Thứ 6, 22/11/2024, 05:04[GMT+7]

Phát triển kinh tế nhờ mô hình ươm cây giống

Thứ 6, 14/02/2014 | 09:06:34
1,569 lượt xem
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, những năm qua nhiều gia đình ở xã Thượng Hiền (Kiến Xương) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng mô hình ươm cây giống vào sản xuất giúp giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Đi đầu trong phong trào là cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại sản xuất & phát triển mây song Dũng T

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại sản xuất & phát triển mây song Dũng Tấn kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của cây giống.

Đến thăm vườn ươm của Công ty cổ phần Thương mại sản xuất & phát triển mây song Dũng Tấn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô rộng lớn của các vườn ươm. Khu vườn hơn 2,5ha được bố trí hợp lý với hơn 100 loài cây đang được các công nhân chăm sóc cẩn thận. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống ươm mây giống từ lâu đời, ngay từ nhỏ ông Dũng sớm có điều kiện cùng với ông bà, cha mẹ trồng và chăm sóc mây giống.

Năm 2005, khi xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đã mạnh dạn bàn bạc với 19 gia đình trong xã chung vốn, góp đất thành lập Công ty cổ phần Thương mại sản xuất & phát triển mây song Dũng Tấn chuyên cung cấp cây giống cho các dự án, nhân dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài sản phẩm chính, Công ty còn mở rộng ươm thử nghiệm một số loài như cây ăn quả, dược liệu, cây lâm nghiệp…

Sau gần 10 năm phát triển và trưởng thành, Công ty Dũng Tấn đã vươn ra thị trường các tỉnh bạn, sản phẩm của Công ty có mặt tại hơn 30 tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài ra, Công ty Dũng Tấn còn tham gia rất tích cực cho Dự án 135 của Chính phủ về việc phủ xanh đất trống, đồi trọc, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất gắn với thị trường; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, giảm khoảng cách phát triển giữa miền núi và các vùng trong cả nước.

Bình quân mỗi năm, Công ty Dũng Tấn cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 triệu cây giống các loại, doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 150 lao động địa phương với mức lương ổn định từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng. Khi chúng tôi hỏi về kỹ thuật ươm cây giống, ông Dũng cho biết: Kỹ thuật ươm cây giống rất khắt khe, yêu cầu người ươm cần phải tỷ mỷ, kiểm soát chặt hạt giống, mắt ghép… Đất dùng để ươm phải là đất phù sa giàu chất dinh dưỡng, sau khi đất phơi khô cần đập cho vỡ vụn, tưới nước vào và dùng tay bóp cho tơi mịn thì mới đổ vào bầu để ươm hạt giống. Trước khi gieo hạt, bầu đất phải được tưới đủ ẩm, chọn những hạt đã nảy mầm, dùng que nhọn chọc lỗ giữa bầu sâu hơn 1cm rồi tra hạt. Hằng ngày chăm sóc bầu, cần để ý nếu có cây chết là phải thay ngay. Trong quá trình chăm sóc cần chú ý tưới nước thường xuyên, ngoài ra cần bổ sung thêm chất dinh dưỡng theo từng loài. Ngoài ra cần chú trọng phòng ngừa sâu bệnh cho cây con.

Theo ông Tạ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thượng Hiền cho biết, trong nhiều năm qua Công ty Dũng Tấn không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn tích cực tham gia đóng góp tiền của cùng với địa phương xây dựng các công trình tâm linh, xây dựng trường học, làm đường giao thông thôn xóm... Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liền ông Dũng cùng với Công ty Dũng Tấn đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu như: “Nghệ nhân làng nghề”, “Nghệ nhân bàn tay vàng”, “Cúp vàng thương hiệu Việt”, doanh nghiệp tiêu biểu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày