Thứ 6, 22/11/2024, 04:36[GMT+7]

Những nghệ nhân “giữ lửa” cho nghề chạm bạc

Thứ 6, 07/02/2014 | 10:48:07
3,492 lượt xem
Người thợ chạm bạc Ðồng Xâm không chỉ gìn giữ tinh hoa tổ nghề mà còn giữ phẩm chất, lương tâm người thợ, lấy chữ tín làm đầu. Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về Hồng Thái gặp 2 nghệ nhân mới càng hiểu và khâm phục những nghệ nhân nơi đây.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Ngoan giới thiệu những sản phẩm tinh xảo của làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm xã Hồng Thái.

 

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) vốn nổi tiếng có bề dày truyền thống gần 600 năm với những sản phẩm tinh xảo, độc đáo. Xưa làng nghề có sắc vua ban, nay được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cấp bằng công nhận là một trong 12 làng nghề tiêu biểu trên toàn quốc. Người thợ chạm bạc Ðồng Xâm không chỉ gìn giữ tinh hoa tổ nghề mà còn giữ phẩm chất, lương tâm người thợ, lấy chữ tín làm đầu. Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về Hồng Thái gặp 2 nghệ nhân mới càng hiểu và khâm phục những nghệ nhân nơi đây.

 

Ở tuổi 80, đôi bàn tay nhăn nheo, đôi mắt sáng, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan, một trong những “tay” chạm trổ, chế tác tài hoa, điêu luyện bậc nhất của làng vẫn cần mẫn, cặm cụi với nghề. Những nhát búa đều tay thoăn thoắt, nét chạm sắc và uyển chuyển, suốt bao năm nay đã tạo ra những  sản phẩm độc đáo hội tụ nét tinh tế tài hoa, ẩn chứa tình yêu, sự tâm huyết với nghề. 80 năm, ông đã chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của làng, của người thợ bạc và nghề chạm trổ. Ông tâm sự: Chạm bạc Ðồng Xâm yêu cầu kỹ thuật tỷ mỷ, phức tạp, các sản phẩm được chạm, khắc, trang trí không chỉ trên đồng, bạc mà trên bất kỳ chất liệu nào: gốm, sứ, thủy tinh,… cũng phải thật sự tinh xảo, độc đáo.

 

Những người thợ nơi đây ngày càng chuyên môn hóa, mỗi người một công đoạn, người dập khuôn, tạo dáng, người chạm trổ tạo hoa văn, người tráng bạc, đính cườm… bằng những công cụ hết sức thủ công như dùi, đinh, búa. Trong đó, công đoạn chạm đòi hỏi sự tập trung, khéo léo và nhiều thời gian nhất. Sản phẩm của chạm bạc Ðồng Xâm bao gồm 3 loại: thờ cúng, trang sức và mỹ nghệ mang  giá trị thẩm mỹ cao. Từ các loại đỉnh, vạc, lư hương, đĩa quả, chân đèn, hoành phi, câu đối… đến dây chuyền, nhẫn, hoa tai, lắc, vòng, trâm, khánh…  Vì vậy, sản phẩm của làng hiện có mặt ở khắp mọi miền, trong và ngoài nước và luôn giữ được niềm tin của khách hàng.

 

Hiện, Hồng Thái có gần 200 cơ sở sản xuất, với trên 2.200 lao động làm nghề, chiếm gần 70% lao động và đạt trên 55% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Nhấp chén trà, ông chia sẻ: 14 tuổi ông tham gia học nghề, đến năm 25 tuổi, ông đã trở thành tổ trưởng tổ sản xuất hàng chạm bạc xuất khẩu. Ra nhập HTX Chạm bạc xuất khẩu Ðồng Xâm, nhiều năm liền ông được bình bầu là cá nhân xuất sắc, chiến sĩ thi đua. Ðến những năm 1992 - 1993, HTX giải thể, ông thành lập cơ sở sản xuất phát triển nghề. Rồi ông gia nhập Trung ương Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Namon>, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương hội.

 

Tháng 8 năm 2010, ông cùng với những nghệ nhân tâm huyết đứng ra thành lập Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý chạm bạc Ðồng Xâm. Ông đã cùng với những người thợ lành nghề trong chi hội tổ chức chế tác bức tranh bằng chất liệu đồng đỏ với đề tài “Ðoan môn Hoàng thành Thăng Long và minh họa Lý Công Uẩn dời đô”  có chiều dài 2,8m và chiều rộng 1,8m làm quà tặng nhân dân thủ đô, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Cá nhân ông cũng từng tham gia nhiều cuộc thi và tham dự nhiều hội chợ triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế đạt được giải thưởng cao, nổi bật trong cuộc thi sản  phẩm mỹ nghệ kim hoàn với sản phẩm “Khay cốc rượu mùi” đạt giải thưởng “Bàn tay vàng”. Với những đóng góp trong công tác xây dựng Hội và trong sáng tạo, giữ gìn và phát triển làng nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan đã nhận được nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý: “Nghệ nhân ưu tú”, được Thủ tướng Chính Phủ, Ủy ban Trương ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Công thương… tặng bằng khen.

 

Cùng trải qua bao thăng trầm của làng nghề, nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Nhiêu, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý chạm bạc Ðồng Xâm cũng góp phần rất lớn trong việc xây dựng và phát triển làng nghề. Ông bảo: ngày ấy, để học được nghề phải mất nhiều thời gian và chịu nhiều vất vả, nhiều người 4 - 5 năm vẫn là một tay thợ phụ. Nhờ kiên trì học tập chỉ 3 năm sau ông đã là thợ lành nghề. Ông tham gia HTX, được bầu làm phó chủ nhiệm HTX và chủ nhiệm HTX. Ông đi nhiều nơi đưa các nghề thủ công khác về, tạo việc làm cho 500 - 600 xã viên. HTX giải thể, ông mở xưởng sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ. Ông chia sẻ: Thời kỳ hưng thịnh, chạm bạc Ðồng Xâm chủ yếu xuất khẩu nước ngoài, giá trị tính bằng đô la. Cả làng phấn khởi sản xuất, rồi nghề chạm bạc càng phát triển thành xã nghề rồi lan sang nhiều xã lân cận như: Lê Lợi, Trà Giang… Sau gần 60 năm gắn bó với nghề, đào tạo, dạy nghề cho hàng trăm người, tạo ra hàng nghìn sản phẩm, mỗi sản phẩm với ông mang một kỷ niệm, một giá trị chứ không riêng những sản phẩm đạt giải trong các cuộc thi và nhận được bằng khen, giấy khen.

 

Một mùa xuân nữa lại về, trong không khí háo hức chào đón mùa xuân mới, những nghệ nhân ấy vẫn còn nhiều trăn trở: Con cháu trong làng xã chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình mà ít chú trọng xây dựng kinh tế tập thể, tạo dựng và bảo tồn thương hiệu, uy tín làng nghề. Cùng với sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường, vì lợi ích trước mắt mà một số người đã và đang làm giảm chất lượng của sản phẩm và uy tín gần 600 năm gìn giữ và phát triển. Giá trị sản phẩm chưa tương xứng với công sức làm ra, ông mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ làng nghề: vay vốn, xây dựng thương hiệu để các sản phẩm của chạm bạc Ðồng Xâm có mặt trên nhiều nước trên thế giới, để mỗi mùa xuân về, Hồng Thái lại đón thêm nhiều thành công mới, có nhiều nghệ nhân trẻ, nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Ðể làm được điều đó, Hồng Thái cần sự phát huy nội lực của địa phương đặc biệt là thế hệ trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.

Bích Liễu

(Thành phố Thái Bình)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày