Chủ nhật, 24/11/2024, 11:55[GMT+7]

Nguyễn Viết Xuân Người đi lên từ gian khó

Thứ 6, 21/02/2014 | 08:35:58
1,873 lượt xem
Ðứng trên triền đê, nhìn những chuyến xe chở vật liệu tấp nập nối đuôi nhau xuất bến, chúng tôi càng cảm phục ý chí và nghị lực làm giàu của ông Xuân. Xứng đáng với danh hiệu “Cựu chiến binh gương mẫu giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, ông đã được ghi danh trong cuốn “Chân dung và đối thoại”, tập 2, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2011.

Ông Nguyễn Viết Xuân (bên phải) giới thiệu về khu bãi tập kết vật liệu.

 

Men theo con đường dẫn tới triền đê, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Viết Xuân, Giám đốc Công ty TNHH 27/7 Xuân Bắc, hội viên tiêu biểu của Hội Nạn nhân chất độc da cam/ Ðiôxin xã Thụy Quỳnh, Thái Thụy. Sự giản dị, chất phác là điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được ở người đàn ông này.  Nếu chỉ nhìn ở bề ngoài, không ai nghĩ ông là giám đốc của một công ty chuyên cung cấp vật liệu xây dựng nổi tiếng trong huyện. Và sẽ ít người biết được con đường làm giàu, sự khởi nghiệp của ông lại bắt đầu từ những chuyến xe bò chở hàng thuê cho người dân trong xóm. Song hành cùng bước đường làm giàu, ông vẫn “thầm lặng” tham gia các hoạt động nhân đạo tại địa phương.

 

Mồ côi cha từ khi 3 tuổi, cánh cửa cuộc đời ông mở ra với những tháng ngày lao động cực khổ. Gia cảnh nghèo, 4 mẹ con phải “oằn mình” kiếm sống. Năm 13 tuổi, ông Xuân đã phải làm đủ mọi việc từ cõng gạch vào lò cho đến cày cuốc ruộng vườn. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1974, Nguyễn Viết Xuân tham gia quân ngũ tại Ðại đội 2, Sư đoàn 371 khi 19 tuổi. Ðến năm 1979, ông về phục viên tham gia lao động sản xuất tại địa phương với thương tật 4/4. Mười năm “lăn lộn” với nghề kéo xe bò chở hàng thuê cho người dân trong xóm, tích lũy được ít vốn, ông chuyển sang chở vật liệu bằng xe công nông. Sau đó, ông đấu thầu lại 2 bến cũ có diện tích khoảng 9 mẫu đất là bến vật tư nông nghiệp của huyện từ thời bao cấp đã bỏ hoang, sắp giải tỏa.

 

Ông tâm sự: “Khi ấy, dù không nói ra nhưng chắc có nhiều người trong làng nghĩ tôi gàn, dở, bởi 2 bến đều lở phải đầu tư xây hệ thống kè bảo vệ đất, mất rất nhiều tiền của và thời gian”. Thế nhưng, ông Xuân đã biến cái điều được cho là “gàn, dở” ấy thành một bến bãi cung cấp vật liệu xây dựng lớn và xưởng đóng tàu với tổng thu nhập hiện nay đạt 10 tỷ/năm. Công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 70 lao động với thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Có được thành công đó, ông chia sẻ: “Công ty của chúng tôi hiện có 13 người trong Hội đồng quản trị. Bản thân tôi may mắn có những người anh, em, đồng đội tốt, luôn đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển. Ðiều đó là động lực để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, chèo chống và chiến thắng được thử thách ở thương trường”.

 

Kể về cuộc đời mình, ông nói: “Ngày còn trẻ, nhìn bạn bè có cha để cậy nhờ, tôi thấy buồn. Nhưng những khó khăn lúc đó càng thôi thúc tôi làm sao có thể thoát cảnh đói nghèo, đỡ đần mẹ và giúp các em đỡ khổ. Bao đêm trăn trở, tôi quyết định gắn bó với nghề vật liệu xây dựng. Từ khi thành lập công ty vào năm 2003, chúng tôi tự lập bằng chính khả năng và nguồn vốn của mình”. Ông quan niệm: “So với người ta mình không bằng nên mình càng phải cố vươn lên, chứng minh được mình, gây dựng sự nghiệp”. Bản lĩnh từ những gian khổ, sự đói nghèo của tuổi thơ cùng năm tháng chiến đấu nơi chiến trường đã rèn luyện nên một Nguyễn Viết Xuân đầy ý chí và nghị lực. Ðến nay, ông đã thành công khi sở hữu một cơ ngơi với 2 bến vật liệu xây dựng, 2 tàu vận tải, 4 ô tô tải và 1 ô tô con trị giá hàng tỷ đồng.

 

Ông Lê Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Ðiôxin Thụy Quỳnh cho biết: “Ông Xuân là một hội viên có tinh thần vượt khó, thường xuyên giúp đỡ các gia đình trong Hội có hoàn cảnh khó khăn. Các công trình phúc lợi tại địa phương: chùa chiền, trường học, đường giao thông đều do ông đấu thầu xây dựng. Khi xã chưa có nguồn kinh phí, ông sẵn sàng ứng vốn để làm trước. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội, ủng hộ tiền, quà để tặng cho các hộ nghèo, nạn nhân da cam, người khuyết tật nhân dịp lễ, tết”.

 

Bên cạnh hình ảnh một người giám đốc có đầu óc kinh doanh nhạy bén, biết chớp thời cơ, một người hội viên đầy tâm huyết của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Ðiôxin Thụy Quỳnh, ông còn tham gia hoạt động ở nhiều tổ chức hội tại Thụy Xuân: Hội Khuyến học xã, Hội Chữ thập đỏ… Ông cũng là một người cha gương mẫu, bởi những năm tháng chiến trường, xoay sở kiếm sống đã giúp ông có một “vốn” sống để dạy dỗ các con. 3 người con trai của ông đều đã thành đạt, có việc làm ổn định.

 

Ðứng trên triền đê, nhìn những chuyến xe chở vật liệu tấp nập nối đuôi nhau xuất bến, chúng tôi càng cảm phục ý chí và nghị lực làm giàu của ông Xuân. Xứng đáng với danh hiệu “Cựu chiến binh gương mẫu giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, ông đã được ghi danh trong cuốn “Chân dung và đối thoại”, tập 2, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, năm 2011.

Hoàng Lanh

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày