Chủ nhật, 24/11/2024, 11:21[GMT+7]

Làm giàu từ mô hình nuôi gà đẻ

Thứ 6, 28/02/2014 | 08:47:12
9,863 lượt xem
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của UBND huyện Hưng Hà khuyến khích chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân ở xã Tiến Ðức đã tích cực tham gia bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó mô hình nuôi gà đẻ của gia đình chị Nguyễn Thị Hương, thôn Ðoan Bản cho thu nhập ổn định khoảng 400 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Hương, thôn Ðoan Bản, xã Tiến Ðức (Hưng Hà) chăm sóc đàn gà của gia đình.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, đẹp nhất nhì trong thôn, chị Hương nhớ lại: Trước kia, khi chưa bắt tay vào chăn nuôi, gia đình cũng khó khăn lắm, thu nhập chính chủ yếu trông vào cây lúa, củ khoai nên chỉ tạm đủ ăn. Với suy nghĩ “quyết không để cho cái đói, cái nghèo đeo bám”, đầu năm 2005, trong một lần đi thăm bà con ở xã bên, tình cờ thấy ở đó có nhiều mô hình chăn nuôi gia trại cho hiệu quả kinh tế cao. Xác định đây là hướng đi mới, có thể áp dụng vào thực tế nên anh chị đã bỏ cả tháng trời để tới các trang trại, gia trại để tìm hiểu và học hỏi phương pháp. Sau khi tham khảo thực tế, anh chị quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà mái đẻ, ấp trứng.

Khi mới bắt tay vào chăn nuôi, anh chị đầu tư gần 1.000 con gà mái đẻ giống Rốt ri về nuôi thử nghiệm. Năm 2012, gia đình anh chị đăng ký với UBND xã mua và thuê gần 2 mẫu đất chua trũng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Chỉ tay về khu chuồng trại được xây dựng khang trang, chị cho biết “Trước kia khu vực này là vùng đất chua trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Khi mới ra ngoài này, gia đình tôi phải đầu tư gần 2 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại”.

Với suy nghĩ “an cư rồi mới lạc nghiệp”, gần 2 mẫu đất ấy anh chị đầu tư xây dựng 2 dãy chuồng rộng trên 1.000m2, lợp proximăng nuôi gà; 1 dãy chuồng rộng hơn 300m2 được chia làm 5 ô nhỏ để nuôi lợn. Diện tích đất xung quanh được anh chị đầu tư trồng các loại cây ăn quả như nhãn muộn Hưng Yên, bưởi Diễn, xoài và các loại cây cảnh vừa cho thu nhập, vừa tạo cảnh quan và bóng mát trong khu vực chăn nuôi.

Hiện nay, mô hình của gia đình anh chị thường xuyên nuôi khoảng 2.000 con gà mái đẻ trứng. Từ đàn gà này, mỗi ngày cho thu được gần 2.000 quả trứng. Số trứng này được thu gom lại và cứ 3 ngày gia đình tiến hành cho vào lò ấp 1 lần. Mỗi năm gia đình anh chị cung cấp cho các đại lý, người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh hàng chục vạn con giống chất lượng cao. Sau khi gà đẻ từ 5 - 6 tháng, anh chị tiến hành chọn lọc, loại thải những con gà đẻ ít và tiếp tục nuôi gối lứa gà mới. Với giá bán trung bình hiện nay khoảng từ 8.000 - 12.000 đồng/con gà giống, sau khi trừ chi phí cho gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng.

Do chủ động được nguồn giống gà bảo đảm nên anh chị tiếp tục đầu tư nuôi thêm gà thịt và lợn thịt. Chỉ tính riêng năm 2013, gia đình cung cấp cho thị trường hơn 8.000 con gà thương phẩm và 20 tấn thịt lợn hơi. Sau khi trừ chi phí cho thu lãi gần 200 triệu đồng. Hiện nay từ mô hình chăn nuôi này cho gia đình anh chị thu nhập ổn định khoảng 400 triệu đồng/năm.

Khi được hỏi về kinh nghiệm chăn nuôi, chị Hương không ngần ngại chia sẻ: “Trong quá trình chăn nuôi, để đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của đàn gà 1 - 2 lần/ngày, nếu thấy con nào có biểu hiện ốm cần phải bắt nhốt riêng để theo dõi và tìm cách xử lý tránh để lây lan trong đàn. Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, thu gom xử lý chất thải; phun thuốc khử trùng và rắc vôi bột xung quanh khu vực chuồng trại theo định kỳ. Khi xây dựng chuồng nuôi cần phải chọn nơi cao ráo, bảo đảm giữ ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè; cách xa khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường, hạn chế người lạ ra vào khu chăn nuôi. Ngoài ra, cần bổ sung vitamin và khoáng chất theo định kỳ vào khẩu phần ăn của gà để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi...”.

Với thành công từ việc xây dựng mô hình chăn nuôi có hiệu quả đã giúp gia đình chị Hương thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế ổn định ở địa phương. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của gia đình anh chị đã trở thành điểm đến học tập kinh nghiệm của đông đảo các hộ chăn nuôi khác, qua đó góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo cho các gia đình tại địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Hương còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống cho nhiều bà con nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày