.

Đỗ Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày