Chủ nhật, 24/11/2024, 11:58[GMT+7]

Cựu chiến binh xã Mê Linh Làm giàu từ nghề truyền thống

Thứ 6, 28/02/2014 | 17:29:36
2,924 lượt xem
Những người lính năm xưa, nay trở về giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Đã có không ít cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo, thậm chí là làm giàu bằng nghề làm bẫy diệt chuột truyền thống.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bộ đóng gói sản phẩm bẫy diệt chuột.

 

Nói tới mảnh đất Mê Linh (Đông Hưng), nhiều người trong mỗi chúng ta sẽ nghĩ ngay đến nghề làm bẫy diệt chuột truyền thống. Hiện nay, nghề làm bẫy diệt chuột của địa phương đã và đang giải quyết việc làm cho trên 300 hộ dân với hơn 1.500 lao động, trong đó có rất nhiều cựu chiến binh (CCB). Những người lính năm xưa, nay trở về giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Đã có không ít CCB vươn lên thoát nghèo, thậm chí là làm giàu bằng nghề làm bẫy diệt chuột truyền thống.

 

Qua sự giới thiệu của bác Chủ tịch Hội CCB xã, chúng tôi tìm đến cơ sở cán rút thép và sản xuất bẫy diệt chuột của CCB Nghiêm Đăng Tòng, thuộc Chi hội thôn An Vĩnh. Được biết, bác Tòng là hội viên tiêu biểu làm giàu từ nghề cán rút thép và làm bẫy diệt chuột truyền thống. Vì là nghề truyền thống của quê hương, nên ngay từ nhỏ bác Tòng đã sớm có điều kiện tiếp cận với nghề, song thực sự gắn bó với nghề, mưu sinh bằng nghề làm bẫy diệt chuột thì khoảng hơn 30 năm nay.

 

Chia sẻ về giai đoạn đầu, bác Tòng cho biết: “Ngày trước, gia đình tôi làm bẫy diệt chuột chủ yếu để tận dụng thời gian lúc nông nhàn. Sau đó, nhận thấy nhu cầu thị trường cao, nên gia đình tập trung vào sản xuất nhiều hơn. Các công đoạn sản xuất bẫy diệt chuột ngày trước hoàn toàn được làm thủ công, tốn khá nhiều thời gian mới cho ra được 1 sản phẩm. Nguyên liệu thép, dây cáp đều được nhập từ các tỉnh khác về do địa phương chưa có máy cán rút thép. Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra cho sản phẩm cũng gặp rất nhiều khó khăn”. Nhưng với bản lĩnh, ý chí kiên cường của người lính cựu, bác Tòng đã từng bước vượt qua khó khăn, quyết tâm gắn bó, bám trụ với nghề truyền thống.

 

Để giải quyết vấn đề nguyên liệu sản xuất, đầu những năm 90, bác đã mạnh dạn đầu tư máy cán rút thép trị giá hơn 200 triệu đồng, để phục vụ sản xuất tại cơ sở và cung cấp cho các cơ sở sản xuất bẫy chuột khác trong xã, đồng thời giảm được giá thành nguyên liệu đầu vào. Để tăng năng suất, nhiều công đoạn thủ công đã dần được thay thế như công đoạn quấn lò xo. Nếu trước đây quấn bằng tay phải mất 10 – 15 phút mới được 1 sản phẩm, khi quấn bằng máy chỉ cần khoảng 3 phút. Việc tìm đầu ra cho sản phẩm theo bác Tòng là công đoạn cuối cùng và cũng là khó nhất. Để có được thị trường ổn định như hôm nay, bác Tòng đã phải bôn ba giao dịch ở nhiều nơi, từ khu vực biên giới Lào, Campuchia đến Cao Bằng, Lạng Sơn… Cùng với việc đầu tư trang thiết bị, mở rộng thị trường là mở rộng quy mô sản xuất.

 

Hiện nay, cơ sở sản xuất của bác Tòng có 8 lao động thường xuyên chuyên cán rút thép với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/ tháng, ngoài ra còn có 25 – 30 hộ gia đình chuyên nhận nguyên liệu từ cơ sở sản xuất về gia công. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng gần 8.000 sản phẩm với giá trung bình từ 3.100 đồng đến 3.400 đồng/sản phẩm. Ngoài ra, cơ sở của bác Tòng còn cán thép phục vụ địa phương và các tỉnh lân cận để làm dũa cưa và các vật dụng khác. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí gia đình bác thu lãi hơn 500 triệu đồng.

 

Cũng giống như bác Tòng, bác Nguyễn Văn Bộ, hội viên Chi hội CCB thôn Tiền, đồng thời là Phó Bí thư Đảng ủy xã cùng gia đình sản xuất bẫy diệt chuột để “tận dụng thời gian lúc nông nhàn”. Tuy không có quy mô lớn như cơ sở sản xuất của bác Tòng, song cơ sở sản xuất của bác Bộ cũng tạo việc làm cho 8 lao động nhận gia công sản phẩm với thu nhập mỗi tháng gần 2 triệu đồng. Trao đổi về quá trình sản xuất bẫy diệt chuột, bác Bộ cho biết: “Để sản xuất được 1 bẫy diệt chuột hoàn chỉnh phải trải qua 14 công đoạn khác nhau và hầu như đều làm thủ công. Nguyên liệu thép, cáp được nhập từ cơ sở của bác Tòng. Ba công đoạn chính là: cắt sắt, tạo khuôn và quấn lò xo. Hai công đoạn “vào cạm” và “chuôi mồi” cũng rất quan trọng, đây chính là công đoạn quyết định bẫy có nhạy hay không. Ngoài ra còn có các công đoạn phụ như: đóng gói, buộc bó, sơn tôi…”.

 

Bác Bộ cho biết thêm: “Để duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương, lãnh đạo địa phương đã chủ trương quy hoạch cụm công nghiệp đưa làng nghề ra tập trung tại một điểm để thuận lợi cho việc giao thương, đồng thời khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ, mở rộng thị trường tiêu thụ, hỗ trợ vốn sản xuất cho các cơ sở nhằm giữ nghề truyền thống”.

 

Có thể nhận thấy, cùng với chính quyền và nhân dân địa phương, CCB xã Mê Linh với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã và đang là lực lượng nòng cốt, góp phần đắc lực trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của quê hương.

Đào Quyên

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày